VINASA cần nhận sứ mệnh giúp Việt Nam chuyển đổi số
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA) tối ngày 2/12, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã chúc mừng và gửi lời cảm ơn tới VINASA vì những đóng góp cho ngành CNTT Việt Nam suốt 20 năm qua.
Cách đây 20 năm, CNTT trở thành một lĩnh vực, một ngành kinh tế kỹ thuật, một ngành công nghiệp với việc Bộ Bưu chính, Viễn thông được thành lập. Hiệp hội phần mềm Việt Nam ra đời trong bối cảnh đó.
Năm 2002, Ấn Độ có doanh thu phần mềm và dịch vụ CNTT gấp 200 lần Việt Nam thì 20 năm sau, khoảng cách ấy đã giảm hơn 10 lần. Việt Nam có thể tự hào vì đã dựng nên một ngành công nghiệp phần mềm có thứ hạng quốc tế cao, top 10 thế giới. VINASA cần phải kế thừa quá khứ, từ đó mở ra tương lai khi bước vào thập niên thứ ba. Bởi kế thừa mới giữ được cái gốc, cái nền nhà để đi xa bền vững. Nhưng giữ cái gốc mà không mở ra tương lai mới thì thế hệ mới không có đóng góp của mình, không kể được câu chuyện của mình, tức là dừng lại.
"10 năm tới, VINASA, Chủ tịch Nguyễn Văn Khoa phải kể được câu chuyện của mình, và câu chuyện ấy phải hay hơn câu chuyện mà thế hệ anh Trương Gia Bình đã kể", Bộ trưởng nói.
20 năm trước là thời của CNTT, của phần mềm, của ứng dụng CNTT. Bây giờ là công nghệ số, là chuyển đổi số (CĐS). Trước đây, CNTT là công cụ hỗ trợ. Nay, công nghệ số là công cụ sản xuất chính. Các doanh nghiệp, các tổ chức và các cá nhân thay vì ứng dụng CNTT thì trở thành doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân công nghệ số. Công nghệ số được tích hợp vào mọi lĩnh vực, mọi ngành. Công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng. Bộ TT&TT đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược quốc gia về công nghiệp công nghệ số. Các doanh nghiệp của VINASA, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phần mềm và dịch vụ CNTT sẽ có một ngọn cờ dẫn dắt.
10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng: Từ CNTT sang công nghệ số; từ ứng dụng CNTT sang CĐS; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công phần mềm sang Make in Vietnam; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính. VINASA cần bắt kịp những chuyển dịch này để có những khởi tạo mới, định hướng cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam.
Phân tích 3 đặc trưng cơ bản của thời đại, Bộ trưởng nhấn mạnh cần chú ý ở chữ “cơ bản”. Thứ nhất, công nghệ trở thành lực lượng sản xuất cơ bản. Thứ hai, nhân tài trở thành nguồn lực cơ bản. Thứ ba, đổi mới trở thành động lực cơ bản. 3 yếu tố: Công nghệ, nhân tài và đổi mới sáng tạo lại càng có ý nghĩa quyết định. 3 yếu tố ấy mà vận vào lĩnh vực CNTT và công nghệ số chính là: Công nghệ số, nhân tài số và chuyển đổi số.
VINASA cần nhận lấy sứ mệnh quốc gia, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số và đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21.
Khát vọng ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới
Những năm 2000, ngành CNTT Việt Nam còn rất sơ khai - doanh thu chỉ khoảng 560 triệu USD. Riêng doanh thu phần mềm ước tính chỉ đạt 50 triệu USD với khoảng 5.000 lập trình viên.
Thời điểm đó, cả ngành CNTT có khoảng 250 doanh nghiệp tin học. Phần lớn các doanh nghiệp CNTT Việt Nam có ngành nghề kinh doanh là buôn bán máy tính, linh kiện và phần mềm của nước ngoài.
Chia sẻ câu chuyện quá khứ, ông Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT) nhắc lại nỗi trăn trở của những người làm CNTT: “Chúng ta không thể đi bán máy tính mãi được. Ấn Độ, Trung Quốc đang phát triển công nghệ phần mềm ầm ầm, doanh thu hàng chục tỷ USD. Việt Nam dân số trẻ, thông minh, giỏi toán, không lẽ lại chịu thua, không lẽ lại chịu nghèo hèn mãi sao?”
Trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA), ông Bình cho biết, để xuất khẩu phần mềm, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã cùng nhau đi thăm Ấn Độ học hỏi xem vì sao quốc gia này lại có thể làm tốt đến như vậy. Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã quyết định cùng nhau thành lập một hiệp hội phần mềm, đó là lý do VINASA ra đời.
Theo ông Trương Gia Bình, sự ra đời của VINASA thể hiện khát vọng cháy bỏng của các kỹ sư CNTT nhằm ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Khi thành lập VINASA, mục tiêu được Hiệp hội này đặt ra là ngành công nghiệp phần mềm sẽ mang 500 triệu USD doanh thu về cho Tổ quốc. Đây được xem là nỗ lực tột cùng của ngành CNTT Việt Nam, bởi ở thời điểm đó chúng ta chưa làm được phần mềm.
Đến nay, doanh thu ngành CNTT Việt Nam năm 2021 đã đạt 136 tỷ USD, gấp hơn 200 lần so với những năm 2000, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30% mỗi năm. Tổng số lao động trong ngành hiện trên 1,2 triệu người, năng suất lao động cao hơn 7-8 lần so với năng suất lao động bình quân cả nước. Chỉ tính riêng ngành phần mềm và dịch vụ CNTT, từ 50 triệu USD doanh thu năm 2000 nay đã tăng lên hơn 9 tỷ USD năm 2021 với gần 300.000 kỹ sư.
Trên trường quốc tế, theo Gartner, Việt Nam nằm trong nhóm 1 - các thị trường mới nổi về cung cấp dịch vụ CNTT. Hà Nội nằm trong top 10, TP.HCM nằm trong top 20 thành phố mới nổi về xuất khẩu dịch vụ CNTT. Việt Nam hiện là quốc gia đối tác hàng đầu của thị trường CNTT Nhật Bản.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam, VINASA đang hướng đến mục tiêu đưa ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT cán mốc 50 tỷ USD doanh thu trong 10 năm và 150 tỷ USD trong 20 năm nữa.