Cụ thể, báo cáo của Bộ NN-PTNT nêu rõ, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện 34 ổ dịch cúm gia cầm (29 ổ dịch do H5N6 và 5 ổ dịch do H5N1 gây ra) tại 10 tỉnh, thành. Tổng số gia cầm chết, buộc phải tiêu hủy lên tới hơn 100 ngàn con.
Dù virus cúm H5N6 được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014, gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm, nhưng đến nay, ở nước ta chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng virus cúm A/H5N6.
Bộ NN-PTNT dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do tổng đàn gia cầm rất lớn (467 triệu con). Trong khi điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vắc-xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi nông hộ.
Do đó, Bộ yêu cầu tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus cúm gia cầm, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Cúm gia cầm đã lây lan ra 10 tỉnh, thành phố ở nước tra, buộc phải tiêu huỷ 10 vạn con gia cầm |
Đồng thời, tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Yêu cầu xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.
Tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh,...
Trước diễn biến phức phạp của dịch bệnh trên gia súc và gia cầm, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ N-PTNT đề xuất xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng phó với nguy cơ xuất hiện Covid-19 trên động vật, bao gồm tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm phát hiệndịch bệnh nàytrên động vật nuôi và động vật hoang dã; tăng cường năng lực giám sát, cảnh báo và ứng phó nguy cơ xuất hiện Covid-19 ở động vật nuôi.
Đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Trung tâm phòng, chống bệnh truyền lây từ động vật sang người (vì theo Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Thú y thế giới có đến trên 75% các bệnh mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật).
Xử nghiêm tổ chức, cá nhân không báo cáo để dịch lan rộng
Cũng trong ngày 25/2, Bộ NN-PTNT có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu tỉnh này tập trung chỉ đạo tổ chức quyết liệt kiểm soát dịch cúm gia cầm. Bởi, từ đầu tháng 2/2020 đến nay, tại Thanh Hoá dịch cúm gia cầm xảy ra tại 14 xã, 9 huyện, buộc phải tiêu hủy gần 60.000 con gia cầm.
Đáng chú ý, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan rộng trên toàn tỉnh Thanh Hóa và các địa phương khác, gây tổn thất lớn về kinh tế, phát triển chăn nuôi gia cầm và làm tăng nguy cơ lây nhiễm, gây bệnh cúm gia cầm ở người.
Do đó, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá tập trung các nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc; tiêm phòng khẩn cấp chống dịch, bao vây ổ dịch cho đàn gia cầm của các xã đã, đang có dịch bệnh; xem xét việc công bố dịch để tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật thú y.
Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra khỏi vùng có dịch, các tổ chức, cá nhân không thực hiện việc báo cáo để dịch bệnh lây lan diện rộng theo đúng quy định của pháp luật.
Với vùng chưa có dịch yêu cầu các cấp chính quyền, cơ quan thú y chủ động giám sát, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, sát trùng phòng ngừa dịch bệnh.
C.Giang