Những ngày giữa tháng 4, ở thủ đô Hà Nội, hàng chục cựu giáo chức Việt Nam tề tựu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III gặp mặt, ôn lại kỷ niệm xưa. Họ đều là những cán bộ đi B vào Nam theo diện của Bộ GD&ĐT, người trẻ nhất giờ đã 70, còn lại đều từ 80 đến 100 tuổi.
Cuộc gặp gỡ mỗi năm chỉ có một lần thêm xúc động khi một số cựu cán bộ nhận lại hồ sơ đi B gửi nhờ Nhà nước trông giữ cách đây gần nửa thế kỷ. Nhìn những tờ đơn xung phong, giấy quyết định ố nâu, cuốn nhật ký nhỏ đã sờn màu… họ bồi hồi, xúc động khi bắt gặp lại hình ảnh chính mình thời trẻ hào hùng, nhiệt huyết.
Đi B có 2 nhóm đối tượng. Một là cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève năm 1954, sau đó tham gia lao động sản xuất trên miền Bắc và được bí mật đưa trở vào miền Nam công tác. Hai là một số cán bộ dân sự người miền Bắc được cử vào Nam.
Với lớp người đi B từ Bắc vào Nam, lộ trình được giữ bí mật tuyệt đối. Người tình nguyện đi B lặng lẽ rời đơn vị công tác và đến những địa chỉ bí mật.
Ông Nguyễn Đức Châu (90 tuổi, quận Tây Hồ) đi B khi còn đang công tác tại Sở GD&ĐT TP Hải Phòng. “Năm tôi đi là đợt thứ hai, chúng tôi lên Hà Nội tập trung tại trụ sở Bộ GD&ĐT, được nghe thứ trưởng phổ biến, quán triệt tinh thần đi B. Ai cũng hào hứng vì chúng tôi muốn góp một phần sức lực của mình vào công cuộc giải phóng miền Nam”, ông Châu nhớ lại.
Những giáo viên đi B thường tập trung ở Hòa Bình để tham gia đợt huấn luyện. Năm 1964 khi giặc đã ngừng ném bom ở Hà Nội, Ủy ban Thống nhất cho giáo viên tập luyện ở trường bổ túc Công nông trong khoảng 2-3 tháng.
Tất cả những tài liệu thuộc về tổ chức, nhân sự như lý lịch Đảng, lý lịch cán bộ, huân huy chương, ảnh, nhật ký, thư từ, sổ tiết kiệm... đều được gửi lại tại Ủy ban Thống nhất rồi được Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước tiếp nhận, gìn giữ. Những cán bộ này chỉ được mang theo những vật dụng thiết yếu do Ủy ban Thống nhất cấp phát.
Sau thời gian tập luyện, đoàn giáo viên hành quân đến Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh). Suốt 3 tháng đi sâu trong rừng trên con đường Trường Sơn, chỉ ăn cơm nắm, uống nước suối. Lúc đó, những giáo viên như ông Châu thèm nghe một tiếng gà gáy, tiếng học sinh nô đùa, thèm nhìn thấy bóng hình một ngôi trường….
Ông Châu nhớ lại nỗi buồn khó quên khi vừa đặt chân đến miền Nam: “Đến Trung ương Cục, chúng tôi được các chiến sĩ tiếp đón niềm nở như người nhà, nhưng niềm vui chưa bao lâu thì chuyện buồn đã tới. Anh Nguyễn Đức Châu – giáo viên cùng đoàn- hy sinh ngay ngày hôm sau bởi bom napan. Tôi nhớ lúc đó tiếng máy bay tới, anh Châu đã xuống hầm thì nhớ ra balo chứa nhiều kỷ vật nên đã chui lên để lấy, vừa lên tới cửa hầm thì đúng lúc bom napan rơi trúng. Anh bị thương nặng, chúng tôi tập trung lại, khiêng anh đến quân y”.
Mùi phốt pho từ vết thương, rồi nước vàng từ vết bỏng chảy ra, anh chỉ còn kịp nói một câu “Mỹ ơi mày ác quá!” rồi qua đời.
Ông Nguyễn Đức Châu bùi ngùi khi vẫn không làm sao quên được cảm giác cùng các đồng nghiệp đào hố chôn thầy giáo Châu hy sinh. “Thật tình cờ anh ấy còn cùng tên, cùng họ với tôi. Anh Châu làm giáo viên ở trường Sư phạm Hải Phòng, còn tôi làm công tác chuyên môn ở sở. Một người vừa thoát chết, một người thì đã nằm mãi nơi chiến trường”, ông Châu chia sẻ.
Đất Tây Ninh sét pha cát, rắn như đá, đào mãi mới được khoảng 60cm, đành lòng chôn đồng đội rồi tiếp tục nhiệm vụ. Ông Châu kể: “Ở gần mộ, chúng tôi còn khắc trên cây mấy dòng chữ về anh nhưng sau hòa bình gia đình anh đi vào tìm thì không còn một dấu tích nào của ngôi mộ năm xưa”.
Giống như thầy giáo Nguyễn Đức Châu, nhiều thầy cô khác cũng hy sinh khi bị địch phục kích trên đường đi công tác… Trên tấm bia tưởng niệm các nhà giáo liệt sỹ đặt tại Tây Ninh khắc tên của 600 nhà giáo, trong đó có 111 nhà giáo từ miền Bắc vào.
Năm 1969, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, ông Nguyễn Đức Châu được phân công làm Trưởng ty giáo dục đầu tiên của Mỹ Tho.
Tuy là nhà giáo, vũ khí là cây bút nhưng mỗi giáo viên đều xác định rõ vào chiến trường làm nhiệm vụ của người lính xung trận. Dù biết cái chết luôn cận kề, sự hy sinh, gian khổ là điều không thể tránh khỏi nhưng không một ai đắn đo.
Mặc bộ quần áo nâu, ông Nguyễn Hải Bật từ tốn bước vào phòng họp, đây là lần đầu tiên ông đến cuộc gặp mặt, sau nhiều năm mất liên lạc cơ duyên đến sau khi người thân và đồng nghiệp cũ liên hệ được với Hội Cựu giáo chức Việt Nam. Ông Bật không ngờ rằng sau hàng chục năm hồ sơ, giấy tờ của mình vẫn còn và đang được lưu giữ cẩn thận.
Ông Bật từng học tại trường thiếu sinh quân tại Trung Quốc đến năm 1958, về nước theo học trường Chu Văn An, sau đó ông học môn Sinh vật khóa 25 tại Đại học Sư phạm Hà Nội.
Năm 1962, ông được phân về dạy học ở Thái Bình, về làm chủ nhiệm lớp 8C trường Tiền Hải. Gia đình truyền thống theo quân đội, có anh cả là quyết tử quân bảo vệ thủ đô nên dù làm giáo viên nhưng ông Bật luôn có tâm nguyện được đi bộ đội, vào chiến trường.
Năm 1965 khi Bộ GD&ĐT có chủ trương triệu tập một số cán bộ, giáo viên đi B, ông Bật đã làm đơn xung phong ngay. “Hồi đó thanh niên chúng tôi hăng lắm, có anh xung phong còn cắn đầu ngón tay chảy máu điểm vào lá đơn. Ai cũng ra đi với tâm thế sẵn sàng, thậm chí có thể hy sinh bất cứ lúc nào”, ông Bật nhớ lại.
Vào vùng chiến sự, ông Bật cùng một đồng đội khác là ông Nguyễn Thịnh được phân công làm phóng viên.
Ông không thể quên sao được những ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vai mang súng, ba lô trên lưng vượt qua bao gió núi, mưa ngàn, vượt qua cả những cơn sốt rét ác tính, đói rét giữa đại ngàn để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ngồi cạnh người bạn già – người đồng nghiệp từng đi B, ông Bật cùng ông Nguyễn Thịnh thủ thỉ trò chuyện với nhau. Ít ai biết trong thời gian đi B họ là những người bạn vào sinh ra tử.
“Nhớ lại thời đi B nhiều kỷ niệm, anh Thịnh từng bị sốt rét ác tính không ăn uống được gì, miệng ngậm chặt, tôi phải dùng dao găm cạy miệng để đổ cháo cho anh”, ông Bật kể lại. Hay có lần đồng đội bị thương ông Bật đã cõng từ Hóc Môn, Củ Chi, Trảng Bàng về đến Tây Ninh để cứu chữa.
Tập hồ sơ của ông Bật thật giản dị, chỉ là lý lịch cán bộ đi B. Chỉ vậy thôi, nhưng đó mãi là hành trang chân thực nhất về một thời thanh xuân, về những năm tháng gian khổ, hào hùng đẹp đẽ giàu ý nghĩa của tuổi trẻ.
Cầm tập hồ sơ cũ trên tay, ông Bật xúc động: “Năm 1975 khi tổng tiến công Sài Gòn, toàn bộ giấy tờ của tôi mất hết, ảnh chụp gia đình rồi thẻ đoàn viên đều bị bom đạn làm cho thất lạc, đến nay khi được đồng đội kết nối tôi vẫn còn giấy tờ được lưu trữ thì tôi rất cảm động”.
Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B có ý nghĩa, giá trị hết sức to lớn không chỉ lưu lại những thông tin cá nhân và quá trình phấn đấu của các cán bộ đi B mà còn là một nguồn tài liệu độc đáo, đa dạng, nguồn sử liệu vô giá minh chứng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc gắn với số phận của hàng vạn con người trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt, gia đình bị chia rẽ, ly tán.
Thiết kế: Minh Hòa
Tư liệu: Trung tâm lưu trữ quốc gia III
Nữ anh hùng lái máy xúc duy nhất ở Việt Nam, ‘cánh mày râu’ phải nể
Cô gái ‘hái bom’ trong đại đội anh hùng và hai lần được truy điệu sống
Cung đường Trường Sơn chi viện cho miền Nam với “mưa bom, bão đạn” in dấu nhiều chiến công vẻ vang của lực lượng thanh niên xung phong. Đại đội C759 hiên ngang, kiên cường bám trụ mở đường năm xưa gợi nhớ về một thời oanh liệt, vẻ vang.