Bối rối tìm “lời giải”
“Bên tôi muốn làm thủ tục thành lập chi nhánh công ty bên Hàn Quốc nhưng đang khá vướng. Đối với hoạt động thành lập chi nhánh có vốn từ Việt Nam chuyển sang nước ngoài, pháp luật của Việt Nam quy định một kiểu, trong khi quy định thủ tục bên Hàn Quốc lại yêu cầu kiểu khác. Chúng tôi đang phải loay hoay hỏi một số luật sư cách làm, rất muốn được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) hỗ trợ gỡ vướng”, đại diện một doanh nghiệp công nghệ số phản ánh tại buổi Gặp gỡ hội viên VINASA đầu Xuân 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Kết nối toàn cầu” vừa diễn ra mới đây ở Hà Nội.
“Sau khi VINASA khởi động hoạt động phát triển kinh tế xanh, chúng tôi đã gặp một số đối tác nước ngoài xem có hợp tác được gì không. Có một doanh nghiệp Nhật Bản làm ra chứng chỉ ESG (viết tắt của Environmental – Môi trường, Social – Xã hội, và Governance – Quản trị; là bộ tiêu chuẩn để đánh giá các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững của doanh nghiệp) đã được chấp nhận bên Nhật Bản. Nhưng khi chúng tôi định áp dụng các quy chuẩn của Nhật Bản sang Việt Nam thì hoàn toàn không được. Ví dụ, cách tính năng lượng tiêu tốn và khí thải tạo ra khi sản xuất một lượng điện nhất định của Nhật Bản khác của Việt Nam. VINASA cần xây dựng quy chuẩn rõ ràng, rành mạnh, giúp các doanh nghiệp Việt đạt được chứng chỉ ESG dễ dàng hơn”, đại diện doanh nghiệp khác khuyến nghị.
Có thể thấy, không ít doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang vấp phải “bài toán khó” khi tìm kiếm cơ hội mới tại thị trường ngoại, và bản thân doanh nghiệp khó có thể tự tìm ra “lời giải”.
Một số lãnh đạo VINASA vừa mang tới tia hy vọng cho các doanh nghiệp đang bối rối trước khó khăn.
Đối với doanh nghiệp muốn lập chi nhánh bên Hàn Quốc, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA khẳng định: “VINASA sẽ giúp các bạn giải quyết vướng mắc. Nếu cần thì chúng tôi sẽ kết nối nhờ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn”.
Với doanh nghiệp cần hỗ trợ về chứng chỉ ESG, ông An Ngọc Thao, Phó Tổng Thư ký VINASA thông tin: “Trên thế giới, hầu hết các bộ tiêu chuẩn ESG đều do doanh nghiệp xây dựng, chưa có cơ quan nhà nước/chính phủ nào chính thức đưa ra. Bên Singapore, châu Âu… cũng có một vài đơn vị/doanh nghiệp làm. Chúng ta có thể học hỏi. Thời gian tới, VINASA sẽ hợp tác cùng một số đơn vị đưa ra bộ tiêu chuẩn ESG. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới. Rất mong các tổ chức/doanh nghiệp cùng chung tay làm với VINASA. Nếu chỉ trông chờ đội ngũ chuyên gia VINASA thì e rằng thiếu nguồn lực”.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA lưu ý: ESG - chuyển đổi xanh là một vấn đề mới, một thị trường mới mà các doanh nghiệp hội viên VINASA cần có nhận thức đầy đủ, chuyển dịch nhanh chóng, không chỉ chuyển đổi xanh cho bản thân doanh nghiệp mình mà tư vấn chuyển đổi cho cả khách hàng, đối tác nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu.
Bà Giang cũng cho biết, hỗ trợ hội viên mở rộng thị trường quốc tế là việc làm thường xuyên nhiều năm nay của VINASA.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, VINASA tổ chức 13 đoàn xúc tiến thương mại quốc tế tới 11 nền kinh tế khác nhau, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tham gia các triển lãm, hội nghị, và giải thưởng quốc tế (điển hình như ASOCIO và APICTA); 116 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ hiệu quả trên hành trình “Go Global” (đi ra thế giới).
Xu hướng công ty nhỏ liên minh ra thế giới
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có tới 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài, có doanh thu từ nước ngoài; tổng doanh thu năm 2023 đạt 7,5 tỷ USD (trong đó 1 tỷ USD của FPT).
Ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chuyển hoạt động từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính.
“Không ít doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam muốn kinh doanh xuất khẩu nhưng khi ra nước ngoài “thân cô thế cô” không thâm nhập được thị trường, rất muốn có thêm nhiều bạn đồng hành cùng nhau đi ra thế giới”, Tân Phó Chủ tịch VINASA Lâm Quang Nam nêu thực trạng, đồng thời đề xuất giải pháp: “Nhiều công ty nhỏ với các thế mạnh khác nhau có thể liên minh với nhau tạo thành công ty tầm trung để ra nước ngoài dễ dàng hơn”.
Ông Nam cho hay, trước đây, ở Việt Nam cũng có một số tổ chức liên minh kiểu như vậy, chẳng hạn: Câu lạc bộ 192 của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm do ông Thành Nam thành lập; Câu lạc bộ HighTech của Hội Tin học Việt Nam (VAIP) do CMC chủ trì; Vietnam Software Outsourcing Club (Câu lạc bộ Gia công phần mềm Việt Nam)…
“Sắp tới, tại Nhật, một nhóm gồm 4 công ty gia công phần mềm Việt Nam cùng tổ chức cuộc họp để giới thiệu mình với khách hàng tiềm năng. Hình thức liên minh như vậy giúp các công ty nhỏ tạo tiềm lực mạnh hơn, tăng khả năng thuyết phục khách hàng quốc tế”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa, liên minh các doanh nghiệp nhỏ không phải ý tưởng điên cuồng hay mơ mộng, mà thực tế đang diễn ra trên thị trường quốc tế khi các hãng lớn trên thế giới có xu hướng Vendor consolidation (hợp nhất các nhà cung cấp). Một hãng công nghiệp ô tô của Mỹ trước đây có tới 200 nhà cung cấp phần mềm, sau rút xuống chỉ còn 5 nhà cung cấp. Họ lên danh sách, trong đó chỉ giữ lại 3 “ông lớn”: Accenture, Infosys, IBM. Các doanh nghiệp khác phải gộp với nhau để nắm các suất còn lại.
Cũng theo ông Khoa, trên thế giới đang có khá nhiều bài toán hay mà doanh nghiệp công nghệ số Việt có tiềm năng tìm ra lời giải. Ví dụ như: Hệ thống cho thuê xe ô tô có thể kiểm soát được xe ở cả những vị trí tầng hầm không có GPS, sóng wifi chập chờn; Hệ thống kiểm định chất lượng ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) kiểm tra xem các con ốc của xe ô tô đã bắt đúng vị trí, đúng kích thước hay chưa, cường độ vặn ốc đúng yêu cầu hay chưa…
“Vừa rồi đi Đài Loan (Trung Quốc), chúng tôi phát hiện ra một doanh nghiệp chỉ có 60 người mà doanh thu đạt tới 300 triệu USD/năm chỉ bằng việc tạo AI riêng cho các hãng/doanh nghiệp lớn”, ông Khoa mách thêm một hướng đi mới cho các hội viên VINASA.
Khẳng định rất nhiều cơ hội kinh doanh quốc tế đang chờ đón doanh nghiệp Việt, Chủ tịch Nguyễn Văn Khoa cho biết, VINASA sẽ cố gắng thu thập những “bài toán” hay của thế giới gửi cho các doanh nghiệp hội viên tham khảo.
“Nếu chúng ta cứ mãi “quanh quẩn trong nhà”, chỉ làm phần mềm cho người Việt Nam, thì sẽ khó lớn được”, ông Khoa khuyến cáo.
Gợi ý thị trường doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nên nhắm tới, Chủ tịch Nguyễn Văn Khoa đánh giá cao Nhật Bản, còn Hàn Quốc sẽ khó tiếp cận hơn, bởi các tổ chức/doanh nghiệp Hàn Quốc chỉ làm việc với một vài Chaebol (tập đoàn gia đình) của họ. Doanh nghiệp Việt không được chọn làm đối tác chính mà phải làm thầu phụ cho Samsung, Hyundai, LG…
“Nhưng không sao hết, làm thầu phụ rồi một ngày chúng ta cũng sẽ có thể bước lên “mâm chính”. FPT cũng vậy, trước đây chỉ ký được hợp đồng mấy trăm ngàn USD, dần dần đạt hợp đồng vài triệu USD, rồi đến ngày hàng trăm triệu USD. FPT đã thắng gói thầu 100 triệu USD cho 3 năm 2020 – 2022, chuẩn bị có gói thầu trị giá 313 triệu USD cho 3 năm tiếp theo”, Chủ tịch VINASA khích lệ tinh thần doanh nghiệp công nghệ số Việt.
Trước khi kết thúc buổi gặp gỡ hội viên VINASA, Chủ tịch Nguyễn Văn Khoa lưu ý thêm về trường hợp khó đưa chuyên gia Việt Nam sang nước ngoài vì quy định của nước sở tại giới hạn lực lượng lao động nước ngoài: “Đối tác ở nước ngoài rất cần chuyên gia Việt nhưng quy định của nước họ chỉ cho phép doanh nghiệp mới thành lập của nước ngoài được sử dụng tối đa 20% lực lượng lao động là người nước ngoài, còn 80% phải dùng người bản địa. Trong khi hiện tại, số lượng người bản địa không có nhiều, nên đối tác nước ngoài cũng muốn sửa quy định cho phù hợp yêu cầu thực tiễn”.
Nghiên cứu lại những hiệp định hợp tác toàn diện đã ký trước đây ở ASEAN và một số nước thì thấy toàn nông sản, thủy sản…, không có lĩnh vực công nghệ.
“Trong năm nay, dự kiến Việt Nam sẽ ký tiếp một số hiệp định hợp tác với một số quốc gia khác. VINASA sẽ góp ý để đưa vào một số quy định như tăng số lượng lao động chất lượng cao… Thời gian tới, lãnh đạo VINASA sẽ tập trung nhiều vào việc tạo ra các chính sách, hành lang pháp lý giúp doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội khi đi ra nước ngoài”, Chủ tịch VINASA cam kết.
VINASA vừa thực hiện khảo sát nhanh trên 40 doanh nghiệp hội viên có hoạt động xuất khẩu, kết quả cho thấy: Hầu hết tăng trưởng doanh thu từ 15 – 80%; 73,9% doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu cả trong và ngoài nước; 12% giữ nguyên doanh thu như năm trước; 14,1% giảm doanh thu. Thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chủ yếu tập trung ở Nhật Bản, đang tiếp tục mở rộng sang Hàn Quốc, Mỹ và các nước EU... |