Vừa rồi, Khoản 5 Điều 6 Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên Môi trường đã quy định về việc ghi tên các thành viên trong gia đình lên sổ đỏ sẽ có hiệu lực từ 5/12/2017. Song mới đây nhất, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp cũng đã có kiến nghị với Bộ Tài nguyên Môi trường để lùi thời điểm có hiệu lực của Thông tư này vì gây ra những nhầm lẫn trong cách hiểu của người dân.

Chia sẻ trong buổi họp báo chiều 1/12, khi được phóng viên đặt câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cũng đã khẳng định, do việc hiểu Thông tư 33 trong người dân còn khác nhau nên Bộ sẽ lùi thời hạn quy định, không chính thức áp dụng từ ngày 5/12 như dự kiến.

"Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Tư pháp đã thống nhất Thông tư 33 là một văn bản cần thiết, thể hiện nhu cầu của thực tiễn. Trong Thông tư 33, các điều khoản khác khi được công bố đều nhận được sự đồng tình từ dư luận. Duy chỉ có Khoản 5 Điều 6 tại Thông tư 33, Bộ sẽ lùi thời hạn có hiệu lực lại cho đến khi nghiên cứu kỹ, làm công tác truyền thông để người dân nhận thức được các lợi ích mang lại, cũng như đảm bảo cơ sở pháp lý khi xảy ra tranh chấp..." - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Tần Hồng Hà chia sẻ.

Chia sẻ về tính đúng đắn của Thông tư 33, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng lâu nay khái niệm hộ là chủ thể trong các giao dịch, trên thực tế Luật dân sự không còn khái niệm hộ mà chỉ quy định tại Luật Đất đai, nên cần có quy định rõ ràng, chi tiết hơn với các cá nhân có tài sản chung.

Thực tế, trong quá trình sử dụng và giao dịch đất đai, quyền sử dụng của từng thành viên trong gia đình không được quy định cụ thể nên không ít trường hợp xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn khiến cơ quan chức năng cũng lúng túng trong việc xử lý.

Theo VTV, VGP