Nhờ chuyển đổi số, Bệnh viện đa khoa Đức Giang hiện không còn in phim chụp, máy đọc phim vì thế không cần sáng đèn. Một số loại sổ sách chép tay, thậm chí bút viết cũng dần biến mất.
Đó là quy trình kể từ khi ông Nguyễn Công Lĩnh (59 tuổi, ở Từ Sơn, Bắc Ninh) đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho tới lúc ông hoàn tất việc khám và lĩnh thuốc. Ông được bác sĩ hẹn giờ khám từ một tháng trước. Khi đến viện, ông đăng ký khám bằng Face ID hoặc căn cước công dân gắn chip, chỉ mất một phút. Nếu phải làm thêm xét nghiệm khác, ông mất thêm hơn một giờ nhưng không phải ngồi chờ kết quả mà sẽ được gửi về tin nhắn điện thoại và phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) để bác sĩ cập nhật.
Để dễ hình dung quy trình khám bệnh theo kiểu mới, bệnh viện gọi việc số hóa các phòng khám này là mô hình "khoang máy bay". Có nghĩa là bệnh nhân đặt lịch khám tương tự việc đặt vé máy bay. Họ được chọn chuyên khoa, giờ khám theo nhu cầu của bản thân. Sau khi đến viện, mọi thông tin của người bệnh đã được cập nhật đến cho bác sĩ khám nên không còn có cảnh phải xếp hàng, lấy số. Người bệnh theo lịch hẹn đã đặt trước vào gặp thẳng bác sĩ.
Từ một năm nay, chiếc đèn đọc phim X-quang, cộng hưởng từ (CT), chụp cắt lớp (MRI) ở phòng giao ban, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Đức Giang trở nên thừa thãi. “Do không cần in phim chụp, máy đọc phim vì thế không phải sáng đèn”, bác sĩ Đinh Thế Tiến cho biết. Ông vừa trao đổi với phóng viên vừa mở hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS) trên chiếc máy tính xách tay được trang bị cho các bác sĩ. Mọi dữ liệu cận lâm sàng như xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm, nội soi… của bệnh nhân đều được cập nhật lên phần mềm quản lý bệnh viện.
Không in phim, các bệnh viện tiết kiệm được hàng tỷ đồng mỗi năm để tái đầu tư cho ứng dụng công nghệ. Phim, đèn đọc chỉ là hai trong số rất nhiều vật dụng dần biến mất ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nhờ chuyển đổi số.
Chỉ vào 4 cuốn sổ nằm gọn trên kệ lưu trữ, gồm sổ mời hội chẩn, sổ biên bản hội chẩn, sổ đi buồng điều dưỡng, sổ đi buồng buổi tối, bác sĩ Tiến cho hay đây cũng là những thứ có thể đưa vào “bảo tàng” bởi chúng đã dần hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” trong hàng chục năm.
Theo bác sĩ Tiến, bệnh án giấy dường như chỉ còn là hình thức, bởi rất ít thông tin được bác sĩ tham khảo từ đây. Thay vào đó, chỉ cần có mã số bệnh nhân, các bác sĩ có thể truy cập lấy ngay thông tin trên phần mền quản lý bệnh nhân mà không cần lần giở từng trang bệnh án.
“Gần nửa năm nay, thay vì ôm từng chồng bệnh án khi thăm khám từng bệnh nhân tại giường, mỗi bác sĩ chỉ cần cầm điện thoại cài “App đi buồng”. Đây là thiết bị cho phép truy cập, rà soát thông tin nhanh từ lịch sử điều trị, dị ứng thuốc, ra y lệnh ngay tại giường bệnh và cập nhật ngay lên bệnh án bệnh nhân thay vì ghi chép. Bệnh nhân cũng được xem kết quả chiếu chụp, siêu âm, xét nghiệm ngay trên ứng dụng này”, bác sĩ Tiến nói.
Mỗi bệnh nhân vào điều trị nội trú cũng đều được cấp vòng đeo tay gắn kèm mã số (QR code). Với "app đi buồng", bác sĩ chỉ cần quét QR code để rà soát thông tin của từng trường hợp để thăm khám.
QR code cũng giúp điều dưỡng viên nắm thông tin bệnh nhân thông qua thiết bị quét mã, hiển thị trên màn hình máy tính đặt trên xe thuốc. Nguyễn Thị Thúy Lan, Điều dưỡng trưởng Khoa Nội tổng hợp, cho hay trước đây chị mất tới 15-20 phút để thực hiện y lệnh, bao gồm cả việc ghi chép hơn 10 loại giấy tờ cho một bệnh nhân. Nhờ số hóa, thời gian mỗi lần đi buồng rút ngắn chỉ còn 5 phút để thực hiện y lệnh, bao gồm cập nhật mọi thông tin từ chỉ số sinh tồn, kế hoạch chăm sóc, điều trị…
Với kho dữ liệu khổng lồ được số hóa và cập nhật liên tục, các bác sĩ có thể tìm kiếm và nắm bắt thông tin bệnh nhân từ trước tới nay. “Vài năm trước thôi, điều này là không tưởng”, điều dưỡng Lan nói.
Số hóa, quản lý bệnh nhân bằng mã số điện tử giúp bác sĩ giảm bớt phần lớn thời gian ghi chép, tìm kiếm thông tin bệnh nhân. Ngoài ra, chỉ cần một mã số bệnh nhân kèm lời mời hội chẩn, các bác sĩ tại khoa khác có thể truy cập hệ thống để nắm bắt thông tin bệnh án, xét nghiệm cận lâm sàng và hội chẩn ngay, thay vì phải có giấy mời hội chẩn kèm tóm tắt bệnh án gửi tận tay.
TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.700-2.000 bệnh nhân đến khám, gần 900 giường nội trú hầu như luôn kín. Trước đây, khi chưa ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh, bệnh viện này cũng không thoát khỏi tình trạng quá tải đặc biệt vào đầu giờ sáng, đầu tuần ở khu khám bệnh, quầy thuốc và khu vực thanh toán.
Các phòng khám cũng thiết lập ca làm việc sáng chiều. TS Thường cho biết điều này giúp tỷ lệ khám sáng - chiều được cân đối lại. Thay vì dồn 80% vào buổi sáng, trong khi buổi chiều chỉ 20%, tỷ lệ này giờ đây là 45:55. Bệnh nhân khám ngoại trú nếu thực hiện cả xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm, điện tim đồ, nội soi…, sẽ mất tổng cộng 1,5 giờ thay vì hơn 3 tiếng như trước.
Bệnh viện cũng xóa bỏ hoàn toàn việc xếp số tại quầy phát thuốc. Như vậy, thời gian cấp phát thuốc cho người bệnh từ khoảng 12 phút xuống còn hơn 1 phút.
“Không ứng dụng công nghệ, không cách gì hóa giải nổi tình trạng ùn ứ khám bệnh, quầy thuốc. Mổ thành công một ca, chúng ta tự hào cứu được một bệnh nhân, nhưng để phục vụ được nhiều bệnh nhân buộc phải chuyển đổi số”, TS Thường nhấn mạnh.
Trong 4 năm (2018-2022), lượng bệnh nhân đến với viện tăng gấp đôi trong khi số nhân viên y tế và bàn khám không đổi. Hiện hoạt động số hóa đã đáp ứng được 85% các quy trình vận hành trong bệnh viện. Vị giám đốc hy vọng cơ chế chính sách mới để vấn đề đấu thầu, thuê, mua công nghệ được nhanh chóng, dễ dàng và tránh được bẫy đấu thầu.
Ở vai trò của mình, bác sĩ Đinh Thế Tiến còn mong muốn thông tin dữ liệu bệnh nhân đặc biệt là kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiền sử bệnh tật, sử dụng thuốc… được liên kết giữa các bệnh viện trên nền tảng thống nhất. “Việc liên thông, chia sẻ dữ liệu, vừa giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa giúp bác sĩ trong điều trị, nghiên cứu, quản lý. Tôi mơ ước một ngày bệnh nhân chỉ cần một mã số có thể đi bất kỳ cơ sở y tế nào cũng có thể cập nhật thông tin, dữ liệu khám chữa bệnh trên cùng nền tảng”, bác sĩ Tiến cho hay.