Từ khi chưa có gì trong tay, Tập đoàn Viettel đã nuôi khát vọng “mỗi người dân Việt Nam có một chiếc điện thoại di động”. Khát vọng đó thúc giục Viettel xây dựng hạ tầng viễn thông phủ khắp đất nước để phổ cập dịch vụ di động, biến di động từ dịch vụ xa xỉ trở thành thiết yếu.
Tiếp tục khát vọng mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang băng thông rộng, mỗi người có một chiếc smartphone, Viettel cùng các doanh nghiệp viễn thông khác đưa Internet cáp quang đến 90% hộ gia đình Việt Nam. Chiếc smartphone không chỉ là công cụ kết nối thông thường mà còn là phương tiện học tập, làm việc, giải trí và kiếm sống của người dân Việt Nam.
Những mục tiêu ấy không nằm ngoài khát vọng tự chủ hạ tầng của Viettel. Trong hành trình chinh phục những đỉnh núi ngày một cao hơn sau này, Viettel luôn nỗ lực tự lực tự cường và không ngừng tự làm mới mình trên hành trình phổ cập công nghệ, giúp cho nhiều người nhất tiếp cận được các công nghệ mới nhất.
Năm 1999, Viettel trở thành công ty tiên phong hoàn thành đường trục cáp quang 1A áp dụng công nghệ ghép bước sóng trên một sợi quang với cự ly xa đến hơn 2.300 km. Viettel đã thi công, lắp đặt đường trục thông tin quân sự hữu tuyến đầu tiên của Quân đội trong gần 1 năm mà không có sự tham gia, dù chỉ là tư vấn, giúp đỡ từ các đối tác nước ngoài.
Từ thành công của cột mốc 1A, Viettel thêm tự tin để xây dựng hàng loạt tuyến cáp quang quan trọng, tạo nên hạ tầng viễn thông quốc gia mạnh bậc nhất khu vực như: Đường 1C chuyển dịch từ SDH sang DWDM; tuyến cáp quang AAG - hướng kết nối đầu tiên ra đường biển, trục cáp quang Đông Dương, đường cáp quang công nghệ GPON, hay các đường cáp quang ở 10 thị trường Viettel đầu tư…
Viettel bây giờ đã có mạng lưới cáp quang đủ quấn 9 vòng trái đất.
Nhưng trước khi thành tích về cáp quang được thiết lập, kỳ tích của Viettel là dựng mạng lưới trạm phát sóng di động. Với khao khát kinh doanh di động, Viettel ban đầu dự định đi theo con đường liên doanh với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, đứng trước những điều khoản dồn ép mà đối tác đưa ra, các lãnh đạo Viettel ngày đó đồng loạt xô bàn đứng dậy, bỏ cuộc đàm phán để quyết định tự làm.
Với số vốn chỉ đủ xây 150 trạm BTS và 100 nhân sự, Viettel đối diện với bài toán tự xây dựng mạng di động. Tìm ra cách mua thiết bị trả chậm trong vòng 4 năm, Viettel có đủ thiết bị cho 5.000 trạm phát sóng. Bài toán tiếp theo là phải triển khai thật nhanh để đi vào kinh doanh, lấy tiền trả nợ.
Nếu thuê chuyên gia nước ngoài, 1 năm Viettel sẽ tốn hàng triệu USD mà chỉ có thể xây 150 trạm. Với trí tuệ Việt Nam và sự sáng tạo, những người lính vốn chuyên kéo cáp, dựng cột đã tìm ra phương pháp thiết kế mạng lưới trạm theo hình lưới mắt cáo và lên phương án xây dựng quy chuẩn trạm điển hình, tổ chức hàng chục đội triển khai đồng loạt trên tất cả các tỉnh thành trong cả nước.
Viettel thần tốc có được đội ngũ toả về khắp các địa bàn, chỉ cần 2 tiêu chí cốt lõi: có sức khoẻ và có trách nhiệm. Sức khoẻ để băng rừng vượt suối leo đèo dựng cột lập trạm. Trách nhiệm để chỉn chu nề nếp tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, đã làm là làm đến cùng. Từ những hạt nhân về thi công, Viettel đào tạo nội bộ và nhân giống đội nhóm.
Có nhiều trạm mà người Viettel phải quyết tâm làm cả ngày, cả đêm để phát sóng kịp thời theo mệnh lệnh của Tổng giám đốc.
“Khi lắp trạm ở trên núi Ba Vì, chúng tôi tạo cái xe goòng xong bắt đầu kéo lên trên trạm. Quyết tâm đúng 3 giờ sáng là phải phát sóng. Chúng tôi làm rất nhiệt tình, say sưa và hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ được giao. Đó là sự dấn thân và hy sinh vì sự nghiệp chung của quốc gia, của đất nước và của Tập đoàn”, Thiếu tướng Hoàng Công Vĩnh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel kể lại.
“Do tự làm nên mình làm chủ được và kích thích được lòng tự tôn dân tộc. Có đến hàng nghìn cải tiến trong quá trình thiết kế, thi công và khai thác mạng lưới. Cán bộ công nhân viên Viettel làm ngày làm đêm không tính toán gì cả, đốt đuốc lắp trạm, tập trung cho công việc, quyết tâm đến cùng là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà mỗi cá nhân được giao”, Trung tướng Hoàng Anh Xuân, Nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ.
Trong vòng 2 năm, Viettel đã sở hữu số trạm lớn hơn tất cả các mạng khác cộng lại đã triển khai trong 10 năm trước đó, tạo nên nền tảng hạ tầng viễn thông quốc gia chất lượng, rộng khắp tới tận các trung tâm huyện, xã lân cận của 63 tỉnh, thành phố. Hạ tầng này góp phần đưa mật độ điện thoại ở Việt Nam từ 4% tăng lên 90% năm 2007 và hiện tại đã là 130%. Di động vốn là một dịch vụ xa xỉ tại Việt Nam đã trở thành thiết yếu.
Từ công nghệ viễn thông 2G, vào năm 2010, Viettel khai trương mạng 3G với tốc độ cao, dịch vụ đa dạng. Tại thời điểm khai trương, số trạm phát sóng 3G của Viettel gấp 1,5 lần so với cam kết với Bộ TT&TT. Mạng 3G cung cấp dịch vụ thoại và truy nhập dữ liệu tốc độ cao, đồng thời thúc đẩy sự hội tụ của các thiết bị di động với nhiều sản phẩm điện tử tiêu dùng khác.
7 năm sau, vào năm 2017, Viettel khai trương mạng 4G với mong muốn tạo ra hạ tầng kết nối băng rộng có chất lượng tốt nhất, phủ sóng 95% dân số. 100% trạm thu phát 4G của Viettel sử dụng công nghệ 4T4R (4 phát, 4 thu), cho phép mở rộng vùng phủ sóng lên 1,4 lần và tăng tốc độ download lên gần 2 lần.
Nếu như Việt Nam đi sau thế giới về công nghệ 3G và 4G thì ở 5G, với sự tiên phong của Viettel, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công mạng 5G sớm nhất thế giới. Ngày 10/5/2019, Viettel đã thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên ở Việt Nam. Tốc độ kết nối thực tế từ 1,5 - 1,7 Gbps, vượt xa giới hạn của mạng 4G.
Rất nhanh sau đó, Viettel đã tiên phong cùng các nhà mạng triển khai phát sóng thử nghiệm 5G tại các tỉnh thành. Thậm chí, giữa năm 2023, Viettel đã đi trước một bước khi thí điểm phát triển mạng 5G dùng riêng cho nhà máy của Pegatron - một trong những nhà cung ứng hàng đầu thế giới cho Apple - tại Hải Phòng. Bước mở đầu của ứng dụng 5G đối với Pegatron mở ra bức tranh đầy triển vọng trong xây dựng nhà máy thông minh của các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trong tương lai.
Mới đây, Viettel đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500 - 2600 MHz trong vòng 15 năm. Khối băng tần này được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn 5G, 4G và các công nghệ tiếp theo, nhằm tạo ra sự thay đổi đột phá trong các ngành kinh tế từ sản xuất đến giao thông vận tải, y tế, nông nghiệp, giáo dục hay những giải pháp thành phố thông minh.
"Năm nay chúng tôi sẽ triển khai 5G", ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đưa khái niệm hạ tầng số vào luật, thể hiện trong Luật Viễn thông năm 2023 có hiệu lực từ 1/7/2024. Khái niệm hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng tính toán và nhất là tính toán cho AI - hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng.
Từ hệ thống cáp quang rộng lớn, Viettel đang tiếp tục phát triển xây dựng hệ thống cáp quang quốc tế kết nối đến các Digital Hub lớn trong khu vực châu Á, nhằm thực hiện chiến lược “Phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Các tuyến cáp quang quốc tế cung cấp dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng là tiền đề cho Việt Nam đi đến mục tiêu trở thành trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub).
Gần 20 năm trước, vào năm 2007, Viettel đã trở thành doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam kinh doanh dịch vụ cho thuê đặt chỗ máy chủ.
Với khát vọng mỗi người dân Việt Nam, mỗi hộ gia đình Việt Nam, mỗi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một kho lưu trữ dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây được đặt tại Việt Nam, do kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, triển khai, quản lý vận hành và đảm bảo an toàn thông tin, năm 2022, Viettel khai trương hệ sinh thái Viettel Cloud.
Tháng 4/2024, Viettel khai trương Trung tâm dữ liệu thứ 14 tại Việt Nam. Đây là Trung tâm dữ liệu xanh được thiết kế công suất cao, gấp 2 lần mức trung bình, nhằm đáp ứng xu thế phát triển của AI với yêu cầu về các con chip hiệu năng cao, gia tăng khả năng tính toán. Với 60.000 máy chủ; 2.400 rack; 21.000m2 mặt sàn; tổng công suất điện 30MW, Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc cũng trở thành trung tâm dữ liệu lớn bậc nhất Việt Nam hiện nay.
Đến nay, Viettel tiếp tục là doanh nghiệp sở hữu hệ thống trung tâm dữ liệu lớn và hiện đại hàng đầu Việt Nam với 14 trung tâm, 230.000 máy chủ, 81.000 m2 mặt sàn, 11.500 rack; 87 MW điện, tương đương một siêu trung tâm dữ liệu (DC) của thế giới, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Viettel về xây dựng hạ tầng số Việt Nam hiện đại.
Ông Tào Đức Thắng khẳng định: “Chiến lược chuyển đổi số đến năm 2030, chiến lược phát triển hạ tầng số quốc gia thể hiện khát vọng của Việt Nam trong việc đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, tổ chức, đảm bảo chủ quyền về dữ liệu, không mất đi nguồn tài nguyên quan trọng nhất trong thời đại số. Và vì thế, Viettel sẽ không ngừng đầu tư cho các Trung tâm dữ liệu. Theo lộ trình, đến năm 2025, Viettel sẽ đầu tư, mở rộng quy mô lên 17.000 rack và đến năm 2030 là 34.000 rack, gấp 3 lần quy mô hiện tại”.
Người đứng đầu Viettel nhấn mạnh: “Viettel đã sẵn sàng mọi điều kiện để cùng các doanh nghiệp Việt Nam làm bùng nổ dịch vụ điện toán đám mây, hiện thực hóa khát vọng mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi tổ chức, doanh nghiệp sẽ có nơi tính toán, lưu trữ trên đám mây một cách an toàn, linh hoạt và hiệu quả nhất”.
Bên cạnh viễn thông, công nghệ, Logistics - lĩnh vực được coi là mạch máu của nền kinh tế - cũng là một trụ cột trong khát vọng tự chủ hạ tầng của Viettel. Ông Tào Đức Thắng cho biết, nếu hạ tầng viễn thông được coi là huyết mạch của dòng chảy thông tin đối với nền kinh tế và hạ tầng số được coi là “hạ tầng của hạ tầng” trong nền kinh tế số thì hạ tầng logistics được ví như huyết mạch của dòng chảy vật chất, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Viettel đã xây dựng hạ tầng viễn thông, hạ tầng số ở quy mô rộng nhất và lớn nhất Việt Nam. Và tiếp theo, đó là mục tiêu xây dựng hạ tầng logistics quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới, tham gia thực hiện mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2025, ngành logistics sẽ đóng góp 5 - 6% vào GDP.
Ngay đầu năm 2024, Viettel khai trương Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên của Việt Nam, ứng dụng robot AGV, tích hợp hệ thống giám sát thông minh - công nghệ Digital Twin, camera AI… cho phép kiểm soát trạng thái của toàn bộ hệ thống thiết bị, theo dõi toàn bộ hoạt động khai thác hàng hóa.
Đó là bước mở đầu trong kế hoạch triển khai quy hoạch hạ tầng logistics bao gồm công viên - trung tâm logistics, kho ngoại quan, cảng cạn để kết nối các vùng miền nuôi trồng, khu công nghiệp với các hub giao thông đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, và hệ thống cửa khẩu nhằm giúp cho hàng hóa lưu thông nhanh nhất và chi phí thấp nhất.
Cũng giống như nhiều ngành nghề khác trong Tập đoàn Viettel, mục tiêu “go global” cũng là chiến lược chính của “trụ cột” Logistics. Trong năm 2024, Viettel mở rộng đầu tư vào Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Campuchia, Myanmar. Qua đó, Viettel có thể kết nối thị trường 700 triệu dân ASEAN với 1,4 tỷ dân Trung Quốc và các quốc gia khu Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.
Bước tiến này sẽ giúp tối ưu hóa thời gian và chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp Việt, từng bước đưa Viettel trở thành đầu tàu thúc đẩy, dẫn dắt ngành logistics quốc gia. Tham vọng xây dựng hạ tầng logistics quốc gia, ứng dụng thêm nhiều công nghệ mới, và “go global” giúp Viettel hướng tới mục tiêu tăng trưởng gấp 10 lần doanh thu trong lĩnh vực này trong 5 năm tới.
Nguyễn Giang