Ông Ngô Hoàng Hồ, Giám đốc khối tổng vụ - kinh doanh Công ty TNHH Việt Nam NOK (trụ sở tại Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ với PV.VietNamNet về sản xuất xanh ở doanh nghiệp và những yêu cầu mà khách hàng đối tác đặt ra với sản phẩm.
- Ở Việt Nam, chủ đề “Net Zero” hay “sản xuất xanh” đang được các doanh nghiệp quan tâm. Với NOK thì sao, thưa ông?
Ông Ngô Hoàng Hồ:
NOK là công ty con của Tập đoàn NOK (Nhật Bản). Từ năm 2021, tập đoàn đã có kế hoạch chuyển đổi sang sản xuất xanh cho tất cả các công ty con của mình trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đó chỉ là hành động để tiết kiệm chi phí sản xuất, thân thiện môi trường sống. Sau COP26 với những cam kết về phát thải khí nhà kính, quá trình chuyển đổi được đẩy mạnh, có kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn.
Tức là trước kia chỉ là kế hoạch khuyến khích hành động để tiết kiệm, không quá khắt khe, còn giờ là bắt buộc phải làm. Chúng tôi đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi từ năm 2021 đến nay. Bởi, mọi thứ đều không còn giống như trước nữa khi tất cả các doanh nghiệp, tất cả các khách hàng đều dựa trên cơ sở mục tiêu giảm phát thải, lấy đó làm mục tiêu trong kinh doanh.
Ở Việt Nam mọi thứ về Net Zero còn khá mới mẻ. Với NOK, kế hoạch thực hiện đã có từ lâu. Mục tiêu đến năm 2030, công ty sẽ giảm 30% lượng khí thải carbon và dần tiến tới trung hoà.
Theo đó, NOK thực hiện hàng loạt giải pháp trong sản xuất để hiện thực hoá mục tiêu này. Cụ thể, chúng tôi chuyển sang sử dụng nguồn điện tái tạo với lộ trình giai đoạn đầu chiếm 20% trong tổng nguồn năng lượng nhà máy cần dùng; những máy móc cũ sẽ được thay thế bằng thiết bị máy móc tiết kiệm điện; tăng tỷ lệ hữu dụng của nguyên liệu sản xuất để giảm lượng rác thải công nghiệp…
Thậm chí, chúng tôi còn tính toán đầu tư ngân sách để liên kết với các đơn vị khác trồng cây xanh ở khu vực thích hợp trong tỉnh hoặc ở Việt Nam. Đây là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, góp phần nâng cao bể hấp thụ carbon trong môi trường.
Công ty có khu vực đất rộng hơn 10.000m2 trong khuôn viên. Đây là phần đất để trồng cây xanh nhằm hấp thụ khí carbon - một trong những giải pháp của doanh nghiệp để trung hoà carbon về zero. Thế nên, thời gian tới, việc trồng cây xanh sẽ được đẩy mạnh.
- Ông vừa nhắc đến câu chuyện khách hàng ngày càng quan tâm đến tiêu chí giảm phát thải. Hiện nay, nhiều thị trường đã áp “tiêu chuẩn xanh”. Là doanh nghiệp sản xuất, NOK có gặp áp lực với đơn hàng xanh?
Như tôi đã nói bây giờ chuyển đổi sang sản xuất xanh là bắt buộc. Nếu không chuyển đổi hoặc chuyển đổi trễ một nhịp thì mình mất nhiều cơ hội. Bởi, tới đây khách hàng yêu cầu sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Chúng ta không chuẩn bị trước thì sản phẩm không cạnh tranh được với những doanh nghiệp khác, trở thành hàng lỗi thời.
Thậm chí, bây giờ trong đàm phán thương mại, “sản xuất xanh” trở thành tiêu chí số 1 để khách hàng đánh giá, xem xét ký hợp đồng mua bán hàng hoá, điều mà trước kia không có. Song, đây cũng là một phần trách nhiệm xã hội mà các doanh nghiệp phải thực hiện.
Do đó, để đẩy mạnh chuyển đổi đáp ứng yêu cầu của khách hàng và thị trường, NOK còn phân công phòng hành chính quản lý về mặt khí thải CO2. Phòng này có nhiệm vụ điều phối và kết nối với tất cả các phòng, ban khác triển khai chỉ thị của tổng giám đốc và kế hoạch của công ty về sản xuất xanh.
Ngay chính bản thân tôi và 4-5 đồng nghiệp khác ở công ty cũng trực tiếp đi học một khoá đào tạo tại Hà Nội về các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong phát thải ròng carbon, các tính toán sao cho chính xác nhất. Vì không học, làm sao biết sản xuất xanh sẽ như thế nào, lượng phát thải ra sao? Phải đi học mới biết, mới làm được chuẩn, mới có báo cáo, kế hoạch chính xác và minh bạch.
Tôi nghĩ, nếu muốn chuyển sang con đường sản xuất xanh, ông chủ doanh nghiệp khác cũng phải đi học. Doanh nghiệp phải cử người tham gia những lớp tập huấn nâng cao kiến thức, nhận thức về sản xuất xanh, năng lượng tái tạo, cách tính toán làm sao giảm lượng phát thải… Đây là những kiến thức cơ bản mà mọi người cần phải nắm và thực hiện.
Doanh nghiệp phải chủ động đi trước, không đợi chính quyền địa phương hỗ trợ những điều này. Có như vậy chúng ta mới bắt kịp được xu hướng chung trên thế giới hiện nay.
- Rõ ràng sản xuất xanh là con đường bắt buộc phải đi, không còn lựa chọn khác. Nhưng khi chuyển đổi cũng cần nguồn lực tài chính rất lớn?
Với mục tiêu giảm phát thải và tiến tới trung hoà carbon của doanh nghiệp đúng là cần khoản đầu tư rất lớn. Bởi, không chỉ thay thế máy móc cũ mà NOK còn có kế hoạch xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái làm nguồn năng lượng sạch phục vụ sản xuất…
Nhưng chúng tôi chia ra làm nhiều giai đoạn thực hiện, xem xét đâu là điểm mạnh, lợi thế của doanh nghiệp để tập trung vào đó chuyển đổi.
Ví như nhà máy sản xuất đặt ở Biên Hòa (Đồng Nai), lợi thế là nắng nên thực hiện làm điện mặt trời. Khuôn viên đẩy mạnh trồng cây xanh để xây dựng bể hấp thụ CO2, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Các loại máy móc trong dây chuyền sản xuất hết hạn đến đâu chúng tôi thực hiện thay thế đến đó trên nguyên tắc sử dụng sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu.
Lộ trình chuyển đổi được chia theo từng giai đoạn thì số tiền cần dùng sẽ dàn trải. Như vậy, NOK sẽ kiểm soát và đáp ứng được nhu cầu tài chính cần thiết.
- Rất nhiều doanh nghiệp “than khó” khi chuyển đổi vì sản xuất xanh còn là khái niệm mới ở Việt Nam. Là người đứng đầu doanh nghiệp sản xuất, ông có kiến nghị hay đề xuất gì để quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi hơn?
Các doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050 mà còn đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay - cụ thể là “tiêu chuẩn xanh”.
Do đó, Chính phủ cần triển khai đồng bộ, có sự thống nhất giữa các bộ ngành để đưa ra khung pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn chung. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện chuyển đổi.
Vừa qua tôi có tham gia lớp học về kiểm kê phát thải khí nhà kính. Qua lớp học tôi thấy vấn đề này không hề đơn giản. Để tính toán ra lượng phát thải CO2 cho một loại nguyên vật liệu thì ở mỗi ngành nghề, lĩnh vực sẽ cho ra một con số khác nhau.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải thuê đơn vị tư vấn thực hiện với chi phí đắt đỏ để kiểm kê phát thải. Với doanh nghiệp lớn nguồn lực tài chính tốt thì không sao; còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì là cả câu chuyện nên họ e dè trong chuyển đổi.
Khi cơ quan chức năng đưa ra được khung chung với bảng tính sẵn cho từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể với từng loại nguyên vật liệu… thì doanh nghiệp chỉ việc nhập số liệu của mình vào sẽ cho ra kết quả chính xác. Làm như vậy vừa nhanh vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, hệ số phát thải của Việt Nam công bố quá trễ cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thời điểm này đã sang năm 2024 nhưng hệ số phát thải năm 2022-2023 vẫn chưa công bố.
NOK khi làm báo cáo và lập kế hoạch chuyển đổi để giảm phát thải khí nhà kính, tôi phải dùng song song 2 hệ số phát thải của Nhật Bản và Việt Nam. Riêng Việt Nam, số liệu cũ từ năm 2021. Điều đáng nói, khi số liệu quá lỗi thời, mình không thể nào đưa ra biện pháp cải thiện sản xuất được vì nó không còn phản ánh thực tế đang diễn ra.
Ở Nhật Bản, các số liệu được công bố ngay khi kết thúc năm, thậm chí còn có số liệu dự báo để doanh nghiệp làm cơ sở lập kế hoạch hành động.
Chuyển đổi sang sản xuất xanh không phải ngày một ngày hai mà là một lộ trình dài. Doanh nghiệp thường có kế hoạch 5 năm, 10 năm. NOK dựa trên nền tảng dữ liệu lập kế hoạch sản xuất ở nhà máy đến năm 2030. Theo đó, vấn đề sử dụng điện, nước, rác thải, nguyên liệu đầu vào… như thế nào sẽ tính ra lượng phát thải của công ty, đưa ra lộ trình chuyển đổi phù hợp.
Mình có phân cấp, phân quyền. Thế nên, ngoài những vấn đề trên, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong quá trình chuyển đổi. Khi có khung pháp lý, có tiêu chuẩn, quy chuẩn chung thì chỉ việc áp vào thực hiện. Xu hướng thị trường luôn biến chuyển nên doanh nghiệp chỉ cần trễ một nhịp sẽ mất đi nhiều cơ hội.
Thiết kết: Nguyễn Ngọc