Kiều An Huy (sinh năm 2000) là cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM). Tốt nghiệp cấp 3, khi đậu các trường đại học ở châu Âu và Mỹ, Huy đã phải rất khó khăn đưa ra quyết định.
“Ngay từ đầu em đã chọn Mỹ làm đích đến, nhưng khi phải lựa chọn, em trăn trở nhiều vì kinh tế gia đình không khá giả lắm, trong khi đó học phí các trường ở Châu Âu rẻ hơn. Và quan trọng là em thật lòng không nỡ xa mẹ.
Nhưng sau đó, em tâm sự với mẹ là em muốn được đi Mỹ vì nhiều lí do như là môi trường học tập, cơ hội kết nối và đặc biệt đây là thành trì của những tập đoàn hàng đầu thế giới ở hầu hết các ngành nghề.
Em hứa hẹn thêm là sau khi học xong sẽ cố gắng kiếm việc để có thể tự trang trải cho bản thân và mang thật nhiều tiền về cho mẹ, dù em biết đó cũng chỉ là những lời hứa bồng bột của đứa trẻ đang đòi mẹ chi một khoản tiền lớn để thoả mãn cái sự được đi nước ngoài”.
Kiều An Huy (thứ hai từ phải sang) cùng bạn ở trường đại học |
Thật ngạc nhiên, mẹ cậu đồng ý ngay.
“Quan điểm của mẹ em là đầu tư cho kiến thức là một loại đầu tư không bao giờ lỗ. Mẹ em có thể không cho em đi chơi dù em chỉ xin vài trăm nghìn nhưng sẵn sàng chi tiền triệu nếu em xin đi học một bộ môn nào đó”.
Và sau đó, Huy lên đường du học Mỹ với học bổng 4 năm là $152,000, số tiền còn lại mẹ lo cho Huy.
Cũng là mẹ đã giúp cậu có được sự tự tin khi tìm kiếm thực tập ngay ở những năm đầu học tập.
“Khi mới sang Mỹ, em chưa từng có ý thức về việc tìm kiếm thực tập vì nghĩ rằng bản thân năm nhất kinh nghiệm chưa có, kĩ năng chưa có thì công ty nào mà thèm tuyển mình.
Nhưng sau đó, mẹ đã đăng kí cho em khoá học chuyên về rèn luyện kĩ năng tìm việc cho du học sinh Việt Nam ở Mĩ của Career Pass Institute (CPI).
Em học được từ chương trình này những kĩ năng căn bản như cách quản lí thời gian sao cho hợp lí, cách để giao tiếp và làm quen với những người cùng ngành, và hiểu được giá trị của những kì thực tập”.
Hành trình với hàng trăm lá đơn xin thực tập
Ở Mĩ, du học sinh bị hạn chế về mặt thị thực, và nếu không kiếm được việc trong một khoảng thời gian nhất định sau khi tốt nghiệp sẽ phải rời khỏi đất nước này.
Do vậy, từ năm nhất Huy đã đặt mục tiêu là sẽ thực tập ở các công ty lớn như Google/Facebook, và nộp đơn cho các vị trí thực tập dành cho học sinh năm nhất như Google STEP Internship và Facebook University Internship. Kết quả là cậu đã trượt một cách rất nhanh chóng.
Kiều An Huy khi thực tập ở ở Equinix |
Rút ra bài học sau những lần thất bại, Huy hoạch định lại các bước trong tiến trình của mình cho phù hợp hơn.
Hè năm thứ nhất, Huy quyết định về Việt Nam và thực tập tại một công ty startup để hiểu thêm về môi trường công sở cũng như là cách giao tiếp với đồng nghiệp như thế nào cho hợp lí trong từng hoàn cảnh.
Sau đó là đến kì thực tập ở FPT vào mùa hè năm thứ hai, nơi cậu học được những bài học vỡ lòng trong ngành đang chọn.
“Vì lí do dịch nên em thực tập ở FPT tận 10 tháng. Bây giờ nhìn lại, em cũng thấy bất ngờ vì thời gian đó không biết do đam mê hay gì khác mà lịch trình của em là đi làm 8 tiếng mỗi ngày, ban đêm thì học online vì các lớp 2-3h chiều ở Mỹ là 2-3h sáng ở Việt Nam, và cả nộp đơn thực tập cho hè năm thứ ba”.
Quá trình này, Huy nói là “dài nhất mà em từng trải qua”.
“Em nộp đơn đến hơn 200 công ty, hơn 50 cuộc phỏng vấn vào 11-12h đêm và cả 3-4h sáng, và thư từ chối thì đếm không xuể, nhiều lúc em chỉ muốn từ bỏ... Nhưng nghĩ lại đoạn đường đã qua và nhìn lại mục tiêu ban đầu, em đã cố gắng hơn bao giờ hết và cuối cùng nhận được lời mời thực tập của công ty Equinix ở thung lũng Silicone”.
Sau đó đến năm thứ tư, Huy nhận ra là mọi chuyện đã đơn giản hơn rất nhiều.
“Việc từng có thực tập ở Mỹ trên hồ sơ cũng giống như là một tấm vé ưu tiên khi em bắt đầu nộp đơn xin việc full-time sau khi tốt nghiệp. Tỉ lệ được nhận phỏng vấn của em tăng cao đột biến và đã thu hút được sự chú ý của các nhà tuyển dụng ở những công ty lớn”.
Mùa thu năm 2021, Huy từng nhận được lời mời phỏng vấn từ Google, SnapChat, Robinhood...
“Có lẽ do hơi chủ quan nên em đã trượt ở các công ty này, đặc biệt là Google, nơi mà em đã vào được vòng cuối và cách biệt chỉ là một câu hỏi về kĩ thuật”.
Một lần nữa, Huy phân tích những lỗ hổng kiến thức và đánh giá lại năng lực thực tại của mình.
"Đầu năm nay, em đã nhận được offer của Facebook và Microsoft trong hai ngày liên tiếp. Lúc đó, em xem như đã hoàn thành lời hứa năm nào với mẹ”.
Huy và bạn bè trong một cuộc thi ở trường |
Huy cho rằng điểm mạnh của mình nằm ở việc hiểu được các yếu tố kĩ thuật cần thiết cho công việc và kĩ năng trình bày suy nghĩ của bản thân một cách rõ ràng, mạch lạc. Đồng thời, những kì thực tập và những dự án Huy từng tham gia cũng là nhân tố quan trọng không kém trong mắt nhà tuyển dụng.
“Do đây là vị trí cho tất cả các sinh viên vừa ra trường hoặc có kinh nghiệm dưới một năm nên hầu hết đều là những tiêu chuẩn căn bản nhất của một người mới vào nghề. Format của hầu hết những công ty em từng trải qua là 3-4 vòng phỏng vấn chuyên môn và 1-2 vòng phỏng vấn hành vi. Mỗi công ty đều định nghĩa cho mình một bộ core values (có thể hiểu là tiêu chuẩn ứng xử) và họ dựa theo đó để đánh giá ứng viên xem có phù hợp với văn hoá công ty hay không" - Huy chia sẻ kinh nghiệm.
Huy sẽ tốt nghiệp đại học vào tháng 5 và đi làm ngay từ tháng 6 tới, điểm đến của cậu là Meta.
“Meta là một nền tảng ứng dụng mạng xã hội với 3 tỉ người dùng, nên em nghĩ sẽ có những dự án thú vị để đóng góp.
Đặc biệt, em có thể được tiếp cận được những nhân tài của thế giới để được mở mang tầm mắt và học hỏi nhiều hơn. Ngoài ra, sứ mệnh của công ty cũng là một phần lí do, đó là để kết nối mọi người lại gần nhau hơn và làm cho trái đất này "phẳng" hơn".
Trải qua những thử thách đầu đời, 5 bài học Huy rút ra cho mình cũng là những lời dạy của cha ông: Phải luôn định vị được bản thân – “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”; Không bao giờ cuộc vì nếu bỏ cuộc thì ta sẽ mất tất cả những gì ta đã xây dựng nên – “Thất bại là mẹ thành công”; Không bao giờ được chủ quan – “Thắng không kiêu, bại không nản”; Đôi khi một cánh cửa đóng lại là để ta được đi qua một cánh cửa tươi sáng hơn – “Thua keo này bày keo khác”; Thành công không phải ngày một ngày hai mà là một quá trình – “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Còn với những bạn trong ngành kĩ thuật nói chung và ngành công nghệ nói riêng muốn tìm cơ hội ở các công ty công nghệ lớn, Huy chia sẻ kinh nghiệm rằng kĩ năng chuyên môn là nhân tố chính yếu để các công ty có cơ sở hướng đến hồ sơ nên việc trau dồi rèn luyện kĩ năng cứng là công việc không thể thiếu trong lịch trình của bản thân.
Ngoài ra, việc tích cực tìm kiếm thực tập hoặc dành thời gian xây dựng một dự án công nghệ nào đó trong những kì nghỉ cũng là một điểm cộng vì nhà tuyển dụng có thể nhìn thấy được sự cầu tiến và đam mê của ứng cử viên đối với vị trí công việc mà họ đang muốn hướng tới.
"Bên cạnh đó, kĩ năng giao tiếp chính là chìa khoá để chúng ta có thể mở ra cánh cửa thành công vì họ cần tuyển một người kiện toàn chứ không tuyển một thần đồng lập trình nhưng không thể giao tiếp bình thường với bất cứ ai trong công ty”.
Phương Chi
9X Việt và 'cái gật đầu' của Facebook, Google sau 2 lần bị từ chối
Học tập tại Việt Nam, từng “không làm bạn” với tiếng Anh, Lam cho rằng đó là rào cản lớn nhất trên hành trình cô đến với các công ty công nghệ hàng đầu như Facebook, Google, Amazon.
Chàng trai vàng Tin học quốc tế: Đến Facebook không phải để chứng tỏ bản thân
Nguyễn Vương Linh cho rằng khi có đam mê và khả năng thì cần tìm một môi trường để phát huy khả năng đó, chứ không phải là phải vào Google/ Facebook/ Amazon để chứng tỏ bản thân.
Cựu học sinh chuyên toán với kinh nghiệm tồn tại ở những 'gã khổng lồ công nghệ'
Dù học chuyên Toán nhưng lại bộc lộ khả năng nổi trội trong các kì thi Tin học, cậu học trò trường chuyên Sư phạm ngày nào hiện giờ đã rất vững vàng trong môi trường đầy áp lực tại các công ty công nghệ lớn nhất thế giới.