Mới đây, Bệnh viện 1A (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân N.T.T (40 tuổi, quận 6) đến khám vì đau buốt vùng vai cổ. Theo chia sẻ của bệnh nhân, chị cảm thấy tức ngực khó thở liên tục vào ban ngày, mệt mỏi, giấc ngủ không sâu, thường xuyên thức giấc. Tình trạng kéo dài hơn 3 tháng qua.
Chị T. lo ngại mình bị hội chứng hậu Covid-19 nên đi khám các chuyên khoa liên quan. Thế nhưng, kết quả chụp X-quang phổi không ghi nhận tổn thương, bệnh nhân không ho, không bị hen suyễn.
Tự tìm hiểu triệu chứng, chị T. mua thuốc giảm viêm, giảm đau để uống. Cứ ngưng thuốc, cơn đau lại ập đến. Đến khi đau buốt vượt quá sức chịu đựng, chị mới tìm đến Bệnh viện 1A (chuyên về chỉnh hình và phục hồi chức năng).
Quan sát dáng ngồi, dáng đi và khám lâm sàng, bác sĩ phát hiện chị T. bị hội chứng mất cân bằng cơ thân trên (còn gọi là hội chứng chéo trên). Tại đây, mỗi ngày chị T. được hiện các quy trình hiệu chỉnh cơ xương khớp để khắc phục tình trạng co rút cơ.
Khoảng 1 tuần sau, chị T. không còn đau vai gáy, hết tức ngực khó thở… Sau 3 tuần điều trị, hình ảnh chụp trên lâm sàng cho thấy lưng bớt gù, X-quang cột sống cổ lấy lại đường cong sinh lý bình thường. Về mặt thẩm mỹ, vai bệnh nhân bớt xệ, đầu và cổ không còn nhô ra phía trước.
Tương tự, chị K.D (Bình Dương) cũng phải đi khám khắp nơi vì bệnh vai gáy. Ban đầu, chị chịu đựng những cơn đau thoáng qua, tự mua thuốc uống. Dần dần, cơn đau nặng nề đến mức chị D. không thể đưa tay lên chải tóc.
Sau một vài bài tập do bác sĩ hướng dẫn, chị D. cải thiện chức năng vai gáy đáng kể mà không cần kê thuốc điều trị. “Công việc của tôi gắn liền với máy tính, bệnh đau nhức này không thể tránh khỏi. Nhưng tôi không nghĩ đau và mệt mỏi như vậy”, chị nói.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Anh, Trưởng đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp và Y học thể thao, Bệnh viện 1A, ngày càng nhiều nhân viên văn phòng và người trẻ đối mặt với các vấn đề sức khỏe. Trong đó, các bệnh lý cơ xương khớp, chiếm trên 70%.
Mức độ nghiêm trọng cũng gia tăng do công việc của con người ngày càng liên quan nhiều tới máy vi tính, điện thoại thông minh, công việc văn phòng. Vì thế, thập niên 2010 - 2020 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn là “Thập niên bệnh cơ xương và khớp”.
Bác sĩ Quang Anh cho hay, triệu chứng ban đầu của bệnh cơ xương khớp chỉ tác động rất nhỏ đến sinh hoạt, cuộc sống của mỗi người rồi tăng dần. Ví dụ, từ triệu chứng cứng cổ dẫn tới những biểu hiện nặng hơn như đau cổ và lưng, đau tê lan xuống cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân.
“Chứng đau cơ xương khớp kéo dài có thể dẫn đến thoái hóa khớp, cột sống, lệch vẹo cơ xương khớp, ảnh hưởng đến chức năng vận động, hô hấp, tiêu hóa, dáng vóc mất thẩm mỹ nếu không được điều trị”, bác sĩ Quang Anh nói.
Mỗi tháng, Bệnh viện 1A tiếp nhận gần 5.000 bệnh nhân. Mỗi ngày, có trên 150 ca liên quan các bệnh lý về cơ xương khớp. Nhiều ca bệnh lệch vẹo cơ xương khớp cơ học đã diễn tiến thành mạn tính, chèn ép các dây thần kinh. Nguyên nhân chủ yếu do trước đó đã điều trị thuốc giảm đau, giảm viêm, giãn cơ nhiều đợt trong thời gian dài, dẫn đến ảnh hưởng các chức năng vận động, sinh hoạt hàng ngày.
Sự mất cân đối giữa các cơ và sự vận động sai lệch của nhiều khớp gây biến dạng khung xương. Hậu quả là thay đổi hình dáng gây mất thẩm mỹ như gù, vẹo cột sống, đầu lệch trục nhô trước, ngực hõm lép... Nếu không điều trị, có thể gây chèn ép và hạn chế chức năng hô hấp và các cơ quan tiêu hóa gây khó thở, mệt mỏi do thiếu oxy mạn tính hoặc tiêu hóa kém, táo bón, sình hơi.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện 1A, Trung tâm Hiệu chỉnh cơ xương khớp và y học thể thao sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10/10, phối hợp cùng bộ môn Y học thể thao, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ngoài chức năng điều trị, Trung tâm còn cung cấp các giải pháp phục hồi sức khỏe, kỹ thuật cao.