Khởi nghiệp từ con số 0 tới ngày Nền tảng Quản lý tổng thể doanh nghiệp 1Office được định giá hàng chục triệu USD từ Mynavi - Tập đoàn nhân sự hàng đầu Nhật Bản, là hành trình đầy đam mê, kiên trì của ông Lê Việt Thắng - Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần 1Office.
“Tầm 15 – 16 năm trước, tại thị trường Việt Nam mới chỉ lác đác một số giải pháp quản lý văn bản như eOffice của Bkav, gần như chưa có giải pháp phần mềm quản trị nội bộ doanh nghiệp hỗ trợ đầy đủ các hoạt động quản lý nhân sự, bán hàng… Hồi ấy tôi còn là sinh viên ngành Toán của Đại học Bách khoa. Nghe các thầy cô lấy eOffice làm ví dụ để giảng dạy môn Cơ sở dữ liệu, tôi thấy những tính năng của giải pháp này còn quá nhỏ để giải quyết các “bài toán” của doanh nghiệp, thị trường giải pháp phần mềm quản trị doanh nghiệp vẫn đang là “đại dương xanh”, còn rất nhiều “đất diễn” cho mình. Vì thế, tôi và một số bạn bè quyết định ứng dụng những lý thuyết Toán học cộng hưởng với Công nghệ thông tin vào thực tế, xây dựng giải pháp hệ thống vận hành quản trị giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, tăng năng suất lao động. Ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, tôi đã muốn làm giải pháp phần mềm cho doanh nghiệp rồi”, CEO sinh năm 1983 kể.
Tiền thân của 1Office là Công ty Digital Optimization Solution – DOS (Giải pháp Tối ưu số).
Để sinh tồn, ông Thắng và các cộng sự phải xoay sở nhiều cách như làm website, triển khai hệ thống giải pháp phần mềm kiểu “may đo” cho các sàn bất động sản…
“Lưng vốn” gần cạn, ông Thắng gặp CEO Vật Giá Nguyễn Ngọc Điệp, đề xuất ý tưởng làm hệ thống quản trị nội bộ cho Vật Giá, chủ yếu tập trung quản lý nhân sự. Những dòng code đầu tiên của phần mềm 1Office được khởi động.
Thấy phần mềm dành cho Vật Giá “chạy ngon”, ông Thắng và ông Điệp lập ra liên doanh, mang giải pháp nội bộ đi bán, nhưng đã thất bại bởi giải pháp “may đo” cho 1 doanh nghiệp không thể đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp.
Năm 2015, ông Thắng “ra ở riêng”, thành lập Công ty Cổ phần 1Office, kiên trì tìm kiếm khách hàng và doanh thu.
“Tôi gọi điện cho anh Vũ, Tổng Giám đốc Media Mart, sau đó trực tiếp đến demo giải pháp phần mềm. Anh Vũ cho tôi xem giao diện màn hình giải pháp ERP của Thế giới di động rồi hỏi: “Có làm được như vậy không?”. Tôi tự tin trả lời: “Bọn em làm được hơn thế”. Media Mart trở thành khách hàng tiếp theo của chúng tôi”, ông Thắng nhớ lại.
Sau đó, 1Office dần “chinh phục” nhiều khách hàng lớn như Bia Đại Việt, Canifa, Hòa Phát…, giúp các doanh nghiệp giải quyết những “bài toán” hiện hữu trên thị trường.
Với Media Mart, “bài toán” đặt ra là kết nối chấm công khoảng 200 điểm bán hàng từ Quảng Bình trở ra Bắc. “Sếp” 1Office phải bỏ tiền túi mua bộ thư viện SDK của nhà sản xuất để xây dựng tool (công cụ) kết nối tất cả máy chấm công trên thị trường.
Để giải “bài toán” của Canifa, mỗi cửa hàng có 1 bảng lương khác nhau, đội ngũ 1Office xây dựng nên hệ thống cho phép nhập các lệnh Excel ngay trên phần mềm, tùy biến các công thức chấm công và tính lương ngay trên phần mềm.
“Chính những yêu cầu của khách hàng đã giúp chúng tôi tích lũy tri thức, trải nghiệm để hoàn thiện Nền tảng Quản lý tổng thể doanh nghiệp 1Office,có khả năng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa các nghiệp vụ về quản trị, nhân sự, bán hàng, tài chính kế toán… Phiên bản thương mại của 1Office vận hành trên Cloud (điện toán đám mây) chính thức ra mắt thị trường năm 2017, và nhanh chóng có tên trong Top đầu phần mềm doanh nghiệp tại Việt Nam”, CEO 1Office đánh giá cao vai trò của các “Thượng đế”.
Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp khá gian nan, không ít lần, “sếp” phải “cắm” xe, vay tiền để trả lương cho nhân viên, ông Thắng thoáng chút trầm tư: “Khó khăn là một phần của khởi nghiệp. Mỗi lúc gặp khó khăn, tôi luôn tự hỏi: Tại sao mình lại bắt đầu làm công việc này? Và rồi lý do đi tiếp luôn nhiều hơn lý do dừng bước. Tôi lại kiên định với con đường mình đã chọn, tiếp tục theo đuổi công việc mình nghĩ rằng có thể làm giỏi nhất. Mọi doanh nghiệp khởi nghiệp có lẽ đều phải trải qua khó khăn rồi mới có thành công. Nếu không có thách thức, khó khăn, thì có lẽ cũng không còn gì thú vị để làm”.
Đối với CEO Lê Việt Thắng, R&D (nghiên cứu và phát triển) là ưu tiên hàng đầu của 1Office để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Đội BA (Business Analyst – chuyên viên phân tích nghiệp vụ) của 1Office thường xuyên nghiên cứu sản phẩm của đối thủ trong nước và quốc tế, nghiên cứu hành vi người dùng để đề xuất tính năng.
Bên cạnh đó, 1Office còn có một đội ngũ R&D rất đặc biệt, chính là hơn 6.000 khách hàng với khoảng 500.000 người dùng, có thể gửi báo lỗi, yêu cầu đề xuất cải thiện tính năng, phát triển tính năng mới thông qua hệ thống bất kỳ lúc nào. Những trải nghiệm sâu và liên tục của khách hàng, người dùng, giúp cho Nền tảng 1Office ngày càng tinh gọn, mượt mà và xuất sắc hơn. Không chuyên gia nào có khả năng R&D bằng “sức mạnh đám đông” này.
Bản thân CEO 1Office cũng không ngừng “cháy hết mình” với đam mê công nghệ. “Bây giờ tôi “cáo già” hơn so với trước rồi, nhưng vẫn muốn giữ được chút “ngây thơ, dại khờ” khi làm sản phẩm để có những đột phá, khác biệt trong suy nghĩ, từ đó sáng tạo ra những điều thú vị. Nói như Steve Jobs, trong kinh doanh thì phải “hungry” (khát khao) nhưng trong sản phẩm lại phải “foolish” (dại khờ) một chút, cứ bỏ qua nhiều yếu tố biện chứng, nhắm mắt tưởng tượng ra tính năng phi biện chứng, đôi khi lại ra kết quả tốt hơn”, ông Thắng vừa cười vừa cho hay.
Phân hệ BPA (Business Process Automation – Tự động hóa quy trình kinh doanh) trong Nền tảng Quản lý tổng thể doanh nghiệp 1Office được ông Thắng dẫn làm minh chứng cho sự sáng tạo, đột phá, dám làm việc người khác chưa làm.
Trên thị trường đã có khá nhiều giải pháp RPA (Robotic Process Automation – Tự động hóa quy trình bằng robot), nhưng mỗi giải pháp thường chỉ thực hiện những nhiệm vụ đơn lẻ, chẳng hạn như nhập liệu, lên kịch bản bán hàng…
Trong khi đó, BPA của 1Office có khả năng tự động hóa toàn bộ quy trình của doanh nghiệp, tích hợp các công cụ để giải “bài toán” quản trị doanh nghiệp một cách vừa tổng thể vừa tinh gọn, chẳng hạn, nhúng kịch bản bán hàng vào khâu xử lý đơn hàng hoặc các nghiệp vụ tài chính – kế toán…
“Trong số hơn 6.000 khách hàng của 1Office (gần 20% là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam), có tới 80% đang sử dụng phân hệ BPA. Xét riêng mảng tự động hóa quy trình doanh nghiệp, chúng tôi đang có ưu thế về tính năng công nghệ so với cả đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế chứ không chỉ ở Việt Nam. Tôi muốn 1Office trở thành một môi trường làm việc trực tuyến phổ biến cho doanh nghiệp. Khi đến công ty, mỗi nhân viên chỉ cần bật 1Office lên là có thể triển khai mọi công việc cần phải làm”, ông Thắng hào hứng khoe.
Ngày 20/8/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận 1Office là nền tảng chuyển đổi số quốc gia đầu tiên tại Việt Nam.
Tháng 5/2023, 1Office như “hổ mọc thêm cánh” khi huy động thành công hàng triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ nhà đầu tư Mynavi (doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản về cung cấp dịch vụ nhân sự). Nền tảng của startup Việt được định giá tới hàng chục triệu USD.
“Làm giải pháp B2B đòi hỏi đầu tư khá lớn, tối thiểu cũng phải 100 – 200 tỷ đồng. Những “người chơi” mới rất khó gia nhập thị trường. Gọi vốn là hoạt động nằm trong lộ trình khởi nghiệp của chúng tôi, chủ yếu để tăng giá trị công ty chứ không nhằm mục tiêu “đốt tiền”. Nhờ nguồn vốn đầu tư từ Mynavi, chúng tôi thu hút thêm được một số người giỏi; hoạt động của 1Office chỉn chu, chuyên nghiệp hơn rất nhiều, trở thành doanh nghiệp tiệm cận về mặt quản trị quốc tế, kiểm toán bằng Big4 (4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới). Nhà đầu tư Nhật Bản đã mất hơn 8 tháng để xem xét kỹ lưỡng các hoạt động của 1Office, từ mô hình kinh doanh đến pháp chế, tài chính, công nghệ, văn hóa doanh nghiệp… Việc gọi được vốn từ Mynavi giúp 1Office tăng uy tín, qua đó có thể tiếp cận nhiều khách hàng lớn hơn”, ông Thắng cho biết, đồng thời thông tin thêm: “Hiện chúng tôi đang tiếp xúc với khá nhiều quỹ đầu tư khác, thời gian tới sẽ tiếp tục gọi vốn từ các nhà đầu tư ở Mỹ và châu Âu”.
“Làm giải pháp phần mềm B2B (dành cho doanh nghiệp) thì đam mê là điều kiện cần và kiên trì là điều kiện đủ, khác với làm ứng dụng nhỏ lẻ B2C (dành cho người dùng cá nhân). Thị trường bây giờ có những mô hình làm giàu nhanh nhưng tính bền vững và giá trị mang lại cho xã hội sẽ không bằng làm giải pháp phần mềm. Sau gần chục năm kể từ ngày khởi nghiệp, đến giờ, giải pháp phần mềm cho doanh nghiệp vẫn luôn là tâm huyết của tôi”, CEO 1Office trải lòng.
Thời điểm hiện tại, 1Office cùng với Base và AMIS đang tạo “thế chân vạc” chiếm lĩnh thị trường giải pháp phần mềm quản trị doanh nghiệp trong nước.
Số lượng người dùng của 1Office đang thuộc hạng đứng đầu thị trường với gần 500.000 người, trong đó, khoảng 300.000 người dùng trả phí (mức phí cao nhất khoảng 150.000 đồng/người/tháng, thấp nhất khoảng 20.000 đồng/người/tháng).
Tư vấn thiết kế xây dựng là ngành có số doanh nghiệp dùng 1Office nhiều nhất. Ngành bán lẻ (ẩm thực, công nghệ, may mặc…) có số lượng người dùng lớn nhất. Khách hàng có số lượng người dùng nhiều nhất là hơn 6.000 người.
“Với nền móng khá vững ở thị trường Việt Nam, dự kiến tháng 6/2025, 1Office sẽ ra mắt phiên bản Global bằng tiếng Anh, là một hệ thống “No-code, Low-code” (không mã code, ít đòi hỏi về kỹ năng lập trình, người dùng có thể tự kéo thả để sử dụng được phần mềm) cho thị trường nước ngoài. Những vấn đề bất cập trong phiên bản phục vụ thị trường trong nước sẽ được giải quyết và không lặp lại ở bản Global”, CEO Lê Việt Thắng tiết lộ với chúng tôi.
Thị trường quốc tế sẽ có nhiều “bài toán khó”: Đối thủ lớn hơn rất nhiều; Thị trường khó tính hơn rất nhiều; Yêu cầu về sản phẩm cao hơn rất nhiều...
“Chúng tôi muốn trở thành “kẻ phá bĩnh” trong thị trường SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) đầy cạnh tranh. Chúng tôi muốn hướng tới tập khách hàng muốn tìm tòi trải nghiệm mới, tăng khả năng tự phục vụ của người dùng. Lợi thế cạnh tranh của 1Office là chi phí giá vốn để làm giải pháp phần mềm tại Việt Nam thấp hơn nhiều thị trường khác. Thế giới vẫn còn rất nhiều cơ hội để chúng tôi phát triển, mở rộng thị trường và tăng trưởng doanh thu”, ông Thắng phân tích.
Định hướng “Go Global” (vươn ra thị trường thế giới) thực ra đã có ngay từ khi CEO 1Office bắt đầu khởi nghiệp, bởi ông sớm nhận thấy, ra nước ngoài sẽ ngoài đông khách hàng hơn, giá bán cao hơn đồng nghĩa doanh thu lớn hơn, phần mềm lại là thứ dễ Global, ngồi một chỗ cũng có thể bán khắp thế giới.
“Doanh thu của 1Office đã đạt gần 100 tỷ đồng/năm. Theo đánh giá của chúng tôi, tại thị trường Việt, doanh thu của 1Office chỉ tăng đến khoảng 300 tỷ đồng/năm thì đà tăng trưởng bắt đầu đi ngang. Tôi dự tính khi doanh thu đạt 10 tỷ đồng/tháng thì sẽ chuyển giao cho người khác quản lý hoạt động kinh doanh trong nước, còn mình sẽ tập trung vào mảng thị trường nước ngoài. Chúng tôi sẽ tìm kiếm cơ hội ở những thị trường gần mình trước, chẳng hạn như Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan… Cứ vừa đi vừa nghe ngóng và mở đường thôi”, ông Thắng bộc bạch.
Để tăng năng lực cạnh tranh khi ra thế giới, bên cạnh đội ngũ kỹ sư chất lượng cao, nhiều “anh tài” Top đầu trong nước về lập trình, CEO Lê Việt Thắng sẵn sàng “chiêu mộ” thêm chuyên gia ngoại quốc với mức lương khoảng 5.000 USD/tháng; huy động đầu tư khoảng 5 triệu USD để hoàn thiện phiên bản Global.
Ông Thắng hình dung về 1Office trong tương lai: Với thị trường trong nước, năm 2025 đạt doanh thu khoảng 5 – 6 triệu USD/năm, và năm 2030 đạt khoảng 20 triệu USD/năm, giữ vị trí số 1 Việt Nam về phần mềm quản trị doanh nghiệp. Với thị trường nước ngoài, năm 2025 sẽ có những đồng đô la đầu tiên, và đến 2030 phấn đấu doanh thu sẽ mang về Việt Nam khoảng 50 triệu USD/năm, có tên trong Top 3 khu vực Đông Nam Á.
“Ở thị trường trong nước, 1Office mất khoảng 10 năm từ khi ra mắt bản thương mại đầu tiên đến lúc đạt doanh thu 300 tỷ đồng. Nhưng nếu ra thị trường quốc tế mà ổn thì chỉ khoảng 3 năm sẽ đạt mức doanh thu như vậy”, ông Thắng tự tin.