Số liệu được đưa ra tại Hội nghị Tuyển sinh năm 2023 của Bộ GD-ĐT diễn ra sáng nay (3/3) cho thấy trong năm 2022, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263 người - đạt 83,39% chỉ tiêu. Con số này cao hơn số nhập học của năm 2021, 2020.
Trong số 330 cơ sở đào tạo (CSĐT), 194 cơ sở (58,67%) có tỉ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.
Các cơ sở đào tạo đã tuyển sinh với hàng chục phương thức xét tuyển như: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; Xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ); Xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh (Điều 8); Xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo Đề án và các phương thức khác; Xét tuyển thẳng theo Đề án của CSĐT; Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do CSĐT tự tổ chức để xét tuyển; Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; Thi văn hóa do CSĐT tổ chức để xét tuyển; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển; Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển; Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài; Xét tuyển qua phỏng vấn; Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với với phỏng vấn để xét tuyển...
Trong đó, tỉ lệ thí sinh nhập học trên toàn quốc theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là cao nhất, với 47,98%. Phương thức xét tuyển có tỉ lệ thí sinh nhập học thấp nhất là phỏng vấn, với 0%.
Kết quả tuyển sinh cụ thể của các phương thức như sau:
Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, một số CSĐT đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; Một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học; Vẫn còn một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; gặp một số khó khăn trong truy nhập Hệ thống nộp lệ phí trực tuyến.
Bên cạnh đó, một số CSĐT xét tuyển nhưng không báo cáo đầy đủ kết quả lên Hệ thống theo quy định; Giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời gây bức xúc cho thí sinh và xã hội.
Riêng đối với việc xét tuyển sớm, theo Bộ GD-ĐT, việc thí sinh phải đăng ký xét tuyển, xác nhận nhập học tại CSĐT và trên Hệ thống, dẫn tới một số nhầm lẫn, sai sót của thí sinh.
Ngoài ra, có hạn chế là thí sinh mới đủ điều kiện trúng tuyển tại CSĐT nhưng không đăng ký xét tuyển trên Hệ thống; có một số trường hợp chưa đảm bảo công bằng với xét tuyển bằng kết quả thi THPT. Một số CSĐT không báo cáo kết quả xét tuyển sớm lên Hệ thống, báo cáo không đúng thời gian quy định; gọi thí sinh nhập học khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT; chậm chễ trong việc giải quyết sai sót cho thí sinh.