Sự kiện thường niên VNNIC Internet Conference 2024 chủ đề ‘An toàn, bền vững hạ tầng Internet trước sự phát triển công nghệ mới’ vừa được Trung tâm Internet Việt Nam – VNNIC, Bộ TT&TT tổ chức tại Hà Nội, quy tụ sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý, lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp cùng chuyên gia trong nước và quốc tế.
Trao đổi bên lề diễn đàn chuyên sâu về Internet, ông Paul Wilson, Giám đốc Trung tâm thông tin mạng khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) đã đưa ra khuyến nghị về định hướng, giải pháp để phát triển Internet an toàn và bền vững.
Ông Paul Wilson nhấn mạnh, một vấn đề quan trọng thời gian tới là quản lý thế nào để Internet thực sự hướng tới sự thành công. Trong 30 - 40 năm vừa qua, Internet đã phát triển với tốc độ nhanh chóng, tạo ra nhiều điều tuyệt vời cho mọi người trên toàn cầu và cả ở Việt Nam.
Nhận định Việt Nam là một ví dụ thành công điển hình trong phát triển, phân phối và đưa dịch vụ Internet rộng rãi tới cho người dân, ông Paul Wilson chia sẻ: “Tôi khá chắc rằng trong thành công này, có những việc mà Trung tâm Internet Việt Nam, Bộ TT&TT đã góp phần làm được, để mang đến lợi ích cho người sử dụng, cho xã hội và phục vụ phát triển kinh tế”.
Một nội dung quan trọng nữa trong 30 năm qua, theo Giám đốc APNIC Paul Wilson, là mô hình quản lý Internet đa bên đã được phát triển. Mô hình quản lý này là một cấu trúc mà tất cả các cá nhân, tổ chức đều tham gia vào phát triển Internet trên các khía cạnh khác nhau, bao gồm các chính phủ, các tổ chức công nghệ, các tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ, nền tảng, nhà phát triển nội dung… Qua đó, tất cả các bên đều có thể thảo luận, tương tác với nhau cùng hướng tới một mục tiêu chung là đảm bảo Internet hoạt động và phát triển an toàn, bền vững, tin cậy.
Từ góc nhìn của chuyên gia đã có hơn 25 năm công tác tại cơ quan phát triển Internet khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Paul Wilson cho rằng: Một trong những điểm thành công nhất của Internet là tương thích với sự đổi mới. Theo ông, đây là điều luôn diễn ra trong toàn bộ hoạt động Internet, cũng như trong những cách mà Internet được quản lý thời gian qua.
“Vì thế, tôi khuyến nghị cộng đồng Internet Việt Nam, bao gồm cả các cơ quan chính phủ, khối kinh tế và người sử dụng, cần quy tụ với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như các thử thách trong phát triển và quản lý Internet, để cùng có sự thấu hiểu và chung tay phát triển Internet. Tôi nghĩ rằng, đó là cách để cho Internet tiếp tục lớn mạnh và phục vụ con người theo một cách thực sự thành công trong giai đoạn tới”, ông Paul Wilson nêu quan điểm.
Trao đổi tại hội nghị chính của sự kiện VNNIC Internet Conference 2024, Giám đốc APNIC Paul Wilson và các chuyên gia đều thống nhất rằng Internet chịu tác động mạnh mẽ trước sự phát triển nhanh chóng và ứng dụng của các công nghệ mới như 5G, IoT, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… Để đáp ứng sự phát triển của các dịch vụ Internet, công nghệ mới, hạ tầng Internet cần được thay đổi, cải tiến.
Trả lời câu hỏi của phóng viên VietNamNet về những thách thức với phát triển hạ tầng Internet Việt Nam trong tình hình mới, Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng cho hay, thách thức đầu tiên và lớn nhất với sự an toàn, bền vững của Internet là vấn đề nhận thức về sự cần thiết phải đảm bảo an toàn ở lớp hạ tầng, tạo nền móng cho sự phát triển lâu dài. “Hạ tầng rất quan trọng cho sự phát triển. Hạ tầng Internet là hạ tầng cốt lõi cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số”, ông Nguyễn Hồng Thắng khẳng định.
Bên cạnh đó, theo đại diện VNNIC, còn là thách thức trong việc làm sao để sử dụng hiệu quả tài nguyên Internet khi xây dựng hạ tầng Internet; hay thách thức về phát triển không gian địa chỉ Internet lớn hơn, đáp ứng được nhu cầu kết nối của số lượng thiết bị kết nối vào mạng Internet đang không ngừng gia tăng, không chỉ Internet cho con người, cho máy mà còn là Internet vạn vật.
“Trước những thách thức kể trên, chúng ta đã có nhận thức tốt và đang giải quyết một cách hiệu quả vấn đề phát triển bền vững, an toàn hạ tầng Internet Việt Nam để phục vụ cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Đơn cử như, về không gian địa chỉ Internet, Việt Nam đã đi rất sớm, chuyển đổi sang thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6 được hơn 10 năm và theo số liệu thống kê, hiện tỷ lệ sử dụng IPv6 của Việt Nam đã đạt 60%”, ông Nguyễn Hồng Thắng thông tin thêm.
Kể từ thời điểm chính thức kết nối với Internet toàn cầu vào năm 1997, Internet Việt Nam đã phát triển như vũ bão, trở nên lớn hơn về quy mô, nhanh hơn về kết nối và hiện đại hơn về công nghệ. Theo thống kê, từ một mạng độc lập duy nhất, tới năm 2024, Internet Việt Nam đã có gần 1.000 mạng có IP và số hiệu mạng độc lập kết nối với nhau. Sau 30 năm tên miền quốc gia .vn hiện diện trên mạng Internet toàn cầu, Việt Nam đã có hơn 610.000 tên miền .vn, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 40 trên thế giới. Cùng với đó, Việt Nam còn là 1 trong 10 quốc gia cao nhất trên toàn cầu về tỷ lệ chuyển đổi sử dụng địa chỉ IPv6. |