Trong số hơn 400 đại biểu về tham dự các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ tổ chức tại Hà Nội vào tuần qua, có 14 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến. Họ chính là những nhân chứng sống của những tháng năm hoạt động cách mạng, chiến đấu quả cảm.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Nguyệt Hồng, người con gái Nam Bộ trong bộ quân phục sờn màu, dáng người chậm chạp, ánh mắt đã không còn tinh anh, nhưng vẫn đầy vẻ cương nghị. Những câu chuyện một thời hào hùng của bà như sống lại…
Bà Lưu Nguyệt Hồng, sinh năm 1950 tại xã Vĩnh Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Năm 1965, khi mới 15 tuổi, Nguyệt Hồng đã tham gia cách mạng với nhiệm vụ ban đầu là đội viên du kích thị trấn Ngã Năm, rồi sau đó là Trung đội phó Thị trấn Ngã Năm, Bí thư chi bộ, Hội trưởng Phụ nữ huyện Thạnh Trị.
Bà đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu hơn 100 trận, bắt sống nhiều tên giặc cầm đầu, thu giữ nhiều vũ khí. Cái tên Lưu Nguyệt Hồng thời kỳ đó khiến quân địch khiếp vía, đi đâu nghe có phụ nữ tên Hồng là chúng bắt, đánh đập dã man với phương châm “trăm lần bắt trật cũng có lần bắt trúng”. Thậm chí địch đã treo thưởng ai bắt được bà thì thưởng 200 triệu tiền chính quyền cũ và 1 cây súng cối 12 ly.
Thị trấn Ngã Năm có chi khu của Ngã Năm, nằm trên vùng đất thuộc đầu doi ở ngã ba sông có năm nhánh tỏa ra năm ngả là Cà Mau, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Phú Lộc, Rạch Giá.
Chi khu Ngã Năm thuộc hệ thống phòng thủ của Tiểu khu Ba Xuyên về phía Tây, đồng thời là nơi án ngữ tuyến hành lang ra vào vùng U Minh (căn cứ Khu ủy khu 9). Vùng đất nổi tiếng có quân Mỹ và tay sai gian ác khét tiếng đứng hàng thứ 2 của Miền Tây Nam bộ. Từ chi khu, bọn lính dân vệ, bảo an kéo vào các vùng chung quanh thị trấn, thọc sâu vào các vùng nông thôn càn quét, vây ráp, bắt bớ, bắn giết… gây bao đau thương cho nhân dân.
Xung quanh chi khu, địch còn xây dựng 4 ấp chiến lược, tổ chức hàng trăm thanh niên chiến đấu để kiềm kẹp nhân dân.
“Chúng lê máy chém, lấy mật người đang sống, dòng cổ đập đầu những người nghi vấn quan hệ cách mạng”, bà Hồng kể về những tội ác mà quân thù gây ra với quê hương, xóm làng, bà con, đồng đội.
Bà Lưu Nguyệt Hồng là con gái thứ ba trong gia đình nông dân với 5 người con, lớn lên giữa thời khói lửa chiến tranh. Gia đình bà là một trong những địa chỉ nuôi giấu cán bộ. Từ nhỏ bà cùng các em đã phải đi ở nhà ngoại, trong tâm trí của bà, tuổi thơ là những ngày canh gác ở gốc cây đầu ngõ, báo động cho du kích.
“Khi tôi còn nhỏ thấy mấy cô chú hay ở nhà ngoại nhưng không biết bàn việc gì, chỉ thấy được ngoại dặn, ngồi dưới gốc cây ổi nếu thấy ai lạ thì kêu lên: “Ngoại ơi có người mua ổi”, vì nhà ngoại tôi khi đó nuôi giấu 5 du kích. Sau này lớn hơn một chút tôi mới biết cô chú về bàn bạc làm đồng khởi”, bà Hồng nhớ lại.
Tuổi 15, người con gái tên Nguyệt Hồng đã chứng kiến bao tội ác của quân thù dày xéo trên quê hương, cảnh người chết, bị thương “nhiều như cơm bữa”.
Bà nhớ lại, lần đầu chứng kiến cái chết thương tâm của một chiến sĩ cách mạng, đó là một bà má chèo xuồng cho chồng chạy khỏi quân địch đang truy sát, mới chèo ngang mình tức thì, thì máy bay đảo qua đảo lại phóng tràng pháo, người chồng hy sinh luôn trên sông.
Chứng kiến những cảnh tượng như vậy khiến bà Hồng day dứt “ở nhà cũng chết, đi cũng chết, thì cái chết nào mới vinh quang, cái chết nào là nhục nhã, cái chết nào là tầm thường”. Từ đó, bà nung nấu một ý chí phải đi chiến đấu trả thù cho quê hương, cho đồng bào. Ý nghĩ đó cộng với truyền thống cách mạng của dòng họ, của gia đình, của 5 người con thì cả 5 đều tham gia cách mạng ngay từ khi tuổi mới chớm thanh niên…Biến đau thương thành hành động, biến căm thù thành sức mạnh, bà Hồng càng kiên cường chiến đấu.
Bà chính thức tham gia cách mạng được phân công vào tổ quân y địa phương cấp cứu chiến trường, cùng đồng đội đưa nhiều thương binh và tử sĩ ra khỏi trận địa, để cứu chữa và an táng.
“Nhiệm vụ cấp cứu thì nguy hiểm không kém gì những người trực tiếp ra chiến đấu, khi chỗ nào có người bị thương là chỗ đó có quân y. Xông pha nơi bom rơi, đạn lạc nguy hiểm”, bà trầm ngâm nhớ lại thời thanh xuân cống hiến cho cách mạng.
Nhiều lần, bà Hồng cải trang thành người buôn bán, đưa thương binh vượt qua đồn giặc về căn cứ cứu chữa kịp thời. Có lần đi qua các trạm gác, đồn bốt bao quanh, thiếu nữ Nguyệt Hồng vừa chèo xuồng vừa khóc. Lính canh thấy một phụ nữ nhỏ bé, tóc tai rũ rượi, khóc lóc đau đớn chèo xuồng chở thi thể, nên chỉ hỏi qua loa rồi cho đi.
Kể về một lần cứu thương, nữ du kích miền Tây nhớ lại, ngày 23/12/1967, bộ đội chủ lực phối hợp cùng với địa phương đánh thiệt hại nặng chi khu Ngã Năm. Khi đó, bà được phân công phụ trách đội dân công tải thương về trạm phẫu thuật giả chiến.
Lúc đó, địch phản kích quyết liệt bằng phi cơ, bà cùng với anh em du kích chiến đấu bảo vệ an toàn cho thương binh, đã cùng dân công dìu được 28 thương binh, trực tiếp chôn 3 tử sĩ, những người hy sinh còn nằm lại ở trận địa cũng được đem về chôn cất chu đáo. Vừa vận chuyển thương binh, bản thân bà đã thu được 5 súng Cacbine m2, 1 khẩu trung liên và thùng lựu bạn M26.
Thành tích xuất sắc đáng ghi nhớ với bà Nguyệt Hồng trong thời kỳ này là đợt bao vây chi khu Ngã Năm, 52 ngày đêm năm 1968. Khi đó, bà là Trung đội phó du kích thị trấn Ngã Năm, được phân công chỉ huy 1 tiểu đội du kích nữ và 100 dân công với nhiệm vụ lắp pháo đài để từ điểm cao bắn vào chi khu.
Thời điểm này tiểu đội du kích nữ ngày đêm thay phiên nhau bao vây siết chặt chi khu, đến ngày thứ 52, với sự mưu trí, kiên cường của đội du kích nữ và nhân dân thị trấn Ngã Năm đã khiến địch phải rút chạy. Bà chính là người kéo lá cờ Mặt Trận đầu tiên tại Khu hành chính.
Bà tự hào nói: “Sau đó địch phản kích với lực lượng, trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại, nhưng chúng tôi đã dũng cảm chiến đấu, giữ vững pháo đài. Có trận tôi đã bắn hết 180 viên đạn súng trường K44”. Súng K44 vốn thiết kế cho quân đội Liên Xô, không thích hợp với nữ quân nhân Việt Nam, nhưng có lần bà đã bắn liên tục không đếm được bao nhiêu viên đạn để giải vây cho đồng đội.
52 ngày đêm bao vây chi khu Ngã Năm, với sự dũng cảm, kiên cường, lúc chiến đấu bà đã được một phóng viên chiến trường ghi lại khoảnh khắc với tựa “Những người con tuyến lửa”, hình ảnh đó hiện còn trưng bày ở nhiều bảo tàng trên cả nước. Sau đợt chiến đấu này, bà được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Lao động Việt Nam, được bầu làm chiến sĩ thi đua của tỉnh và được giữ chức vụ Thị đội phó.
“Quá trình chiến đấu, tôi rút ra những kinh nghiệm để giành thắng lợi đó là: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết; thứ hai phải dựa vào dân đánh giặc; thứ ba phải mưu trí, dũng cảm; thứ tư lấy vũ khí của địch để đánh lại địch”, bà tổng kết lại.
Vào thời kỳ 1969-1972, địch bình định, lấn chiếm, đóng thêm đồn bót, đây là thời điểm rất khó khăn và ác liệt. Đặc biệt, bà Nguyệt Hồng đã cùng chi khu Ngã Năm, chi bộ chỉ đạo, lãnh đạo đội du kích bám chặt địa bàn và tổ chức đánh địch, xây dựng lực lượng, ném lựu đạn vào đám tình báo đang nhậu, làm chết và bị thương 8 tên. Bà còn cùng lực lượng biệt động Ngã Năm đánh đồn Trà Kết, thu 12 súng loại min bay (cải tiến) hất vào ụ pháo 105 ly; làm hư 2 khẩu pháo, chết 3 tên.
Năm 1970, bà được bổ sung Huyện ủy và được điều về làm Bí thư Chi bộ thị trấn Phú Lộc. Ở đây, bà đã củng cố, kiện toàn lại chi bộ, phát triển lực lượng biệt động, xây dựng cơ sở du kích mật, đã lãnh đạo, chỉ huy đánh địch nhiều trận, diệt hàng chục tên địch.
Đến năm 1972, bà được huyện rút về làm Hội trưởng Phụ nữ, đồng thời cùng các lực lượng khác, nữ du kích trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy bao vây bứt rút một loạt đồn như: Cống Ba Bọng, Cô Tư, Cống Ba Tao, kênh Nước Ngọt… và chỉ huy đánh nhiều cuộc càn viện của các đơn vị bảo an của địch như Tiểu đoàn 408 tỉnh Sóc Trăng, tăng cường có cả xe M113.
Sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà tiếp tục công tác tại huyện Thạnh Trị với các nhiệm vụ Trưởng Ban Dân vận huyện. Giữa năm 1996, bà được tỉnh phân công làm Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH và tham gia HĐND tỉnh 2 nhiệm kỳ. Quá trình công tác, trực tiếp phụ trách lĩnh vực chính sách người có công với cách mạng, điều khiến bà trăn trở là làm thế nào để thực hiện đãi ngộ tốt với những thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh.
Từ trăn trở đó, bà cùng đội ngũ cán bộ sở LĐ-TB&XH tỉnh nhiều lần tìm thông tin để lập hồ sơ đề nghị các cơ quan có liên quan xem xét, công nhận liệt sĩ, thương binh, người hoạt động kháng chiến nhằm xoa dịu nỗi đau, mất mát với người thân của họ.
Công tác trong ngành được 10 năm thì bà nghỉ hưu, tuy bị di chứng chiến tranh ở hai khủy tay, khi "trái gió trở trời” lại hành hạ, nhưng bà luôn cảm thấy an lòng và may mắn hơn nhiều đồng đội, những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Thiết kế: Hồng Anh
Ảnh: NVCC, TTXVN, Tư liệu