Thổi lên khát vọng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số
Ngày 22/9, tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố và vinh danh 'Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2023'. Đây là năm 10 chương trình này được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức để bình chọn, tôn vinh các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ICT Việt Nam theo từng lĩnh vực, đồng thời giới thiệu tới các đối tác, khách hàng trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, chúng ta đã xác định mục tiêu Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng; và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
“Để hiện thực hóa mục tiêu cao trong bối cảnh thế giới biến động, không chắc chắn, phức tạp và khó lường, Việt Nam phải làm nhiều việc phi thường, trong nhiều việc phi thường đó có nhiều việc thuộc sứ mệnh của ngành TT&TT, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ.
Đại diện Bộ TT&TT cũng chỉ ra 3 việc phi thường mà ngành TT&TT và các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà cần tập trung thực hiện, đó là thổi bùng lên khát vọng lớn; xây dựng lực lượng tinh nhuệ; và có cách đi phù hợp - “đi cùng nhau”.
Nhấn mạnh cách để thổi lên khát vọng lớn chính là kể những câu chuyện phi thường truyền cảm hứng cho thế hệ hiện nay, Thứ trưởng Phan Tâm cũng điểm ra một số câu chuyện của các doanh nghiệp công nghệ số tiêu biểu tại sự kiện vinh danh 'Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam' năm 2022.
Cụ thể như câu chuyện truyền cảm hứng về sự dấn thân của Rikkeisoft trong 10 năm hình thành và lớn mạnh, từ 5 thành viên sáng lập, sau 10 năm đã có 1.500 nhân sự với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 180%; câu chuyện của FPT tiên phong công nghệ, đầu tư mạnh mẽ nguồn lực để nghiên cứu, sáng tạo các nền tảng công nghệ tiên phong Make in Viet Nam, là lõi của các giải pháp số, chìa khóa để giải các bài toán chuyển đổi số cho hàng triệu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; câu chuyện startup tăng trưởng đột phá TopCV được vinh danh trong danh sách Forbes Under 30; hay câu chuyện của “Con thuyền lớn Viettel nhận lấy sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số.
Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa cho hay, chương trình năm nay đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về chuyển đổi số. Đó là, Viettel Solutions đã xây dựng 36 trung tâm điều hành thông minh IOC, triển khai chuyển đổi số cho 32 tỉnh, thành. OneMount Group đang chuyển đổi số cho hơn 100.000 cửa hàng tạp hoá, góp phần chuyển đổi số nhanh chóng các thành phần kinh tế, giúp chuyển đổi số len lỏi sâu vào các lĩnh vực của đời sống…
Cùng với đó, VNPT, MobiFone đang triển khai nền tảng số phục vụ cho ngành nông nghiệp, du lịch với hiệu quả cao; Rạng Đông đang là điển hình của một doanh nghiệp sản xuất thực hiện chuyển đổi số, chuyển mình thành một doanh nghiệp công nghệ số với các sản phẩm công nghệ mới, chất lượng cao và nhiều mô hình kinh doanh mới; FPT đã nghiên cứu sản xuất thành công chip bán dẫn và bắt đầu nhận đơn đặt hàng...
“Tôi và các thành viên hội đồng rất ấn tượng những câu chuyện về niềm đam mê, sự đầu tư bài bản của các doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển tạo ra những sản phẩm công nghệ mới, xuất sắc do người Việt Nam làm chủ; các chiến lược tiếp cận và phát triển thị trường theo cách khá mới mẻ và đặc biệt là những nỗ lực không ngừng trong nâng cao năng lực, phát triển kinh doanh vươn ra quốc tế”, ông Nguyễn Văn Khoa nói.
13 doanh nghiệp công nghệ số đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng
Với chương trình 'Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2023', theo đại diện Ban tổ chức, từ 155 đề cử trong 25 lĩnh vực của 97 doanh nghiệp, Hội đồng đánh giá đã chọn 104 đề cử được vinh danh.
Cụ thể, tại lễ công bố, Ban tổ chức đã trao chứng nhận Top 10 cho 41 lượt doanh nghiệp thuộc nhóm các lĩnh vực ngành CNTT truyền thống; 24 lượt doanh nghiệp ở nhóm các lĩnh vực ưu tiên chuyển đối số; 16 lượt doanh nghiệp thuộc nhóm các doanh nghiệp có năng lực về công nghệ mới; 2 doanh nghiệp thương mại dịch vụ tiên phong triển khai công nghệ số; 2 doanh nghiệp startup số, 6 doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng.
Đặc biệt, danh hiệu “Doanh nghiệp công nghệ số nghìn tỷ Việt Nam” đã được trao cho 13 doanh nghiệp gồm CMC Global, CTIN, FPT, FPT IS, FPT Software, Trung tâm dịch vụ số MobiFone - Chi nhánh Tổng công ty MobiFone, NashTech Vietnam, One Mount Group, Rạng Đông, Công ty Giải pháp phần mềm Tường Minh, Viettel Solutions, VNPT.
Đại diện VINASA cũng cho biết, theo số liệu thống kê, tổng doanh thu năm 2022 của các doanh nghiệp được vinh danh Top 10 năm nay đạt 164.026 tỷ đồng, tương đương hơn 7 tỷ USD chiếm 43,75% tổng doanh thu của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, với tổng số nhân sự 136.000 người.
Riêng 13 “Doanh nghiệp công nghệ số nghìn tỷ Việt Nam” có doanh thu 119.000 tỷ đồng, tương đương 5,1 tỷ USD và sử dụng 111.600 lao động.
Dù vẫn ở trong giai đoạn kinh tế biến động, nhưng các doanh nghiệp công nghệ số vẫn có được mức tăng trưởng ấn tượng. Đơn cử, ở thị trường dịch vụ xuất khẩu có MOR Software, Savvycom tăng trưởng gấp 2 lần, CMC Global tăng trưởng 70%.
Thị trường trong nước ghi nhận những con số tăng trưởng lớn như One Mount tăng 80%, Viettel Cyber Security, FPT Smart Cloud tăng 100%, ITSOL 90%.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đạt danh hiệu Top 10 đang đầu tư nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới như chip bán dẫn, Generative AI, Blockchain...
Năm 2014, VINASA bắt đầu công bố chương trình bình chọn và vinh danh các doanh nghiệp CNTT xuất sắc. Khi đó, chỉ chọn được 30 doanh nghiệp trong 2 lĩnh vực. Qua 9 năm tổ chức, quy mô, số lượng doanh nghiệp, số lượng lĩnh vực đều tăng lên. Chương trình đã lựa chọn và giới thiệu được hơn 500 lượt doanh nghiệp tới các cơ quan, đơn vị trong nước và đặc biệt tới hơn 100.000 đối tác từ trên 100 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới. |