Lợi thế đối với các startup của BK Fund khi hợp tác cùng CMC
Trong khuôn khổ chương trình, chủ đề được đông đảo khách mời và các thành viên tham gia quan tâm là các câu chuyện đầu tư công nghệ tại các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn công nghệ CMC, Tập đoàn Austdoor; các quỹ đầu tư mạo hiểm như: BK Fund hay Thinkzone... Qua đó cho thấy nguồn lực hỗ trợ dồi dào cả về mặt tài chính và chuyên môn cho cộng đồng startup/spinoff trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện nay.
Tham dự chương trình, ông Nguyễn Duy Việt - Trưởng ban Đầu tư, Mua bán và Sáp nhập Tập đoàn công nghệ CMC đã có bài thuyết trình liên quan tới chủ đề đầu tư startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin. "Các startup của BK Fund khi hợp tác cùng CMC sẽ có lợi thế lớn về mặt thị trường. CMC hiện có văn phòng tại gần 30 quốc gia trên khắp thế giới, xuất khẩu phần mềm tới nhiều thị trường lớn như: APAC, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ... Cùng với đó là lợi thế về hệ thống các chuyên gia kỹ thuật. CMC tự hào là tập đoàn tư nhân đầu tiên tại Việt Nam có Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ CMC ATI, là nơi sáng tạo các sản phẩm Made In Vietnam...", ông Nguyễn Duy Việt chia sẻ.
Đại diện CMC cho biết thêm, CMC đã và đang chú trọng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ: IoT, Cloud, Security, Big data - AI, Robotics … thông qua việc tìm kiếm và phát triển các ý tưởng, sản phẩm, giải pháp và dịch vụ trên nền tảng công nghệ. Trên cơ sở đó, CMC đã thành lập Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo CMC (CMC Innovation Fund - CIF). Đây là mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm trong lòng doanh nghiệp (Corporate Venture Capital - CVC). Ngân sách đầu tư năm 2023 của Quỹ CIF dự kiến khoảng 100 tỷ. Quỹ sẽ thực hiện đầu tư cho các hoạt động đổi mới sáng tạo trong nội bộ Tập đoàn và đầu tư ra ngoài vào các startup, tham gia thúc đẩy hệ sinh thái startup ở Việt Nam.
Định hướng của BK Fund trong giai đoạn tới
Trước đó, phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh: "Hơn bao giờ hết, hoạt động của BK Fund và mạng lưới các nhà đầu tư là một mắt xích quan trọng đóng góp vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội và Mạng lưới CSV Bách Khoa. Những hoạt động này luôn được nhà trường đẩy mạnh, đào tạo sinh viên phát triển hơn nữa… để sự thành công của cựu sinh viên, sự thành công của nhà đầu tư chính là thành công của Đại học Bách khoa Hà Nội”.
Theo Báo cáo tại Đại hội Nhà đầu tư thường niên 2023, BK Fund đã xem xét đánh giá 200 dự án startup và đã giải ngân đầu tư cho 7 dự án startup lớn. Đáng chú ý, trong định hướng và chính sách mới của BK Fund từ năm 2023, sẽ tập trung triển khai đầu tư vào các lĩnh vực: công nghệ sinh học, công nghệ thiết kế và phát triển chip, công nghệ AI ứng dụng vào các giải pháp: Giáo dục - Kinh tế - Xã hội....
Phát biểu tại chương trình, TS. Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Mạng lưới CSV Bách Khoa giới thiệu về định hướng của BK Fund trong giai đoạn sắp tới: “Đại học Bách khoa Hà Nội là một trường đại học công nghệ toàn cầu của đất nước, có một đội ngũ cựu sinh viên hùng hậu, đến thời điểm này là hơn 200.000 cựu sinh viên đã tốt nghiệp và đang hoạt động trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước… Đại hội Nhà đầu tư của BK Fund đã thảo luận và đưa ra quyết định BK Fund sẽ nâng mức vốn của quỹ, kêu gọi các cựu sinh viên và các nhà đầu tư khác có thể không phải là sinh viên, không phải là cựu sinh viên đến với Quỹ BK Fund. Chúng tôi mong muốn trong năm tới BK Fund sẽ phát triển như kỳ vọng của tất cả chúng ta”.
Đặc biệt tại chương trình BK Investor Network 2023, khách mời có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm công nghệ do startup cung cấp, lắng nghe phần thuyết trình ấn tượng của 5 nhóm startup tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó còn diễn ra các hoạt động ký kết đầu tư và hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa nhiều đơn vị và tổ chức.