Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM), tự tin chỉ vào mã QR trên hồ sơ và cho biết người bệnh chỉ cần vài giây quét mã trên điện thoại để nhận được kết quả chụp X-quang hoặc CT.
Kể từ khi trở thành bệnh viện đầu tiên trên cả nước thí điểm thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, công việc của các nhân viên y tế như bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Bệnh viện TP Thủ Đức, đã có nhiều thay đổi. Tiêu chí "Thay đổi trải nghiệm đi khám của bạn" được thể hiện không chỉ trên bảng hiệu.
Khi ứng dụng công nghệ thông tin, trung bình người bệnh đến Bệnh viện TP Thủ Đức khám, lĩnh thuốc mất 80 phút. Nếu thực hiện từ 2-3 kỹ thuật cận lâm sàng, khám và nhận thuốc, thời gian này là dưới 3 tiếng.
Bên cạnh đó, bệnh viện còn tiên phong áp dụng mô hình khoa khám bệnh thông minh giúp đa dạng hóa đăng ký khám chữa bệnh, phân loại người bệnh, giám sát tuân thủ phác đồ điều trị, trả kết quả lâm sàng, chống lãng phí…
Bên trong phòng làm việc của nhân viên y tế, các điều dưỡng đang nhập hồ sơ bệnh án lên hệ thống quản lý bệnh nhân. Theo một khảo sát tại Bệnh viện TP Thủ Đức, hồ sơ bệnh án điện tử tiết kiệm khoảng 12 phút/hồ sơ so với trước đây. Vì vậy, điều dưỡng và bác sĩ có thêm thời gian tập trung chăm sóc cho nhiều bệnh nhân hơn, bớt khoảng 30-40% áp lực từ các "công việc giấy tờ không tên".
“Hệ thống quản lý bệnh nhân thông minh giúp việc quản lý khám chữa bệnh được chặt chẽ, nhanh gọn chính xác, giảm thời gian thủ tục hành chính, nâng cao an toàn người bệnh và chất lượng bệnh viện”, ông Vũ Trí Thanh, Phó giám đốc quản lý điều hành bệnh viện, chia sẻ.
Theo ông Thanh, bệnh viện đã số hóa toàn bộ hồ sơ bệnh án bằng giấy và tích hợp vào phần mềm trên 6.000 hồ sơ bệnh án giấy, giúp lưu trữ lâu, tiết kiệm diện tích phục vụ thuận tiện cho công tác thống kê, báo cáo, nghiên cứu khoa học, dự báo… Dù vậy, cơ sở này vẫn chưa thể đạt được mục tiêu bệnh viện không giấy tờ.
Đặc biệt, cơ sở này đã kết nối máy chụp chẩn đoán hình ảnh với hệ thống quản lý. Đây là hệ thống không phim, truyền tải dữ liệu, trả kết quả trên máy tính. Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ tự tin chỉ vào mã QR trên hồ sơ và cho biết người bệnh chỉ cần vài giây quét mã trên điện thoại để nhận được kết quả chụp X-quang hoặc CT.
“Trước đây, người bệnh phải in kết quả để mang theo khi đi tái khám, nay họ chỉ cần giữ mã QR. Ngay cả khi đến một cơ sở y tế khác khám bệnh, kết quả này sẽ hỗ trợ bác sĩ so sánh, nhận định diễn biến của người bệnh”, ông nói.
Ghi nhận tại khu vực chụp X-quang, nơi thường xuyên đông đúc người chờ đợi, nhờ ứng dụng công nghệ, bệnh nhân không mất quá nhiều thời gian như trước. "Trước kia, ngoài thời gian chờ chụp, chúng tôi còn phải chờ nhận kết quả, nên luôn bị ùn ứ. Hiện nay, hình ảnh đã được lưu tự động vào mã QR giúp bác sĩ ngồi tại phòng khám có thể xem ảnh chụp của bệnh nhân và đọc kết quả", một bệnh nhân cho biết.
Là người đang trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân ung thư, bác sĩ Vũ cho biết sự tiện lợi khi ứng dụng công nghệ đem lại giá trị lớn hơn rất nhiều. Bởi ung thư là bệnh cần theo dõi và điều trị nhiều năm. Mỗi lần tái khám là mỗi lần bệnh nhân phải thực hiện rất nhiều xét nghiệm, chụp chiếu để đánh giá tình trạng. Vì vậy, với trường hợp có thời gian điều trị lên đến vài năm, tập hồ sơ bệnh án có thể nặng vài kg. Khi chuyển đổi số, bác sĩ có thể tra cứu dữ liệu của bệnh nhân chỉ với "vài cú click chuột" và giúp giảm bớt gánh nặng khi phải lưu trữ hồ sơ giấy.
Một điều dưỡng cho biết thời gian trước khi chuyển sang hệ thống quản lý thông minh, hồ sơ được chất ngập tràn trên bàn làm việc đến bàn họp giao ban. "Việc ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực khám chữa bệnh đã và đang mang lại nhiều lợi ích, sự thuận tiện, dễ dàng và nhanh chóng cho người bệnh trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế", điều dưỡng này chia sẻ.
Giải pháp nào giúp "gỡ khó" quá trình chuyển đổi số tại các bệnh viện?
Tuyến bài "Chuyển đổi số ở bệnh viện: Khi nào hết cảnh xếp hàng, lấy số" của VietNamNet đã phần nào phản ánh sự bất cập trong khâu khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện tuyến trung ương và sự thay đổi khi ứng dụng công nghệ. Điều đó chứng tỏ "chuyển đổi số" tại các bệnh viện không chỉ là nhu cầu mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc, xếp hàng lấy số, đồng thời tăng chất lượng khám chữa bệnh.
Để tiếp tục thảo luận về vấn đề này, VietNamNet mở diễn đàn "Giải pháp nào giúp gỡ khó quá trình chuyển đổi số tại các bệnh viện?".
Bạn đọc có ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ bansuckhoe@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn. Xin chân thành cảm ơn!