Những ngày này, các lão nông của HTX Dịch vụ, thương mại nông nghiệp Cây Trôm ở xã Hưng Điền A (Vĩnh Hưng, Long An) đang chuẩn bị kế hoạch để tham gia Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ NN-PTNT.
Ông Bùi Văn Tuấn, Giám đốc HTX cho biết, từ 7 thành viên ban đầu, nay HTX đã có 63 thành viên và 103 thành viên liên kết với diện tích sản xuất trên 500ha.
Vài năm trở lại đây, hộ dân là thành viên của HTX chỉ cần đầu tư sản xuất theo đúng quy trình, giảm lượng phân và thuốc BVTV sẽ được cộng giá mua thêm từ 50-300 đồng/kg lúa theo thang điểm đánh giá của HTX. Nhờ đó, 80% diện tích lúa của HTX đều sản xuất theo kế hoạch và đơn đặt hàng của các doanh nghiệp để xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Năm 2022, riêng doanh thu của HTX từ cây lúa đạt 17 tỷ đồng. Với giá lúa ổn định ở mức cao, sản xuất 3 vụ lúa, 1 ha trồng lúa có thể đạt lợi nhuận khoảng 90-100 triệu đồng/năm.
Tới đây, HTX sẽ chuyển sang sản xuất lúa giảm phát thải theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Theo đó, ngoài kiểm soát tốt lượng giống, phân bón, thuốc BVTV... việc sử dụng nước cũng phải quản lý chặt, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến để giảm phát thải khí nhà kính.
“HTX hướng đến mô hình ‘1 phải, 6 giảm’. Tức, ngoài việc giảm giống, phân, thuốc, nước,... còn phải giảm phát thải", ông Tuấn nói. So với cây trồng khác, ông khẳng định thu nhập từ cây lúa không cao. Nhưng nếu sản xuất theo tiêu chuẩn mới, bán được tín chỉ carbon, nâng cao giá trị gia tăng từ hạt gạo thì chắc chắn trồng lúa sẽ không thua gì cây khác.
Mới đây, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký với Bộ NN-PTNT diện tích sản xuất lúa đảm bảo chi trả tín chỉ carbon trong năm 2024 trên địa bàn hơn 51.900 ha.
Đến nay, có 12 địa phương ở ĐBSCL đăng ký tham gia với tổng diện tích hơn 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Việc hình thành 1 triệu ha vùng lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững, nâng cao hiệu quả thu nhập và đời sống của người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực; nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam và hướng tới một ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Đặc biệt, các biện pháp canh tác bền vững sẽ góp phần giảm thải carbon trước những thách thức về biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.
Bộ NN-PTNT cho biết, từ vụ Đông Xuân 2023-2024 sẽ bắt đầu triển khai khoảng 180.000ha. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL.
Theo các chuyên gia trong ngành, vùng chuyên canh này có thể được coi là hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới triển khai.
Ở đề án này, các gói kỹ thuật được đưa ra nhằm thúc đẩy quản lý nước thông qua hình thức tưới khô ướt luân phiên và áp dụng tối ưu các nguyên liệu đầu vào sản xuất lúa thông qua kỹ thuật phải sử dụng giống được chứng nhận, giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc BVTV và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, khi Việt Nam công bố về đề án, lập tức thế giới tính toán ngay 1 triệu ha này sẽ đem lại khoảng 9 triệu tấn gạo chất lượng cao xuất khẩu trong một năm.
Nguồn gạo chất lượng cao này sẽ góp phần nâng cao năng lực canh tranh của nước ta trên thị trường quốc tế. Bởi, muốn giành được thị phần, gạo Việt Nam phải cạnh tranh được bằng giá, bằng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bằng thương hiệu và uy tín.
Xét về mặt kinh tế, theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), với diện tích 1 triệu ha theo đề án sẽ giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng/năm. Nếu áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, thu hơn 7.000 tỷ đồng/năm.
Như vậy, ngành lúa có thêm 16.000 tỷ đồng/năm, tương đương 500 triệu USD. Đó là chưa kể các yếu tố tăng thêm về giá trị trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải, ông cho hay.
Điều đáng nói, nông dân không chỉ thu được gạo mà còn có cơ hội bán tín chỉ carbon thông qua sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Chuyên gia lý giải, mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân sẽ có một lượng hạn ngạch phát thải khí carbon nhất định. Trường hợp không sử dụng hết hạn ngạch được cấp phép có thể bán lại cho quốc gia, tổ chức có lượng phát thải vượt quá hạn ngạch được phép.
Ngân hàng Thế giới ước tính vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 1 triệu ha ở ĐBSCL khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon, thu về khoảng 100 triệu USD/năm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, giải pháp chính để giúp đảm bảo lợi nhuận cho nông dân ở mức trên 40% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030 là bán tín chỉ carbon từ sản xuất lúa phát thải thấp. Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua tín chỉ carbon ở mức 10 USD/tấn. Tính ra, 1ha lúa có thể thu về 100 USD từ việc bán tín chỉ carbon.
Do đó, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam giảm phát thải sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho người trồng lúa. Đồng thời, đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng các phế, phụ phẩm từ cây lúa để tăng cao giá trị, hiệu quả kinh tế, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.