LỜI TOÀ SOẠN

Nếu như lực lượng công an điều tra thường xuyên được nhắc tên trong mỗi vụ án thì những người làm kỹ thuật hình sự được ví như người hùng thầm lặng ở phía sau. Họ là những người miệt mài ở hậu trường với những tử thi, mẫu vật, tài liệu… để hỗ trợ cơ quan điều tra phá án. 

Công việc của họ là gì? Cảm xúc, tâm lý của các chiến sĩ công an ở hậu trường như thế nào khi tiếp xúc với những vụ án gây rúng động? VietNamNet giới thiệu tuyến bài Nghề Kỹ thuật hình sự qua chia sẻ của các cán bộ Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).

Bài 1: Nghề khám nghiệm hiện trường: Những phát hiện 'rợn tóc gáy'

Bài 2: Đâm chết người đi đường, tài xế tự thú nhưng bất ngờ thành vô tội nhờ bàn tay 'phép màu

 

Lục lại ký ức về những vụ án mình từng tham gia tìm thủ phạm suốt 19 năm qua, Trung tá Đỗ Lập Hiếu cho biết, có rất nhiều trường hợp cho thấy vai trò quan trọng của bộ phận pháp y. 

Nhưng vụ khiến ông và các đồng đội nhớ nhất khi được đóng góp trí lực trong công tác phá án là vụ thảm sát ở Uông Bí, Quảng Ninh vào năm 2016 - khi ông đang là Đại uý. 

Nhận được tin báo của Công an tỉnh về một vụ án khiến 4 người thiệt mạng, đội công tác của Viện Khoa học hình sự ngay lập tức lên đường. 

Họ là những người đầu tiên được bước chân vào hiện trường. Hình ảnh 4 bà cháu nằm trong căn bếp với nhiều vết đâm chém trên người khiến cả đội đều hình dung được mức độ nghiêm trọng của vụ án. Ai cũng hiểu rằng cần tìm ra thủ phạm sớm nhất có thể, để làm yên lòng người nhà nạn nhân cũng như dư luận. 

“Suốt 9 tiếng đồng hồ, đội pháp y gồm 4 người khám nghiệm tử thi ngay tại hiện trường. Chúng tôi làm việc từ trưa đến 2h sáng mới xong, không kịp ăn uống gì”. 

Sau khi xong việc, một cán bộ sang nói: “Mời các anh sang ăn cơm, có người đang đợi”. 

“Chúng tôi cũng không biết ai đợi mình trong kia và cũng không để ý nhiều. Hoá ra, người đợi chúng tôi là Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương lúc ấy đã trực tiếp xuống hiện trường để nắm bắt và chỉ đạo vụ án. Thủ trưởng đứng cạnh quan sát chúng tôi làm việc mà chúng tôi không hề hay biết.

Lúc ăn cơm, Thủ trưởng khen chúng tôi: ‘Làm được’. Ăn xong mới là lúc ‘cân não’. Đội pháp y bị Thủ trưởng ‘vặn hỏi’ tơi bời, mà nếu không làm kỹ, không làm tốt thì không thể trả lời được”.

Có mặt bên bàn họp án sau đó còn có Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, người được mệnh danh là “khắc tinh” của tội phạm.

“Lúc ấy, tôi mới được giao chỉ huy đội pháp y phụ trách vụ án này”.

Trên bàn họp án, Thượng tướng Lê Quý Vương quay sang Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đề nghị nhận định về vụ án. Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến khi ấy khẳng định: “Phải có từ 2 thủ phạm trở lên”. 

Nghe Thiếu tướng Tiến đánh giá xong, Thượng tướng Vương quay sang bác sĩ Hiếu: “Đại diện C09 báo cáo tình hình khám nghiệm và cho ý kiến”. 

Bằng tất cả những đánh giá thu được từ việc khám nghiệm tử thi, Đại úy Hiếu đã đưa ra câu trả lời hoàn toàn khác: “Một người cũng có thể gây án được, nhưng bắt buộc phải gây ra ở 2 thời điểm khác nhau”.

Câu trả lời của đội pháp y khiến vị Thiếu tướng thoáng giật mình. 

“Thượng tướng Vương yêu cầu tôi đưa ra bằng chứng. Tôi nói, bằng chứng là thời gian chết - đó là dựa vào mức độ tiêu hoá thức ăn trong dạ dày của các nạn nhân. 

Với 2 cháu nhỏ là anh em ruột, thức ăn trong dạ dày cho thấy bữa ăn cuối cùng cách thời điểm tử vong 3-4 tiếng. Theo lời khai của một số nhân chứng, bữa ăn cuối cùng của họ vào khoảng 19-20h, như vậy thời điểm tử vong vào khoảng 23-24h. Còn với người bà và người cháu họ, thời điểm tử vong cách bữa ăn cuối cùng 6-7 tiếng, tức là khoảng 2-3h sáng. Với thời điểm và cơ chế gây chết như vậy, chúng tôi nhận định 1 người cũng có thể ra tay được”.

Sau khi nghe Đại úy Hiếu trình bày, Thượng tướng Lê Quý Vương đồng ý với suy đoán “ít nhất là 1 người” của bên pháp y. “Thượng tướng nói ‘tôi tin pháp y bởi họ dựa vào bằng chứng khoa học’”. 

“Thực ra trong lúc chúng tôi còn đang khám nghiệm, Thủ trưởng đã tung quân đi tìm và phát hiện một kẻ tình nghi. Kẻ này khi thấy công an ập vào đã chạy trốn. Câu hỏi ‘ít nhất bao nhiêu người’ của Thủ trưởng là để có hướng chỉ đạo cụ thể hơn”.

Trong khi truy bắt kẻ tình nghi, cơ quan điều tra cũng cho lục soát ngôi nhà để tìm hung khí có thể gây ra những vết thương chí mạng cho các nạn nhân. 

“Nhiệm vụ tiếp theo của chúng tôi là xác định xem con dao mà cơ quan điều tra đưa về có phù hợp để gây ra những vết thương trên cơ thể nạn nhân hay không”. 

Trong nhà nghi phạm có rất nhiều dao, chủ yếu ở dưới bếp, cơ quan điều tra đã đưa hết về hiện trường để đội pháp y giám định xác định hung khí, nhưng đều không phù hợp với vết thương. Vì thủ phạm đã có thời gian giấu hung khí, nên phải đến lần thứ 3 hung khí đúng mới được mang về. Cầm con dao được anh em tìm thấy dưới mái nhà, bác sĩ Hiếu nhận định “khả năng lớn đây là hung khí gây án”. 

Ngay trong đêm hôm đó, nhiều chuyến xe đã phải chạy đi chạy lại từ Uông Bí về Viện Khoa học hình sự để chuyển mẫu xét nghiệm. Đúng như dự đoán, con dao vẫn còn dính dấu máu của nạn nhân mặc dù đã được lau rửa sạch sẽ.

Sau này, khi hung thủ khai nhận, mọi chi tiết rất khớp với những nhận định của pháp y.

“Nói như vậy để thấy vai trò của pháp y vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ phá án. Có những nhận định mà chỉ pháp y mới có thể đưa ra chính xác nhất, bởi chúng tôi dựa trên dấu vết khoa học để lại trên tử thi”.

Sau vụ án đó, Trung tâm Giám định Pháp y được Thượng tướng Lê Quý Vương hết lời khen ngợi trước toàn lực lượng. Đó là một niềm vinh dự mà đến giờ các đơn vị khác trong Viện Khoa học hình sự vẫn còn nhắc lại với niềm tự hào thay cho những đồng nghiệp của mình. 

“Thượng tướng đã tặng chúng tôi mấy chữ mà anh em luôn coi là kim chỉ nam trong sự nghiệp: Cái đầu lạnh, trái tim nóng và đôi bàn tay khéo”.

Bác sĩ Đỗ Lập Hiếu chia sẻ, giám định pháp y giống như đi giải mã một câu đố. “Chúng tôi đặt ra mục tiêu cho công việc của mình: Đã mổ rồi là phải kết luận được nguyên nhân chết, chứ không thể nói chết chưa rõ nguyên nhân”.

Tuy nhiên, có những vụ án khiến giám định viên “bí”. 

“Lần đó, khoảng 2h sáng, chúng tôi nhận được trưng cầu của Công an tỉnh Hà Tĩnh đối với một tử thi mà bác sĩ pháp y của tỉnh không tìm được nguyên nhân chết”.

Đội pháp y xuất phát ngay, 6h sáng đã có mặt tại hiện trường. Sau nhiều giờ khám nghiệm, kết quả cũng giống như pháp y tỉnh. “Chúng tôi cũng không tìm được nguyên nhân tử vong”. 

“Thông thường có 2 trường hợp có thể gây tử vong, một là bệnh lý, hai là chấn thương. Nhưng ở ca này, nam thanh niên khoẻ mạnh không có tổn thương, sưng nề, bầm tụ hay chảy máu”.

Bối cảnh tử vong là trong một trận ẩu đả giữa 2 nhóm thanh niên ở 2 ngôi làng giáp ranh giữa 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Vụ ẩu đả không có hung khí. Khi 2 nhóm đang đánh nhau thì một người ngã lăn ra chết. Tất cả các nhân chứng đều khai chỉ lao vào nhau đấm đá. 

Lúc này, nhóm pháp y và cơ quan điều tra của tỉnh quyết định trở lại hiện trường thì thấy một chiếc áo trắng của nạn nhân. Trên áo có nhiều dấu giày, trong đó có nguyên một vết giày tròn trịa trên vị trí giữa ngực và bụng. 

“Chúng tôi lật lại tử thi, dùng đèn UV và các loại đèn chiếu khác xem có tổn thương ở vùng này hay không, thì thấy có vết bầm tím nhẹ mà mắt thường không thể nhìn thấy. 

Nghĩa là có tác động vào khu vực ngực - bụng, nơi có đám rối dương. Sau khi loại trừ tất cả những tổn thương khác trên cơ thể và các bệnh lý có thể gây ra cái chết, chúng tôi kết luận nạn nhân tử vong do phản xạ”.

Chỉ vào ngực mình, bác sĩ Hiếu nói: “Ở đây có một dây thần kinh số 10, chạy từ cổ xuống gần rốn. Nếu có một áp lực tác động đột ngột vào dây thần kinh này, nó sẽ dẫn truyền đến tim làm tim ngừng đập và nạn nhân chết vì ngừng tim. Lực tác động không nhất thiết phải quá mạnh, mà chỉ cần đột ngột.

Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng chúng tôi phải làm các vi thể hàng tháng sau mới ra được kết luận”.

Bác sĩ Đỗ Lập Hiếu chia sẻ, hiện tại ở Việt Nam có 3 lực lượng pháp y có vai trò ngang nhau trước pháp luật, đó là: Viện Pháp y quốc gia (Bộ Y tế), Viện Pháp y quân đội (Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) và Trung tâm Giám định pháp y (Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an). 

Bản thân ông rất tự hào khi mình là một bác sĩ pháp y của lực lượng công an. Ông lý giải: “Pháp y công an chúng tôi tự hào khi có kiến thức về hiện trường. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc hỗ trợ khám nghiệm tử thi”.

Ông nhớ lại một vụ án từng được dư luận quan tâm xảy ra ở thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An năm 2017.

Khi đến hiện trường, nhóm khám nghiệm thấy một phụ nữ ngoài 60 tuổi nằm dưới đất phủ chăn. Nửa trên thi thể không mặc áo. Hiện trường có hung khí, tủ bị cạy và nhiều dấu vết khác dẫn đến nghi vấn nạn nhân bị cướp, giết, hiếp. Cơ quan điều tra đã tạm thời xác định nghi phạm số 1. Thời điểm nạn nhân chết, anh này không có chứng cứ ngoại phạm.

Đội pháp y bắt tay ngay vào làm việc. 

“Đầu tiên, chúng tôi kiểm tra bộ phận sinh dục của nạn nhân xem có dấu hiệu bị xâm hại hay không. Kết quả là không có. Như vậy rất có thể không có hành vi cưỡng hiếp”.

Phát hiện đáng giá nhất khiến hướng điều tra vụ án thay đổi hoàn toàn, đó là một sợi tóc dài màu vàng ở vùng bụng của nạn nhân. Tóc nạn nhân màu đen, vì thế sợi tóc màu vàng có thể là của thủ phạm và nhiều khả năng là của phụ nữ. 

Sau khi đưa tất cả dữ liệu vào cuộc họp, cơ quan điều tra mới “giật mình” xem xét lại tất cả chứng cứ, phát hiện một số dấu vết để lại hiện trường là giả, nhằm đánh lạc hướng. Mục đích của vụ giết người chưa chắc đã là cướp, giết, hiếp. 

“Như báo chí đã đưa tin, về sau công an xác định cô cháu gái là người giết bà thím. Và đúng là cô ấy có bộ tóc dài, màu vàng, ADN khớp với sợi tóc thu được ở hiện trường”. 

Vụ án khép lại với sự đánh giá cao từ cơ quan điều tra cho chi tiết mà nhóm pháp y đã phát hiện ra, khiến định hướng phá án thay đổi hoàn toàn. Đó cũng là một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất mà Trung tá Hiếu cảm thấy chính nó đã giúp mình giữ được “lửa nghề” cho đến tận bây giờ. 

Ảnh: Nguyễn Thảo, NVCC

Thiết kế: Nguyễn Cúc

MỜI ĐỘC GIẢ ĐÓN ĐỌC PHẦN 4:

Ở nơi nét chữ, tàn tro cũng có thể “nói ra” sự thật vụ án rúng động

Chiếc vali bị đốt chỉ còn trơ lại khung sắt, vứt ở bãi đất hoang. Bên trong là thi thể của một nạn nhân đã cháy đen. Cùng với đó là những mẫu giấy bị đốt nhưng chưa tan thành tro, chỉ cần khẽ chạm là vỡ vụn. 

Mang mảnh giấy về Phòng Giám định tài liệu (Viện Khoa học hình sự), các giám định viên xác định chữ viết trên mảnh giấy là tiếng Hàn, trình độ đại học...