Nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung kinh doanh trong nước, sau vài chuyến đi ra nước ngoài tìm cơ hội đã thay đổi tư duy, và đã có những bước phát triển ngoạn mục.
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) là một trong những hiệp hội có mạng lưới hợp tác quốc tế lớn nhất mạnh nhất hiện nay tại Việt Nam.
Gắn bó với VINASA từ những ngày đầu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Giang đã có rất nhiều dịp đồng hành với doanh nghiệp Việt ra thị trường quốc tế.
Và cũng vì thế, bà có rất nhiều câu chuyện hay để kể với độc giả VietNamNet.
Hành trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài của VINASA đã bắt đầu như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Giang: VINASA thành lập cuối tháng 4/2002. Hồi đó, Chủ tịch Hiệp hội là anh Trương Gia Bình nghĩ rằng, cần phải hợp tác với nước ngoài, vươn ra quốc tế chứ không chỉ thực hiện các công việc ở trong nước. Và chỉ 6 tháng sau khi chính thức thành lập, VINASA đã đăng ký gia nhập 2 tổ chức quốc tế gồm ASOCIO (Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á – châu Đại dương) và WITSA (Liên minh Dịch vụ công nghệ thông tin thế giới).
Vừa “chân ướt chân ráo” gia nhập ASOCIO, tham dự 1 cuộc họp, thấy có thông tin ASOCIO sẽ hỗ trợ cho các thành viên tổ chức sự kiện Hội nghị cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông ASOCIO (ASOCIO ICT Summit) một khoản tiền 10.000 USD để tổ chức chương trình, anh Bình liền giơ tay đăng cai tổ chức sự kiện năm 2003. Sau đó, VINASA đã tổ chức đoàn doanh nghiệp toàn thành viên sáng lập của VINASA sang Chiềng Mai (Thái Lan) tham dự sự kiện và học hỏi cách làm.
Tháng 11/2003, VINASA đã tổ chức rất thành công ASOCIO ICT Summit, thu hút sự tham gia của trên 700 đại biểu, trong đó có gần 300 đại biểu quốc tế, đáng chú ý là có cả lãnh đạo các bộ phụ trách công nghệ thông tin của 10 quốc gia và nền kinh tế trong khu vực. Sự kiện này đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiên kết nối với doanh nghiệp quốc tế, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.
Có thể nói, việc tham gia các tổ chức quốc tế là yếu tố rất tốt hỗ trợ VINASA phát triển các mối quan hệ hợp tác song phương với một loạt quốc gia, tạo tiền đề thuận lợi để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp Việt trên thị trường ngoại sau này.
Thời gian đầu kêu gọi doanh nghiệp cùng đi ra nước ngoài, VINASA có gặp nhiều khó khăn hay không?
Những ngày đầu, lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn ra nước ngoài học hỏi, tìm cơ hội và tìm các xu hướng toàn là tổng giám đốc, chủ tịch…
Một trong những khó khăn lớn lúc đó là vấn đề chi phí, mỗi chuyến đi cũng khá tốn kém. Hai nữa là về ngoại ngữ, lãnh đạo ngành công nghệ thông tin đa phần tiếng Anh rất tốt, nhưng vẫn có những người cần phải có dịch mới có thể giao dịch được với các đối tác quốc tế.
Đâu là “bến đỗ” đầu tiên mà VINASA khuyến nghị doanh nghiệp Việt nên mạnh dạn tìm đến?
Hồi đó, FPT tiên phong, mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu phần mềm Việt Nam. FPT Software được thành lập. FPT đã đầu tư mở công ty tại Silicon Valley và Ấn Độ để tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên, sau một hồi đi khắp nơi thì Nhật Bản mới là nơi giúp FPT Software có hợp đồng đầu tiên.
Trước thực tế ấy, anh Trương Gia Bình nghĩ, có lẽ doanh nghiệp Việt nên đến với thị trường Nhật Bản vì ở đấy văn hóa tương đồng, người Nhật cũng yêu quý người Việt, sẵn sàng giúp đỡ để cùng nhau phát triển.
Đến tháng 4/2004, VINASA tổ chức chuyến đi công tác Nhật Bản. Theo tư vấn của Hiệp hội Công nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin Nhật Bản (JISA), chúng tôi đã phối hợp với JISA tổ chức một sự kiện công nghệ thông tin rất lớn, mời bác Mai Liêm Trực, hồi đó là Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, làm người dẫn đoàn của doanh nghiệp VINASA sang Tokyo. Từ sự kiện này, 7 doanh nghiệp của Việt Nam và 6 doanh nghiệp của Nhật đã hợp tác thành lập công ty liên doanh đầu tiên là Công ty VIJASGATE.
Và thực tế sau đó, chúng ta đã có nhiều “quả ngọt” trên thị trường Nhật?
Tháng 10/2015, trong đoàn VINASA đi Malaysia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Công nghệ số ASOCIO (ASOCIO Digital Summit) tại Kuala Lumpur (Malaysia), có lãnh đạo của NTQ Solution, RikkeiSoft đi cùng. Họ đã nhận được những lời khuyên chân thành của anh Trương Gia Bình về việc tìm kiếm cơ hội tại “xứ sở mặt trời mọc”.
Với RikkeiSoft, anh Bình khuyên rằng, nếu muốn làm thị trường Nhật, phải có sự hiện diện bên Nhật; khi nguồn lực còn nhỏ thì phải tập trung cao độ để phát triển thị trường. Nghe lời khuyên này, Tạ Sơn Tùng - Giám đốc điều hành của Rikkei Soft đã quyết định chuyển cả gia đình sang sống ở Nhật vài năm, tập trung phát triển thị trường Nhật. Khi Tùng đi cùng anh Bình năm 2015, RikkeiSoft chỉ có vài chục người, nhưng đến năm 2022, doanh nghiệp này đã có khoảng 1.500 người, doanh thu vượt bậc tại thị trường Nhật.
NTQ Solution của Phạm Thái Sơn cũng là một điển hình thành công. Năm đó, VINASA bàn với các doanh nghiệp triển khai sáng kiến tổ chức sự kiện IT Day tại Nhật. Tiền trong ngân sách của NTQ còn rất ít, Sơn đã quyết định đầu tư hết tất cả phần vốn còn lại cho chuyến đi Nhật, “chơi tất tay” luôn. Sự kiện năm đấy mời ông Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sang tham gia, thu hút gần 200 doanh nghiệp Nhật. Và Sơn đã rất nỗ lực để kết nối với các doanh nghiệp đó.
Có một kỷ niệm vui mà tôi được nghe kể lại. Sau khi sự kiện kết thúc, theo văn hóa của Nhật, anh em trong đoàn đi ăn uống giao lưu. Tới 1 – 2 giờ sáng mới về khách sạn, Sơn vẫn thức gửi email cho từng người đã gặp tại sự kiện. Sơn ở cùng phòng với Tạ Sơn Tùng, khi viết email xong nhờ Tùng xem hộ. Tùng bảo “Anh viết thế này không bao giờ người ta trả lời”, rồi hướng dẫn cách làm hiệu quả hơn. Sơn đã gửi mail theo địa chỉ ghi trên khoảng 40 – 60 danh thiếp của các doanh nghiệp Nhật mà Sơn thu thập được tại sự kiện. Nhiều người đồng ý hẹn gặp. Hết năm đó, Sơn có 6 khách hàng Nhật. Thực sự đấy là điều kỳ diệu. Từ vài chục nhân sự năm 2015, đến giờ, NTQ Solution cũng đã có hơn 1.200 người, ngoài Nhật Bản còn văn phòng tại Hong Kong, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ…, doanh thu gần 20 triệu đô.
Tìm kiếm cơ hội trên thị trường quốc tế ắt hẳn không phải chuyện dễ dàng với doanh nghiệp Việt?
VINASA đã đưa các doanh nghiệp Việt đi rất nhiều nơi, tới Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, thậm chí cả những nước xa xôi, ít có hợp tác như Sri Lanka, Bangladesh… Mỗi nước đều có đặc thù riêng
Từ những chia sẻ của doanh nghiệp từng hoạt động ở các nước đó, doanh nghiệp trong đoàn của VINASA đã rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm.
Ví dụ ở Nhật Bản, FPT phải mất nhiều năm mới rút ra được một điều quan trọng, đó là nếu muốn làm việc với Nhật thì phải có sự hiện diện của doanh nghiệp tại Nhật. Người Nhật sẽ tin tưởng hơn rất nhiều khi doanh nghiệp có đại diện tại Nhật, khi cần họ có thể gặp và trao đổi được ngay. Và hiện nay sau 18 năm thành lập, FPT Japan đang có khoảng 2.500 người làm việc tại đất nước này.
Hay tại thị trường Mỹ. Có một kinh nghiệm nhỏ nhưng FPT USA cũng phải mất rất nhiều thời gian để nghiệm ra. Đó là, Mỹ rất rộng với 2 Bờ Đông, Tây. Không nên chọn kinh doanh ở Bờ Đông vì khí hậu rất lạnh, mọi người thường ở trong nhà, đọc sách, nghiên cứu rất nhiều, nên hiểu rất sâu các vấn đề. Khi kiểm tra năng lực của đối tác nước ngoài, doanh nghiệp Mỹ ở Bờ Đông thường hỏi rất nhiều câu và hỏi rất sâu, nếu không chuẩn bị kỹ thì sẽ dễ bị “ngọng”, không trả lời được. Các doanh nghiệp Việt nên tìm đối tác ở Bờ Tây, vùng có nắng ấm, nơi mọi người thích các hoạt động kết nối xã hội ngoài trời, dễ tính, cởi mở hơn. Đặc biệt, không nên chọn các vùng/bang có nhiều doanh nghiệp Ấn Độ bởi sẽ rất khó cạnh tranh. Doanh nghiệp Ấn Độ có lợi thế hơn hẳn doanh nghiệp Việt về ngôn ngữ, kinh nghiệm làm với Mỹ.
Những kinh nghiệm tôi vừa kể nghe thì thấy đơn giản vậy thôi, thế nhưng doanh nghiệp đã phải mất rất nhiều thời gian, chi phí mới đúc kết được. Nếu không chia sẻ, có thể nhiều doanh nghiệp Việt khác sẽ lại lặp lại câu chuyện mất thời gian, chi phí và cơ hội gia nhập thị trường.
Có doanh nghiệp nào lúc đầu nhất quyết không kinh doanh ở thị trường ngoại, nhưng rồi đã đổi ý sau vài chuyến đi cùng VINASA hay không?
Đi cùng chúng tôi cũng có những doanh nghiệp chỉ hay làm thị trường trong nước, như MISA. Anh Lữ Thành Long - Chủ tịch MISA đã đi cùng VINASA trong nhiều chuyến. Sau những chuyến đầu tiên, anh Long thấy chuyện làm gia công xuất khẩu không phù hợp với định hướng phát triển của công ty. Mục đích “xuất ngoại” của anh Long chỉ là muốn tìm hiểu xu hướng về công nghệ, mô hình kinh doanh, cách thức tiếp cận các thị trường, cách phát triển sản phẩm… ở phía bên ngoài. Sau này thay đổi góc nhìn, lãnh đạo MISA bắt đầu đưa các giám đốc sản phẩm, kinh doanh… đi cùng VINASA. Họ tự nhìn thấy những điều hay, những điều mình có thể về bắt chước để làm sản phẩm. Một số sản phẩm đã được đầu tư rất nhiều tiền để làm theo cách cũ, sau khi lãnh đạo MISA ra nước ngoài về, thấy nên theo xu hướng khác sẽ tốt hơn, công ty đã quyết định đập bỏ để làm cái mới.
Và rồi MISA cũng đã có sản phẩm đưa ra thị trường quốc tế. Hệ thống phần mềm quản lý nhà hàng CukCuk chỉ sau vài năm đã có doanh thu triệu đô rồi.
Một doanh nghiệp khác là CMC. CMC trong nhiều năm cũng bỏ qua cơ hội làm gia công xuất khẩu cho đối tác quốc tế. Từ 2015, sau khi nghe lời khuyên của anh Trương Gia Bình phân tích về lợi thế thương hiệu của CMC và các cơ hội lớn với thị trường nước ngoài, anh Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC đã quyết định đầu tư thành lập CMC Global. Anh Trương Gia Bình cũng đưa ra lời khuyên rằng lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp phải trực tiếp đi gặp khách hàng quốc tế mới hiệu quả. Nghe lời khuyên ấy, anh Nguyễn Trung Chính đã dành khá nhiều thời gian sang Nhật, gặp gỡ khách hàng, đối tác tiềm năng, đầu tư tuyển người tài về làm lãnh đạo, và CMC đã có sự phát triển rất nhanh tại Nhật Bản. Sau này, CMC tiếp tục phát triển thêm các thị trường khác nữa và rất thành công. Hiện nay CMC Global đã có hơn 2.500 người, doanh thu rất tốt.
Theo bà, ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội kinh doanh có lợi gì cho doanh nghiệp?
Cứ đi cùng VINASA ra nước ngoài, “không bổ ngang cũng bổ dọc” (cười). Càng đi sẽ càng mở ra nhiều cơ hội.
Trước đây, không ít doanh nghiệp không quan tâm thị trường nước ngoài, cứ đinh ninh “hữu xạ tự nhiên hương”, không nghiên cứu xem sản phẩm, giải pháp mình làm có phù hợp với xu hướng của công nghệ thế giới hay không, có phù hợp với dòng chảy của cuộc sống hay không; trên thế giới hoặc trong khu vực hoặc thậm chí ngay trong nước có ai làm như mình hay chưa… Một loạt doanh nghiệp cứ cặm cụi làm ở trong nước, loay hoay không biết nên làm cái gì, có “bài toán” gì mình có thể “giải” được không.
Trong khi các doanh nghiệp thường xuyên đi ra nước ngoài với VINASA sẽ nhìn thấy rõ ràng các xu hướng, cơ hội nên có định hướng rõ ràng, hiệu quả hơn. Doanh nghiệp tập trung làm thị trường quốc tế có năng lực khác xa so với doanh nghiệp chỉ tập trung ở thị trường trong nước. FPT Software chẳng hạn, tôi ngưỡng mộ họ vô cùng, bởi vì những việc họ làm đều rất chuyên nghiệp. Những doanh nghiệp khác làm với đối tác quốc tế như NTQ Solution, Rikkei Soft, CMC Global, Fujinet, Luvina… cũng đều cực kỳ năng động, chuyên nghiệp. Khi chúng tôi cần nhờ việc gì, họ đều giúp đỡ chu đáo, chỉn chu, vượt quá sự mong đợi.
Tôi cho rằng, nếu mạnh dạn đi ra nước ngoài, doanh nghiệp sẽ nắm bắt tốt hơn xu hướng, cách làm mới, học hỏi được các mô hình kinh doanh mới, tìm kiếm thêm nhiều cơ hội hợp tác để phát triển lên tầm cao mới.
Có một điểm thú vị là các doanh nghiệp cùng đi trong đoàn của VINASA có sự kết nối với nhau rất tốt. Rất nhiều trường hợp sau khi cởi mở chia sẻ, chuyện trò, đã quyết định cùng nhau phát triển sản phẩm hoặc cùng nhau bán hàng, mở rộng thị phần quốc tế.
(Bài 2: Sẵn sàng “giải” nhiều “bài toán” độc, lạ trên thế giới)
Thực hiện: Bình Minh
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Nguyễn Ngọc