Nhiều quốc gia đã có những bước nhảy vọt về phát triển công nghệ nhờ các chính sách hỗ trợ phù hợp cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp.
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ngay từ năm 2019, chi tiêu cho R&D của các quốc gia thành viên OECD đã đạt gần 2,5% GDP. Đáng chú ý, Israel và Hàn Quốc đạt tới 4,9% và 4,6% GDP; Hoa Kỳ 3%; Trung Quốc 2,2%...
Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ có một phần rất nhỏ nguồn vốn quốc gia được dành cho R&D. Nhiều doanh nghiệp Việt hạn chế đầu tư R&D do tâm lý e ngại rủi ro, thiếu sự dẫn dắt từ các doanh nghiệp lớn để thúc đẩy hoạt động “khó và khổ” này. Hệ lụy kéo theo là hạn chế khả năng sáng tạo các giải pháp tiên tiến, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp rất dễ bỏ lỡ hoặc đi chậm một bước so với thế giới trong các xu hướng công nghệ mới như: AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet kết nối vạn vật), VR (thực tế ảo), Blockchain (chuỗi khối)...
Bàn về câu chuyện này, ông Nguyễn Phước Hải, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Công nghệ CMC lưu ý, nếu nói doanh nghiệp tư nhân ít đầu tư R&D thì có thể là nói chung các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác, chứ riêng lĩnh vực công nghệ thông tin thì hầu như doanh nghiệp nào cũng rất quan tâm đầu tư cho R&D.
Hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế như vốn, thị trường…, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với câu chuyện “ngay từ khi sinh ra đã phải chiến đấu toàn cầu”.
“Muốn phát triển lên một tầm cao mới, cạnh tranh với cường quốc năm châu về mặt công nghệ, Việt Nam cũng phải đầu tư cho hoạt động R&D giống như họ”, ông Hải nói.
Việt Nam đã có định hướng đầu tư R&D để phát triển lên những cấp độ cao hơn của công nghệ chứ không chỉ dừng ở sản xuất, lắp ráp, gia công như trước. Tuy nhiên, thiếu nhân lực công nghệ chất lượng cao đang là “bài toán” lớn dù Việt Nam khá dồi dào lực lượng lao động trẻ và năng động.
“Để có một nhân sự công nghệ chất lượng cao, ước tính phải qua 5 năm đại học, cộng thêm khoảng “10.000 giờ bay” về kinh nghiệm công việc, tối thiểu cũng 10 năm. Ngay bây giờ, chúng ta phải “gieo mầm” thì mới tính tới chuyện “hái quả” trong 10 – 20 năm nữa. Đầu tư cho con người là chiến lược quan trọng nhất để phát triển. Muốn phát triển ngành kinh tế mũi nhọn hay một chiến lược đổi mới thì phải bắt đầu càng sớm càng tốt. Hãy nhìn vào Hàn Quốc, Trung Quốc và trước đấy là Nhật Bản, họ đã cử hàng trăm hàng nghìn sinh viên, kỹ sư đi học ở Mỹ từ thế kỷ trước. Bây giờ họ gặt hái thế nào thì mọi người nhìn thấy rồi”, ông Hải phân tích.
Những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… rất ưu tiên phát triển nghiên cứu về chủ đề công nghệ trong giới học sinh, sinh viên. Có giai đoạn, tại MIT, các khoa nghiên cứu phát triển về công nghệ cao toàn người châu Á, nhất là Đông Bắc Á.
Nhìn về Việt Nam, một thời gian dài ưu tiên đi học những ngành như quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng…, số lượng người học về kỹ thuật đã ít rồi, về R&D lại càng ít hơn. Nguồn nhân lực công nghệ cao, đặc biệt là nhân lực R&D đang vô cùng khan hiếm.
Nhân lực công nghệ chất lượng cao là nền tảng cốt lõi cho sự tồn tại và phát triển của mọi doanh nghiệp công nghệ thông tin. Vì thế, các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn tới hoạt động đào tạo đội ngũ nhân lực này.
Bản thân doanh nghiệp phải chủ động. “CMC luôn xác định doanh nghiệp cần cố gắng chủ động trước, còn nhà nước hỗ trợ được cái gì thì tốt cái đấy. Chúng tôi luôn dành nguồn lực, mời các chuyên gia về đào tạo để nâng cao năng lực R&D và chuyên môn công nghệ cho cán bộ, nhân viên. Chúng tôi cũng đã mở trường Đại học CMC, đại học công nghệ số đầu tiên ở Việt Nam để tự tạo cho mình nguồn lực R&D dài hạn với các công nghệ tiên tiến như AI, Blockchain, IoT…, và mới đây nữa chúng tôi vừa bổ sung nội dung mới - đào tạo về thiết kế chip, thiết kế bán dẫn”, Phó Chủ tịch Tập đoàn CMC cho biết.
Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, nếu muốn phát triển được công nghệ cao, Nhà nước nên có chiến lược đào tạo số lượng rất lớn nguồn nhân lực R&D sẵn sàng phát triển công nghệ mới. Chẳng hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Bộ Thông tin và Truyền thông gần đây đề cập nhiều tới chuyện phát triển công nghiệp bán dẫn. Muốn làm được việc này chắc chắn cần đầu tư nghiêm túc và đầu tư sớm cho đào tạo nguồn nhân lực R&D.
Làm chủ công nghệ là ước mơ của rất nhiều người. Nhưng đây cũng là con đường vô cùng dài, vô cùng gian nan và rất nhiều rủi ro, thách thức.
Không chỉ ngồi mơ, xác định rõ đầu tư cho R&D là đầu tư mang tính chất dài hạn, có thể rủi ro, nhưng lợi nhuận mang lại lớn và bền vững, từ cách đây 10 năm, CMC đã thành lập Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC ATI. Đây là nòng cốt sáng tạo công nghệ lõi, làm giàu nguồn nhân lực nghiên cứu ứng dụng chất lượng cao cho Tập đoàn Công nghệ CMC.
Sau một thời gian dài vất vả đầu tư nghiên cứu, tới nay, CMC ATI đã từng bước làm chủ được một số công nghệ hàng đầu thế giới. 11 sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam – Made by CMC” có giá trị ứng dụng cao đã được hoàn thiện, bắt đầu ghi dấu ấn trên thị trường như: Giải pháp nhận diện khuôn mặt để kiểm soát ra vào an ninh; Giải pháp chuyển đổi ngôn ngữ thành văn bản và văn bản thành ngôn ngữ; nhận diện các ký tự, hình ảnh, biểu mẫu để chuyển đổi số, tự động hóa cho doanh nghiệp…
Những thành quả nghiên cứu về công nghệ và giải pháp công nghệ của CMC ATI là hành trang rất tốt cho CMC Global chinh phục những miền đất mới trên hành trình vươn ra thị trường quốc tế.
“Nói chung là về công nghệ thì mình không thua kém thế giới đâu. Đừng e ngại. Làm chủ công nghệ là chặng đường dài nhưng cứ đi rồi sẽ đến. Khi làm chủ rồi thì chúng ta sẽ thấy tự tin hơn rất nhiều”, lãnh đạo CMC chia sẻ kinh nghiệm với những doanh nghiệp còn e ngại rủi ro khi đầu tư R&D.
“Bản thân CMC cũng thất bại nhiều chứ. Nghiên cứu vô số thứ, may ra mới có một thứ “chín” để “ăn”, đâu có đơn giản. Chúng tôi cũng đã trải qua “ba chìm bảy nổi” và rất nhiều khó khăn. Nhưng lĩnh vực này muốn đi đầu thì phải có công nghệ, không có cách nào khác. Các doanh nghiệp cần phải kiên định, liên tục nghiên cứu và đổi mới, đi theo xu hướng của thị trường. Nếu chỉ chạy theo lợi nhuận và những việc ngắn hạn thì sẽ khó có thành công”, ông Hải tâm sự.
Bài: Bình Minh
Thiết kế: Vũ Minh Hòa