Từng gắn bó với FPT từ năm 1996 đến năm 2016, cựu Giám đốc FPT Japan Trần Xuân Khôi cảm thấy nhiệm vụ mới - phụ trách mảng nhân lực cho FPT Software - không phù hợp với đam mê kinh doanh, nên quyết định tách ra mở công ty riêng.
Công ty VTI ra đời với hàm ý VTI = “Vietnam Technology International” - “Mang công nghệ Việt Nam ra thế giới”.
Không chỉ đơn thuần mang công nghệ Việt ra thế giới, VTI còn mong muốn cùng khách hàng sử dụng công nghệ để tạo ra nhiều giá trị mới, vì thế nên quyết định chọn slogan “Innovation Technology Value” – “Công nghệ kiến tạo giá trị mới”.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực software outsourcing (gia công xuất khẩu phần mềm) cho khách hàng Nhật Bản, VTI đã khởi nghiệp theo hướng đi này.
“Năm 2017, thị trường outsourcing của Nhật Bản có quy mô khoảng 4 tỷ USD, trong khi công ty Việt Nam lớn nhất trong lĩnh vực outsourcing cho Nhật cũng mới chỉ đạt doanh thu khoảng hơn 100 triệu USD. Không gian để các công ty phát triển còn rất rộng mở. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều anh em bạn bè, nhất là những người bạn Nhật, VTI đã nhanh chóng tạo lập được tập khách hàng của riêng mình”, ông Trần Xuân Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VTI Group nhớ lại ngày đầu thành lập công ty.
Đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp thì 5 năm đầu là 5 năm “sống còn”, quyết định sự tồn tại hay không tồn tại. VTI rất may mắn khi ra đời trong thời điểm nhu cầu ở thị trường Nhật Bản rất cao.
Tuy nhiên, Nhật Bản là thị trường khó tính, outsourcing cho Nhật Bản không phải là “miếng bánh dễ xơi”.
“Lính mới” VTI chưa đủ sức hấp dẫn để khách hàng Nhật tự tìm tới. Với vỏn vẹn hơn 10 nhân sự ban đầu, không dễ thuyết phục khách hàng để có được những đơn hàng lớn.
“Chúng tôi đã tập trung vào việc hoàn thiện khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật với khách hàng Nhật. Toàn bộ đội ngũ quản lý phải thông thạo tiếng Nhật. Khách hàng thấy người của VTI ai cũng nói tiếng Nhật thì yên tâm hơn. Thay vì giới thiệu các dự án đã làm của công ty, chúng tôi giới thiệu kinh nghiệm của đội ngũ nhân sự VTI, quyết tâm thực hiện các dự án đặc biệt, các dự án khách hàng đang gặp khó khăn”, ông Khôi chia sẻ bí quyết chinh phục khách hàng Nhật.
Quãng thời gian đầu là chuỗi ngày khá “lao tâm khổ tứ” đối với ông Khôi, khi khách hàng chưa có, chi phí vận hành công ty hàng tháng lại không nhỏ. Bất cứ chỗ nào có contact khách hàng là ông nhanh chóng tìm đến kết nối, dù khách hàng đang ở bất cứ đâu. Có lần nghe được thông tin khách hàng Nhật đang ở Sài Gòn, không có hẹn trước nhưng ông vẫn vượt đường xa tìm gặp, hiện đây vẫn là một trong những khách hàng lớn của VTI.
“Vạn sự khởi đầu nan”, nhưng với ý chí cao và sự kiên trì, bền bỉ, dần dần, VTI đã gặt hái thành quả.
Sau 6 năm thành lập, VTI đã có hơn 1.200 nhân sự. Doanh thu của VTI Group hiện tại hầu hết đến từ lĩnh vực IT, trong đó 90% là từ outsourcing.
Đến giờ, “sếp tổng” VTI vẫn cho rằng, làm software outsourcing là phương án tốt để giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng phát triển, tích lũy tài chính để thực hiện giấc mơ của mình.
Hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm cho khách hàng Nhật Bản không chỉ mang lại doanh thu mà còn giúp doanh nghiệp Việt tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm. Song, phần lớn doanh nghiệp outsourcing mới dừng ở mức đưa người Việt có kỹ năng tốt ra thế giới, chứ chưa đưa được nhiều công nghệ Việt ra thế giới.
Cuối năm 2020, ông Khôi quyết định phát triển VTI theo hướng không chỉ là một công ty outsourcing mà còn làm cả sản phẩm công nghệ.
“Sĩ diện của người làm IT khiến mình không chấp nhận việc một công ty công nghệ lại không có sản phẩm công nghệ nào. Thế nên quyết định phải làm sản phẩm dù biết khá nhiều khó khăn vì không có kinh nghiệm. Mấy anh em chỉ khởi đầu bằng mỗi câu: Chúng ta là những kỹ sư giỏi của Việt Nam. Kỹ sư thì phải làm ra sản phẩm”, ông Khôi vừa cười vừa tâm sự.
Qua quá trình làm dự án với khách hàng, trực tiếp khảo sát các nhà máy ở Việt Nam, ông Khôi cùng các cộng sự nhận thấy mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các nhà máy này còn khá thấp. Một số doanh nghiệp quy mô rất lớn, đầu tư hàng triệu USD cho hệ thống ERP, nhưng phần quản trị hệ thống sản xuất vẫn dùng sổ cái, phần mềm Excel, thậm chí ghi chép thủ công.
Phân tích thị trường thì thấy cả nước có hơn 60.000 nhà máy, đây chính là cơ hội để VTI làm sản phẩm.
Cùng với vốn kiến thức tích lũy được sau quá trình làm việc với các doanh nghiệp sản xuất bên Nhật, VTI đã nghiên cứu xây dựng Giải pháp quản lý thực thi sản xuất có tên MES-X. Giải pháp này giúp cho doanh nghiệp có thể cập nhật thông tin sản xuất trên từng công đoạn, xác định được năng suất của từng công xưởng, độ thất thoát, số lượng sản phẩm lỗi..., từ đó tìm cách cải tiến công đoạn khi cần thiết.
Giai đoạn cuối năm 2020 đầu 2021, Giải pháp quản lý thực thi sản xuất không mới, nhưng ở thị trường Việt Nam chủ yếu cung cấp sản phẩm của nước ngoài, giá khá cao, lại không dễ dàng thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế từng doanh nghiệp.
Giải pháp của VTI thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp có nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam bởi giá rẻ hơn mà chất lượng tương đương hàng ngoại, lại có thể tùy biến sản phẩm theo yêu cầu thực tế. Sản phẩm của VTI được các doanh nghiệp FDI đặc biệt quan tâm và đón nhận.
Bên cạnh MES-X, VTI còn tập trung nghiên cứu, phát triển nhiều sản phẩm, giải pháp khác cũng liên quan tới việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất như IoT Gateway, Remote Controller… Trong đó có khoảng 5 – 6 sản phẩm liên quan tới những công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), Internet kết nối vạn vật (IoT)…, với đặc thù là giải pháp phần mềm đi kèm phần cứng. Trên thị trường hiện có rất nhiều doanh nghiệp phần mềm, nhưng rất ít doanh nghiệp có thể làm phần cứng đi kèm như VTI.
Năm 2021, Giải pháp quản lý bảo trì và bảo dưỡng thiết bị MMS-X do VTI nghiên cứu phát triển đã giúp 1 nhà máy dệt kiểm soát tốt hoạt động của 18.000 thiết bị. Các thiết bị cảm biến sẽ thu thập tín hiệu từ máy móc, cung cấp dữ liệu lên hệ thống về thời gian thực đã vận hành cũng như thông báo thời điểm cần phải bảo trì, bảo hành của từng máy để quản lý kịp thời lên kế hoạch, qua đó tăng hiệu quả sản xuất.
Những giải pháp, sản phẩm hỗ trợ sản xuất của VTI đã và đang được triển khai cho nhiều khách hàng trong các ngành bao bì, dược phẩm, linh kiện điện tử, đá quý…
Danh mục sản phẩm phục vụ khách hàng trong nước và quốc tế của VTI giờ đây khá dày. Ngoài MES-X (VTI đang đàm phán ký hợp đồng với 1 nhà máy sản xuất kem của Nhật, quy mô khoảng 10 triệu USD), còn có Thiết bị chấm công nhận diện khuôn mặt FaceX bắt đầu triển khai tại Nhật Bản.
Hoặc giải pháp nhận diện biển số xe giúp cho các đại lý của một hãng ô tô Nhật Bản tại Việt Nam nhận diện khách hàng. Hệ thống nhận diện biển số xe ParkingX cũng được áp dụng cho nhà máy có hàng chục nghìn công nhân để rút ngắn thời gian công nhân gửi xe tại khu đỗ xe.
Một số sản phẩm khác nữa gồm: Lễ tân ảo hỗ trợ việc tiếp đón khách cho công ty logistics lớn nhất của Đức đặt ở Thành phố Hồ Chí Minh; Phần mềm hệ thống quản lý học sinh đi xe buýt, ứng dụng cho một trường học Nhật Bản có trụ sở ở Mỹ Đình (Hà Nội); Giải pháp phần mềm phục vụ gần một chục chuỗi bán lẻ ở Nhật Bản, sẽ triển khai tại Việt Nam…
Là một trong những khách hàng sử dụng sản phẩm về nhận diện khuôn mặt do VTI nghiên cứu phát triển, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Tổng Giám đốc Harmony Advanced Technologies chia sẻ: “Chúng tôi đã cân nhắc nhiều bên cung cấp, nhưng sản phẩm của VTI có điểm mạnh là cung cấp giải pháp trọn gói gồm cả phần cứng và phần mềm, không như một số bên chỉ cung ứng phần cứng hoặc phần mềm khiến đơn vị mua sắm phát sinh nhiều việc hơn. Cùng với đó, đội ngũ bán hàng của VTI rất tốt, bất cứ khi nào mình có câu hỏi gì đều trả lời rất nhiệt tình. Quan trọng hơn cả, sản phẩm của VTI là sản phẩm của công ty Việt Nam, mình là doanh nghiệp Việt Nam thì ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam”.
“Chúng tôi bắt đầu chính thức bán sản phẩm từ năm 2022. Thời gian trước đó hầu như chỉ làm sản phẩm thôi chứ chưa đi bán hàng. Năm ngoái, VTI đã đầu tư khá nhiều cho sản phẩm, con số lên tới hơn 1 triệu USD. Năm nay khả năng tiếp tục cỡ đấy. Chúng tôi xác định việc đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm sẽ diễn ra trong vòng vài năm. Cho đến giờ, các sản phẩm vẫn trong quá trình phải nâng cấp thường xuyên để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chúng tôi sẵn sàng làm cho “tới bến”. Sự gia tăng khách hàng nhờ tư vấn, khách hàng ký hợp đồng, triển khai… đang khích lệ VTI tiếp tục đi trên con đường làm sản phẩm công nghệ, phấn đấu tới năm 2027 sẽ nâng tỷ lệ doanh thu sản phẩm công nghệ đạt 30% tổng doanh thu”, ông Khôi thẳng thắn chia sẻ.
Cho tới thời điểm này, các sản phẩm công nghệ của VTI đã hiện diện tại Nhật Bản, mức giá rất cạnh tranh so với các sản phẩm tương tự trên thị trường. Trước thực tế nhiều người Nhật vẫn tin tưởng sản phẩm của người Nhật hơn là sản phẩm của Việt Nam, đội ngũ VTI lại tiếp tục nỗ lực thuyết phục khách hàng, thậm chí sẵn sàng triển khai miễn phí thời gian đầu.
“Khi chúng tôi đem sản phẩm ra triển lãm, hội chợ về sản xuất ở Nhật thì rất nhiều khách hàng quan tâm. Đang có khoảng 10 khách hàng Nhật nghiên cứu các sản phẩm của VTI. Tôi tin chắc là trong năm nay hoặc cùng lắm là đầu sang năm sẽ có một số hợp đồng được ký kết”, ông Khôi vui vẻ tiết lộ.
2023 được các lãnh đạo của VTI xác định là năm “Go Global” – “Đi ra thị trường thế giới”.
Về outsourcing, ngoài thị trường chính là Nhật Bản, VTI vừa thành lập thêm chi nhánh ở Hàn Quốc, Singapore; dự kiến tháng 11 tới sẽ mở thêm ở Malaysia.
Chia sẻ cảm nhận chủ quan về khó khăn lớn trên hành trình Go Global, “thuyền trưởng” VTI nhận định: Thiếu hụt kỹ sư nhiều kinh nghiệm luôn là một bài toán khó, trong khi nhân lực trình độ cao là một trong những yếu tố quyết định việc có chiếm lĩnh được thị trường hay không.
“Thị trường thế giới vẫn còn rất bao la. Mình cứ phải mạnh dạn đi. Nhưng nên có sự hiểu biết nhất định chứ không phải đi bừa. Thị trường, khách hàng ngày càng khó tính hơn. Mình phải hiểu thị trường ở một mức độ nhất định, nếu không sẽ tiêu phí tiền thôi”, ông Khôi chia sẻ đôi lời với những doanh nghiệp cùng chung mục tiêu “vươn ra biển lớn”.
Cụm từ “Kaizen” (cải tiến) trong tiếng Nhật hoặc câu tiếng Anh “Continious improvement is better than delay perfection” – “Việc chúng ta cải tiến thường xuyên quan trọng hơn chúng ta chờ đợi cho đến khi hoàn hảo” hay được ông Khôi sử dụng làm “kim chỉ nam” cho hoạt động kinh doanh của VTI. Bởi theo ông, các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều đã thành công với hướng đi như vậy, họ bắt đầu từ việc làm ra sản phẩm basic (cơ bản), sau đó cải tiến sản phẩm lên và chiếm lĩnh thị trường thế giới.
“Kim chỉ nam” đó đang tiếp tục tạo động lực để VTI tăng tốc hiện thực hóa mục tiêu đạt 100 triệu USD doanh thu và lên sàn chứng khoán trong thời gian tới.
Bài: Bình Minh
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Nguyễn Ngọc