Ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông để thúc đẩy chuyển đổi số
‘Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050’ được Thủ tướng Chính phủ tháng 1/2024 đặt trọng tâm vào phát triển hạ tầng số. Hạ tầng viễn thông được định hướng chuyển đổi thành hạ tầng số với nội hàm mới, ngoài hạ tầng viễn thông băng rộng còn bao gồm hạ tầng điện toán đám mây, mạng Internet vạn vật.
Định hướng trên tiếp tục được thể hiện trong Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam giai đoạn 2024 – 2025 vừa được Bộ TT&TT ra quyết định ban hành.
Thông tin với VietNamNet, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, một trong những quan điểm chính để xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam giai đoạn 2024 – 2025 là hạ tầng viễn thông phải được ưu tiên đầu tư hiện đại hóa, đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số. Các doanh nghiệp phối hợp phát triển hạ tầng viễn thông theo nguyên tắc dùng chung, chia sẻ.
Hạ tầng viễn thông được quy hoạch, triển khai song song, đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác.
Cũng theo Cục Viễn thông, đến nay, trong hơn 27 triệu hộ gia đình trên toàn quốc, còn hơn 5,4 triệu hộ chưa có cáp quang. Cùng với đó, cả nước hiện còn 2.052 thôn, bản không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, đã có điện lưới quốc gia, chưa có kết nối Internet cáp quang băng rộng đến nhà văn hóa thôn, bản; còn 230 thôn, bản không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, đã có điện lưới quốc gia, chưa được phủ sóng băng rộng di động.
Kế hoạch mới ban hành nêu rõ, trong hai năm 2024 và 2025, mỗi năm sẽ có thêm hơn 2,7 triệu hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang, nâng tỷ lệ hộ gia đình Việt Nam có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu lên tương ứng 90% và 100%.
Các mục tiêu phát triển khác đặt ra trong năm 2024 là có thêm 684 thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, có cáp quang đến nhà văn hóa thôn, bản; thêm 80 thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, được phủ sóng băng rộng di động; đồng thời, đàm phán để triển khai thêm từ 1 - 2 tuyến cáp viễn thông quốc tế trên biển.
Với năm 2025, mục tiêu đặt ra là có thêm 1.368 thôn, bản toàn quốc, đã có điện lưới quốc gia, có cáp quang đến nhà văn hóa thôn, bản. Qua đó, đưa tỷ lệ nhà văn hóa thôn, bản đã có điện lưới quốc gia có kết nối Internet cáp quang băng rộng đạt 100%. Kế hoạch cũng lưu ý, với các nơi có địa hình phức tạp, nguồn lực đầu tư lớn, cần xây dựng báo cáo đánh giá và đề xuất cụ thể.
Cùng với việc đàm phán để triển khai thêm 1 tuyến cáp viễn thông quốc tế trên biển, trong năm 2025, mục tiêu đặt ra còn là có thêm 150 thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, được phủ sóng băng rộng di động 4G. Như vậy, hết năm 2025, 100% thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia sẽ được phủ sóng băng rộng di động.
Song song đó, hình thành và triển khai các trung tâm dữ liệu quốc gia, tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia, các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng và từ 1 - 2 trung tâm dữ liệu khu vực phục vụ nhu cầu của các trung tâm tài chính Việt Nam và cho khu vực, quốc tế, trung tâm dữ liệu quy mô lớn, trung tâm dữ liệu đáp ứng hạ tầng tính toán cho trí tuệ nhân tạo (AI).
Giao cụ thể chỉ tiêu phát triển hạ tầng viễn thông cho các nhà mạng
Điểm đáng chú ý của Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam giai đoạn 2024 – 2025 là việc xác định mục tiêu, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng vào việc thực hiện kế hoạch.
Đơn cử như, để đáp ứng mục tiêu 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu, Bộ TT&TT khuyến khích các nhà mạng phát triển cáp quang, trong đó dự kiến giai đoạn 2024 - 2025 mỗi năm Viettel sẽ triển khai cáp quang đến hơn 1,091 triệu hộ; chỉ tiêu này với VNPT, FPT và nhóm các doanh nghiệp khác lần lượt là 1,080 triệu hộ, 529.864 hộ và 3.173 hộ.
Tương tự, với các chỉ tiêu về số trạm thu phát sóng 5G; triển khai đường cáp quang đến nhà văn hóa thôn, bản; phủ sóng băng rộng di động 4G đến thôn, bản; đầu tư thêm tuyến cáp viễn thông quốc tế trên biển; phát triển hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, kế hoạch của Bộ TT&TT cũng đưa ra mục tiêu cụ thể cho các doanh nghiệp viễn thông lớn.
Bộ TT&TT giao Cục Viễn thông phối hợp với các đơn vị khác trong Bộ, các doanh nghiệp viễn thông và Sở TT&TT trên cả nước để triển khai kế hoạch này. Cục Viễn thông cũng có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch; tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách tạo điều kiện thuận lợi để triển khai kế hoạch.
Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kế hoạch viễn thông công ích để phủ sóng di động 4G tại các khu vực được hỗ trợ từ nguồn Quỹ, phổ cập cáp quang đến các thôn, bản tại các khu vực được hỗ trợ từ nguồn Quỹ.
Bộ TT&TT đề nghị các Sở TT&TT tham mưu kịp thời, hiệu quả các biện pháp, chính sách cho chính quyền địa phương để thực hiện kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông tại địa phương; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông triển khai kế hoạch.
Ngoài ra, các Sở TT&TT cũng cần sớm ban hành quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp cải tạo nguồn điện phục vụ nhà trạm, đặc biệt là các trạm 5G và trung tâm dữ liệu; tuyên truyền về an toàn bức xạ trường điện từ.
Căn cứ theo kế hoạch, nhu cầu thị trường và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị, các doanh nghiệp tham gia thực hiện kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông giai đoạn 2024 - 2025 một cách hiệu quả, phù hợp.