Căn nhà liệt sĩ Nguyễn Quý Dương (SN 1989) nằm khuất dưới những bóng cây ở phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình (Hòa Bình). Bên ngoài căn nhà, tiếng chim ríu rít, hoa lá đua nhau khoe sắc, bên trong tĩnh lặng, ẩn chứa nỗi trầm buồn sâu thẳm.
Mỗi lần nhắc về người con trai ngoan ngoãn đã ra đi mãi mãi 12 năm trước, bà Nguyễn Thị Anh (được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng) lại khắc khoải nỗi nhớ. Lật dở từng trang trong cuốn album ảnh, biết bao kỷ niệm về con ùa về khiến bà bật khóc. Nỗi đau mất con dù đã hơn 10 năm vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng.
Vào một buổi trưa tháng 11/2010 tại huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) xảy ra vụ cháy lớn. Chiến sĩ Nguyễn Quý Dương, lúc này đang là lính cứu hỏa thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn, Công an tỉnh Hòa Bình cùng đồng đội tức tốc lên đường làm nhiệm vụ. Trong lúc vật lộn trong đám cháy, anh bị thương nặng.
"Trưa hôm đó, tôi đang làm việc ở công ty thì nhận được tin báo từ đồng đội của Dương là con bị thương nặng. Với linh cảm của người mẹ, tôi như biết trước có chuyện chẳng lành đến với con nên trong lòng như lửa đốt. Sau đó không lâu thì tôi nhận tin con đã hy sinh. Dù đã nghĩ đến việc xấu nhất, tôi vẫn gục ngã, không thể gượng dậy để đến nhìn mặt con lần cuối" - bà Nguyễn Thị Anh nghẹn ngào kể lại.
Trước khi Dương hy sinh, sáng hôm đó, sau giờ trực anh còn tranh thủ về thăm nhà, tổ ấm nơi có cha mẹ và ông nội.
"Hôm đó tôi đi làm quên mang theo điện thoại, Dương còn mang máy ra công ty đưa giúp mẹ. Mẹ con gặp nhau chốc lát, không ngờ đó lại là giây phút cuối cùng mẹ con bên nhau trên cõi đời này" - người mẹ nức nở kể lại.
Hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, vì sự bình yên của Tổ quốc, năm 2011, chiến sĩ Nguyễn Quý Dương được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương chiến công Hạng Ba. Năm 2013, anh được cấp bằng tổ quốc ghi công, công nhận liệt sĩ.
Liệt sĩ Dương là con trai duy nhất của vợ chồng bà Nguyễn Thị Anh. Vì thế năm 2014, bà Nguyễn Thị Anh được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng khi mới vừa tròn 42 tuổi. Bà trở thành Mẹ Việt Nam anh hùng trẻ nhất cả nước.
Trong căn nhà nhỏ của vợ chồng bà Anh, bên bàn thờ của liệt sĩ Dương là chiếc tủ xếp gọn gàng, ngăn nắp những bộ quân phục, các kỷ vật mà người con trai duy nhất thường dùng thủa sinh thời. Từ những bộ quần áo, sách vở, chiếc laptop hay chiếc mũ đã bị cháy nham nhở mà anh đội trong trận chiến với "giặc lửa" rồi vĩnh viễn không trở về, mẹ anh xem như báu vật của cả gia đình.
"Người Mường có quan niệm, đồ đạc của người mất thì không được giữ lại. Nhưng những thứ của Dương, tôi không thể bỏ đi được, con mình mà, mình dứt ruột đẻ ra mà bỏ hết đồ của con đi cũng không đành. Mỗi lúc nhớ con, tôi lại lấy từng món ra ngắm, giữ lại để cảm nhận như con vẫn còn đâu đây" - bà Anh tâm sự.
Không chỉ các kỷ vật, bà còn trân quý, chăm sóc con chim khướu mà Dương để lại. Đây là con chim mà khi còn sống, anh nuôi, chăm chút nhiều năm. Giờ đây, người mẹ thay con chăm sóc chú chim nhỏ, coi như con của mình.
Hàng ngày, từ nhà đến công ty làm việc, bà Anh thường ghé qua nghĩa trang - nơi liệt sĩ Dương an nghỉ. Người mẹ dừng lại, ngắm nhìn con một chút đỡ nhớ, để có động lực tiếp tục công việc. Rảnh lúc nào bà lại vào dọn dẹp sạch sẽ, chăm chút phần mộ của con.
Người mẹ "mồ côi" con giải thích: "Phong tục người Mường kiêng kị chuyện bố mẹ ra thăm mộ con. Tôi thì không nghĩ thế. Con sống ở bên mình, mất rồi thì đến thăm con cho đỡ cô quạnh".
Nhắc đến công việc đang làm hàng ngày, bà tâm sự: "Ở công ty, tôi được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch công đoàn, là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Tập trung cho công việc tôi cảm thấy vui vẻ hơn, bớt đi buồn phiền, vơi đi nỗi nhớ con".
"Giặc lửa" đã cướp đi người con trai yêu quý dứt ruột đẻ ra, giờ đây, bà Nguyễn Thị Anh được an ủi phần nào khi có nhiều đồng đội, bạn bè của con qua lại, gọi bằng mẹ. Ngày lễ, Tết, hay khi có dịp, những người con tập chung về với mẹ Anh, cùng đến bên mộ thắp hương cho Dương để mẹ Anh đỡ buồn.
Đây là lý do khiến hai vợ chồng bà Anh chưa bao giờ có ý định nhận con nuôi. Bên cạnh đó, trong gia đình 2 bên nội ngoại, các cháu cũng rất đông, khi cần đều có mặt, từ công việc hằng ngày đến những dịp quan trọng hay khi trái gió trở trời. Với ông bà, sống an yên cũng để người con trai ở bên kia thế giới được nhẹ lòng an nghỉ.
Theo Dân trí