LỜI TÒA SOẠN

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định ngành y tế/chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu.

Việc áp dụng công nghệ này hướng đến nhiều mục đích, nhưng vấn đề cốt lõi nhất là nhằm tăng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Hơn hai năm sau, quá trình chuyển đối này đang diễn ra như thế nào? 

Tuyến bài “Khi nào hết cảnh xếp hàng, lấy số khám ở bệnh viện tuyến trung ương” của VietNamNet nhằm cung cấp thực trạng quy trình khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện tuyến trung ương. Đồng thời, việc chuyển đổi số giúp giảm bớt các thủ tục hành chính ở khâu khám chữa bệnh này đang được thực hiện như thế nào. 

Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Tuyền thông (Bộ TT&TT) cho thấy tính tới tháng 9/2022, lượng người dùng Internet tại Việt Nam vào khoảng 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á.

Người dùng Việt Nam dành trung bình 7 tiếng mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan đến Internet. Tỷ lệ người dùng sử dụng Internet hàng ngày tại Việt Nam lên tới 94%.

Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á. Ảnh: Nguyễn Huế.

Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), cuối năm 2021, Việt Nam có 91,3 triệu thuê bao smartphone. Đến tháng 3/2022, thêm hơn 2 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, nâng tổng số lên 93,5 triệu. Theo Cục Viễn thông, ước tính tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone đạt khoảng 73,5%.

Những số liệu này chứng tỏ đa số người dân Việt Nam đã rất quen thuộc với việc sử dụng Internet và smartphone. Dù vậy, cảnh tượng xếp hàng, lấy số tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương vẫn diễn ra. Liệu người dân chưa kịp cập nhật các cách đăng ký khám mới hay do họ không còn sự lựa chọn nào khác?

Theo cập nhật mới nhất trên website chính thức của Bệnh viện Nhi Trung ương vào tháng 7/2021, để giảm thời gian chờ đợi và gặp được bác sĩ chuyên khoa mong muốn, người nhà bệnh nhi có thể đăng ký trước giờ và chọn bác sĩ. Tuy nhiên, quy trình này chỉ áp dụng tại Trung tâm Quốc tế.

Cụ thể, 3 hình thức người dân có thể lựa chọn gồm gọi hotline (0862335566), liên hệ qua Fanpage chính thức Trung tâm Quốc tế Bệnh viện Nhi Trung ương hoặc đặt lịch khám trên ứng dụng Y bạ Điện tử. Đây là ứng dụng theo dõi sức khỏe của Bệnh viện Nhi Trung ương.

Dịch vụ này áp dụng khi đặt lịch trước giờ khám 6 tiếng và trong khung giờ hành chính các ngày trong tuần (từ 7:30-16:30 từ thứ 2 đến thứ 6).

Thông báo về việc đặt lịch khám của Bệnh viện Nhi Trung ương: Ảnh: Hoàng Hà

Tương tự, cũng với mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và giảm thời gian chờ đợi của người dân, Bệnh viện Bạch Mai cũng công khai số hotline, dành cho người có nhu cầu đặt lịch khám online qua điện thoại tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu. Cụ thể, số điện thoại là 024.3868 9711, thời gian đặt lịch khám từ 7h đến 16h các ngày từ chủ nhật đến thứ 6, thứ bảy nghỉ).

Liên hệ đến số điện thoại này để đặt lịch, phóng viên nhận được tư vấn người đến khám có thể đặt lịch để lấy số thứ tự trước. Khi đến viện, người khám đến bàn tiếp đón để in số. “Người bệnh vẫn phải xếp hàng vì có rất nhiều đặt lịch trước qua điện thoại, số lượng đến hàng trăm người”, người tiếp nhận được dây nóng của bệnh viện cho biết.

Trước đây, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), người dân có bảo hiểm y tế khi đến khám đều phải trải qua quy trình khám bệnh “6 bước 6 điểm đến”. Trường hợp không có bảo hiểm sẽ trải qua quy trình “6 bước 8 điểm đến”.

Điểm tương đồng là người bệnh vẫn phải đến tận bệnh viện để đăng ký khám, chờ lấy số sau đó được phân về các chuyên khoa. Trước đây, nếu có chỉ định cận lâm sàng (xét nghiệm, chụp chiếu) từ bác sĩ, người bệnh sẽ đến quầy thu ngân chờ thanh toán trước khi đến các phòng chức năng. Theo nhiều bệnh nhân, khâu này có thể mất đến 30 phút đến một tiếng chờ đợi. 

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã xây dựng mô hình thẻ khám bệnh. Người bệnh sẽ đến các ki-ốt lấy số thứ tự (có nhân viên bệnh viện hướng dẫn hoặc người bệnh tự nhập thông tin), sau đó đến đăng ký khám ở quầy. Nhân viên sẽ hướng dẫn làm thẻ khám bệnh và nộp một số tiền để tạm ứng. Khi có chỉ định từ bác sĩ, người bệnh chỉ cần quẹt thẻ là hoàn tất thủ tục thanh toán, không còn phải xếp hàng đóng tiền.

Ngoài ra, giữa năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai các hình thức đặt lịch khám bệnh trực tuyến. Cụ thể, bệnh nhân có thể đặt khám qua tổng đài và các ứng dụng trực tuyến để đặt lịch, nhận phiếu khám. Các phương thức trên giúp người bệnh chọn khung giờ chủ động và giảm thời gian chờ tại bệnh viện. Tuy nhiên, việc đăng ký qua ứng dụng sẽ mất một khoản phí.

Cùng với đó, thẻ khám bệnh tích hợp thẻ thanh toán đã lược bỏ hẳn công đoạn người bệnh hay thân nhân phải ra quầy thu ngân đóng tiền khi có chỉ định cận lâm sàng. Tuy nhiên, có đến hơn 80% người bệnh của Bệnh viện Chợ Rẫy đến từ các tỉnh thành lân cận, phần đông là người nghèo, người lớn tuổi… nên khả năng tiếp cận công nghệ vẫn chưa như kỳ vọng. Nhiều người bệnh và thân nhân chia sẻ, họ không biết đến đăng ký khám bệnh trực tuyến cho đến khi được nhân viên y tế BV Chợ Rẫy tư vấn. Thậm chí, dù đăng ký rồi, người bệnh cũng thấp thỏm sợ bị người khác đến sớm hơn và mất lượt.

Bệnh viện Việt Đức cũng công khai tổng đài chăm sóc khách hàng 19001902, hoạt động từ 8-21h từ thứ 2 đến thứ 6 và 8-16h vào hai ngày cuối tuần để tư vấn đăng ký khám trực tiếp.

Gọi điện đến hotline này, nhân viên tư vấn cho biết có thể đăng ký khám trước từ 1 đến 2 ngày và thông báo lịch làm việc của các bác sĩ để khách hàng lựa chọn. 

Người bệnh cần cung cấp các thông tin cơ bản như họ tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại để tư vấn viên hỗ trợ đăng ký lịch khám. Tin nhắn thông báo đăng ký khám sẽ được gửi về sau 16h. Đến ngày đăng ký, người bệnh sẽ vào tầng 1 nhà C4, đưa tin nhắn đăng ký cho nhân viên để được vào hàng ưu tiên lấy số.

Nội dung tin nhắn thông báo của Bệnh viện Việt Đức khi đặt lịch khám qua số hotline. Ảnh: Hoàng Hà

Bệnh viện K Trung ương cũng công khai số điện thoại của các cơ sở để tiếp nhận phản ánh thông tin, hướng dẫn bệnh nhân. Cụ thể, cơ sở 43 Quán Sứ (0904.748.808, 0904.592.017), cơ sở 2 Tam Hiệp (0936 238 808), cơ sở 3 Tân Triều (0904.690.818).

Khi gọi đến số hotline của cơ sở 2 bệnh viện (Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), nhân viên trực tổng đài cho biết bệnh viện khá vắng nên không phải đặt lịch trước qua điện thoại, có thể đến thăm khám trực tiếp.

Tại cơ sở 3 của bệnh viện này (số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), người dân được hướng dẫn không đặt lịch khám qua điện thoại. Thay vào đó, bệnh nhân muốn đến khám có thể đặt lịch khám qua app (gọi số tổng đài 1900886684 để được hướng dẫn). 

Gọi đến số điện thoại này để đặt lịch khám, nhân viên hướng dẫn cài app tên Bệnh viện K. Khi tải ứng dụng, người đến khám sẽ đăng ký thông tin tài khoản, sau đó chọn mục đặt khám tại viện. Khi đặt lịch thành công, người đến khám sẽ nhận được tin nhắn, chụp màn hình và đến khám tại viện. Theo hướng dẫn của nhân viên trực tổng đài, khi đặt lịch qua app, khách hàng vẫn sẽ phải xếp hàng nhưng được vào cửa ưu tiên.

Quy trình khám bệnh sẽ thay đổi thế nào khi chuyển đổi số?

Có thể thấy, hình thức đăng ký khám tại các bệnh viện tuyến trung ương vẫn còn hạn chế, chủ yếu thông qua gọi điện thoại. Các công nghệ tiên tiến hơn như đăng ký trực tuyến qua website hay app vẫn chưa phổ biến. Khi áp dụng công nghệ vào việc khám chữa bệnh, quy trình này sẽ diễn ra như thế nào?

Kỳ 3: Những vật dụng dần biến mất nhờ chuyển đổi số ở bệnh viện 

Minh Anh

Nhận kết quả khám bệnh bằng mã QR

Nhận kết quả khám bệnh bằng mã QR

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM), tự tin chỉ vào mã QR trên hồ sơ và cho biết người bệnh chỉ cần vài giây quét mã trên điện thoại để nhận được kết quả chụp X-quang hoặc CT.