Nhiều công viên, khu vui chơi ở Hà Nội được khởi công rầm rộ, nhưng sau đó lại quây rào kín mít, ‘đắp chiếu’, chung cảnh lãng phí đất đai.
LTS: Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa nêu quyết tâm, trong năm 2023 thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận. Báo VietNamNet ghi nhận thực trạng hệ thống công viên, chỉ rõ bất cập, chung tay góp giải pháp hồi sinh các công viên. Thực tế cho thấy, nhiều dự án công viên mới vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’, công viên cũ vẫn cảnh bị “xẻ thịt”, lấn chiếm. Thực trạng này đòi hỏi, muốn xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, cần thực hiện nghiêm quy hoạch mạng lưới công viên, vườn hoa đã có từ năm 2014 với chủ trương dành quỹ đất phù hợp sau di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh và ưu tiên đầu tư xứng tầm. Bên cạnh đó, cần quyết liệt giải tỏa, di dời các công trình sử dụng sai mục đích trong công viên, trả lại mảng xanh công cộng.
Năm 2016, lãnh đạo TP Hà Nội cùng các sở ngành khởi công dự án Công viên Kim Quy tại huyện Đông Anh. Với diện tích hơn 100ha, tổng mức đầu tư lên đến 4.600 tỷ đồng, dự án Công viên Kim Quy là một trong những tổ hợp công viên lớn nhất Hà Nội. Thời điểm đó, TP Hà Nội đặt kỳ vọng công viên này sẽ là điểm đến độc đáo, thu hút du khách vào dịp cuối tuần và lễ tết.
Hơn 6 năm đã trôi qua, Công viên Kim Quy đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống, được rào tôn kín mít. Nhìn bãi đất trống rộng bát ngát, nằm xen kẽ ao hồ, ông Nguyễn Văn Trường (người dân ở Tây Hồ) không khỏi tiếc nuối vì nguồn lực đất đai bị lãng phí.
“Nếu thực hiện đúng như kế hoạch thì năm 2018, Công viên Kim Quy đã được hoàn thành. Dù chậm tiến độ 4 năm, nhưng đến nay, chúng tôi chưa thấy dấu hiệu công viên sớm hình thành tại đây”, ông Trường nói.
Tương tự, giữa năm 2019, Tập đoàn BRG công bố triển khai Công viên Hello Kitty nằm ở khu ‘đất vàng’ rộng 3ha, tại 151-153 Yên Phụ, ngay sát Hồ Tây. Hello Kitty được thiết kế là công viên chuyên đề, với những trò chơi dành cho trẻ em. Thời điểm công bố dự án, tập đoàn này đặt kỳ vọng đến 2021 sẽ hoàn thành công viên. Đến nay, gần 4 năm trôi qua, dự án Công viên Hello Kitty vẫn là bãi đất trống, với những ngôi nhà bị phá dỡ dở dang.
Việc Công viên Kim Quy và Công viên Hello Kitty ‘đắp chiếu’ nhiều năm, không chỉ kiến cử tri, mà cả đại biểu HĐND TP Hà Nội cũng bức xúc. Chất vấn tại phiên họp HĐND TP Hà Nội ngày 25/4/2022, đại biểu Duy Hoàng Dương đặt câu hỏi liên quan đến tiến độ thực hiện hai dự án công viên lớn là Kim Quy và Hello Kitty.
Ông Dương cho biết, TP đã có chỉ đạo về việc hỗ trợ thủ tục hành chính để thúc đẩy tiến độ, nhưng hai dự án vẫn chậm trễ, gây lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận nhân dân.
Trả lời về nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ Công viên Kim Quy, ông Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, công viên này không có vướng mắc gì về mặt quy hoạch mà chủ yếu về vấn đề giải phóng mặt bằng. Còn Công viên Hello Kitty cũng đã xong quy hoạch, được phép xây 8 tầng cao, mật độ xây dựng 80%. Vướng mắc duy nhất hiện nay cũng là công tác giải phóng mặt bằng do có một phần đất công.
Công viên Chu Văn An (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) được TP Hà Nội công bố quy hoạch từ năm 2009, với tổng diện tích 50,9ha, được kỳ vọng trở thành ‘lá phổi xanh’ mang lại bầu không khí trong lành cho cư dân khu vực Tây Nam Hà Nội. Đến nay, các hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản như cầu, cống, đường dạo trong công viên này đã hoàn thành.
Tuy nhiên, các hạng mục như Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, khu vui chơi, giải trí và cây xanh trong công viên vẫn là những bãi đất trống, để cỏ mọc kín. Thậm chí nhiều khu vực trong Công viên Chu Văn An trở thành nơi tập trung rác thải hoặc được trưng dụng làm bãi dạy lái xe ô tô. Dù công viên chưa hoàn thiện, nhưng một số hạng mục đã bị xuống cấp, gây lãng phí.
Còn Công viên hồ điều hoà Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), dù được khởi công từ năm 2016 với tổng diện tích gần 12ha và dự kiến hoàn thành vào năm 2017, nhưng sau 6 năm khởi công, các khu đô thị quanh đó mọc lên rầm rộ, công viên này vẫn ngổn ngang như đại công trường.
Theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet vào đầu tháng 10/2022, bên ngoài Công viên Phùng Khoang (phía đường Tố Hữu) vẫn được quây tôn kín mít. Bên trong công viên dù chưa hoàn thiện nhưng không thấy bóng dáng công nhân, máy móc hoạt động. Các hạng mục như khu quảng trường vui chơi, đường dạo nội bộ… dù chưa đưa vào sử dụng nhưng đã có dấu hiệu hư hỏng, gạch đá bong tróc khắp nơi.
“Từ năm 2016 đến nay, lúc nào cư dân chúng tôi cũng mong Công viên Phùng Khoang sớm hoàn thành để có chỗ cho con, cháu vui chơi. Tuy nhiên, càng mong mỏi thì càng thất vọng, chẳng biết đến bao giờ công viên mới mở cửa, cư dân có chỗ rèn luyện sức khoẻ”, chị Phạm Thị Nhài, chung cư VOV (phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm) chia sẻ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, Công viên Chu Văn An đã hoàn thành 80% khối lượng xây dựng hạ tầng kỹ thuật, như đường giao thông, bãi đỗ xe, trồng cây theo tuyến đường, đường dạo, hệ thống thoát nước, chiếu sáng. Dự án này đến nay vẫn vướng 5% diện tích đất chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Còn Công viên Phùng Khoang đã đạt khoảng 80% hạng mục hồ điều hòa, làm đường dạo, rào chắn, trồng cây xanh.
Dự án Công viên Chu Văn An còn gặp khó trong thực hiện tiểu dự án đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc tượng đài, nhà tưởng niệm (dự kiến khoảng 130 tỷ đồng) do chưa kêu gọi được đầu tư.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc giải phóng mặt bằng tại các dự án trên gặp khó khăn do vướng đất nghĩa trang, phải điều chỉnh quy hoạch hay tạm dừng vì cơ quan chức năng đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch có liên quan. Ngoài ra, việc kết nối hạ tầng dự án (giao thông, thoát nước) với hạ tầng xung quanh gặp cản trở do các dự án hạ tầng tiếp giáp chưa thi công lối mở, lối vào công viên.
Kỳ tiếp: Gần 10 năm, TP Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng, cải tạo trong nội thành 60 công viên, vườn hoa, nhưng đến nay do thiếu vốn, thiếu chủ đầu tư, vướng giải phóng mặt bằng, nhiều dự án vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’. Mời quý độc giả đón đọc bài 8...