Tham dự sự kiện có đông đảo lãnh đạo của UBND tỉnh Yên Bái, các Sở: GD&ĐT, TT&TT, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đông đảo các thầy cô giáo, các em sinh viên các trường: Cao đẳng Yên Bái, THPT Nguyễn Huệ, THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, THPT Lý Thường Kiệt, THPT Hoàng Quốc Việt – những độc giả thân thiết của Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam nhiều năm qua.

Bên cạnh đó là các vị khách mời danh dự như Trung tá Trần Thị Thùy Dung - Phó Giám đốc Trung tâm VAS Viettel Telecom và ông Hoàng Anh Dũng - Trưởng phòng Ứng dụng AI Viettel Telecom; đại diện Báo Yên Bái, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, Cổng Thông tin điện tử - những đơn vị truyền thông đồng hành cùng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam tại địa phương.

Sách đã trở thành người bạn tâm giao của mỗi người

Vài năm gần đây, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản quyền Thế giới 23/4 được nhiều địa phương tổ chức long trọng qua đó đã lan tỏa phong trào đọc sách tới mỗi người dân. Theo đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024 tại Yên Bái được đánh giá là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu quý sách và công chúng, góp phần phát huy giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng đồng.

toa dam 1.jpg
Đại diện lãnh đạo Sở TT&TT, Sở Giáo dục và Đào tạo, Thư viện tỉnh… chia sẻ một số kiến thức cơ bản về AI, những giải pháp phát triển văn hóa đọc trong thời đại "4.0". 

Cũng từ những sự kiện này, lãnh đạo tỉnh Yên Bái khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách để nâng cao kiến thức, kỹ năng nhằm phát triển bản thân và xã hội; kết nối bạn đọc trong tỉnh và cả nước, đồng thời tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho phát triển sách và văn hóa đọc tỉnh nhà. Chính vì vậy, nội dung sự kiện và tọa đàm không chỉ “nói chuyện” về sách không đơn thuần, không chỉ là nêu số lượng các đầu sách xuất bản hay cách đọc sách, mà còn là ứng dụng công nghệ trong đọc sách.

Bởi, trong bối cảnh công nghệ đang gõ cửa từng nhà nhất là các công nghệ số đã đưa việc xuất bản và đọc sách lên tầm cao mới. Sách giờ đây không đơn thuần là những cuốn cứng bọc bìa vật lý, nó có thể là sách nói, sách điện tử… Người đọc giờ đây đã có thể đọc sách mọi lúc mọi nơi, có thể “nghe” sách và tâm sự với sách như những người bạn đích thực. Đáng chú ý, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã biến sách trở thành những người đồng hành cùng độc giả.

Nhìn nhận dưới vai trò là một độc giả, ông Nguyễn Thúc Mạnh - PGĐ Sở TT&TT Yên Bái chia sẻ: Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, nó là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. Có thể nói sách chính là người bạn tâm giao của mỗi người, và đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết giúp ta tích lũy kiến thức, mở rộng hiểu biết về thế giới vạn vật xung quanh và hơn nữa còn giúp ta hoàn thiện bản thân và nuôi dưỡng tâm hồn. 

Nâng tầm đọc sách với AI

Phân tích sâu dưới góc độ công nghệ, ông Nguyễn Thúc Mạnh cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là các công nghệ số hay AI. Việc đọc sách của độc giả đã được nâng tầm, từ việc chọn sách cho tới cách thức đọc. Cụ thể, AI có thể giúp người đọc tiếp cận sách dễ dàng hơn, cung cấp trải nghiệm đọc sách phong phú và đa dạng hơn.

“Bên cạnh đó, AI cũng có thể giúp cá nhân hóa việc học tập, giúp đánh giá hiệu quả học tập của người đọc bằng cách theo dõi tiến độ đọc sách, ghi nhớ kiến thức và khả năng áp dụng kiến thức vào thực tế… Chính việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ AI vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung, đọc sách nói riêng đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực”, ông Mạnh kết luận.

Được biết, nhận thức được vai trò của công nghệ số và AI mang lại, năm 2023, tỉnh Yên Bái đã phát động phong trào phát triển văn hóa đọc sách trên môi trường mạng; các sở, ngành của tỉnh đã ký kết chương trình triển khai nền tảng đọc và nghe sách của người Việt trên địa bàn tỉnh; khai trương "Kho sách điện tử tỉnh Yên Bái”. Đáng chú ý, cuối năm 2023, Sở TT&TT Yên Bái tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thí điểm mô hình "Bình dân học AI” đến nay, đã cho kết quả rõ nét. 

Trong khi đó, trên bình diện quốc gia, theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cả nước hiện có 57 nhà xuất bản (NXB) thuộc 53 cơ quan chủ quản. Đến hết 2023 tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 37.487 xuất bản phẩm với 536.179.131 bản. Đáng chú ý, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản cũng đạt nhiều thành tựu. Cụ thể, hết năm 2023 tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử trên tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3%, vượt chỉ tiêu đề ra 12%; riêng tổng doanh thu từ sách nói đã đạt khoảng 116,1 tỷ đồng.

Việt Hoàng