Vừa qua, một số trường đại học tư thục đã công bố điểm chuẩn có điều kiện, tức thí sinh phải tốt nghiệp THPT mới chính thức trúng tuyển. Vấn đề gây nhiều tranh cãi là học bạ 15 điểm, tức trung bình mỗi môn 5 điểm, cũng trúng tuyển.
Cụ thể, tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, xét học bạ tổ hợp 3 môn học kỳ 1 hoặc tổ hợp 3 môn cả năm lớp 12, điểm chuẩn vào tất cả các ngành đào tạo của trường là 15 điểm.
Điểm chuẩn theo kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1 ở các ngành đào tạo là 500 điểm. Tại Trường ĐH Gia Định, tuy có khá hơn một chút nhưng điểm chuẩn học bạ theo phương thức tổng điểm trung bình học kỳ 1 lớp 11 + điểm trung bình học kỳ 2 lớp 11 + điểm trung bình học kỳ 1 lớp 12 từ 16,5 điểm - tức trung bình mỗi học kỳ 5,5 điểm.
Điểm chuẩn đối với chương trình tài năng là 18, tức mỗi học kỳ trung bình 6 điểm. Một số trường tư khác công bố điểm chuẩn học bạ thấp nhất 18 điểm.
Bất chấp để tăng thí sinh
Trước thông tin này, hiệu trưởng một trường đại học ở TP. HCM thẳng thắn cho biết: “Tất cả là vì tiền”. Một tiến sĩ, trưởng phòng đào tạo một trường đại học khác cũng quả quyết: “Đào tạo sinh viên trình độ đại học nhưng đầu vào thấp quá như vậy rất khó. Những sinh viên như vậy nên định hướng các em học ở các hệ thấp hơn như cao đẳng nghề sẽ phù hợp hơn”.
Theo ông, khung trình độ bậc 6 (bậc đại học) đòi hỏi cá nhân có năng lực học tập tốt, như vậy quá trình đào tạo sẽ đáp ứng được chuẩn đầu ra. Đầu vào quá thấp là điều rất đáng lo ngại. Hiện nay, các trường ngoài công lập có chỉ tiêu rất nhiều nên mới có tình trạng 15 điểm học bạ cũng trúng tuyển.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng xã hội sẽ tự đào thải bởi nhu cầu doanh nghiệp về tuyển dụng cần người có năng lực. Nếu đào tạo ra nhân lực không đủ năng lực hành nghề, các trường tuyển sinh sẽ càng khó hơn” – ông nói. Tiến sĩ này cũng cho rằng: “Điểm chuẩn học bạ 15 học sinh cả nước sẽ đỗ đại học, chỉ còn vấn đề các em có chọn trường ấy hay không?".
Theo vị trưởng phòng đào tạo này, hiện nay, các trường đại học đều tự chủ tuyển sinh nhưng phải có trách nhiệm đưa ra ngưỡng để chọn người học có chất lượng, đồng thời phải đào tạo ra những cử nhân, kỹ sư có chất lượng.
Đây không chỉ là việc các trường có tuyển sinh được hay không còn là trách nhiệm xã hội của các trường đại học. Việc đào tạo tốn chi phí, người học ra trường không có khả năng hành nghề là không thể hiện trách nhiệm xã hội của một cơ sở đào tạo đại học.
Trước ý kiến “bỏ đầu vào, siết đầu ra”, ông cho rằng việc đánh giá trình độ phổ thông đang thực hiện bằng điểm số, nên có thể có tình trạng một số ít học sinh có kết quả điểm số không cao, nhưng trong quá trình học ở trường đại học các em phát huy được khả năng. Tuy nhiên, đây là số ít và số ít này chỉ phù hợp với một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Nhưng không thể vì thế mà tất cả đều “bỏ đầu vào, siết đầu ra”. Đối với các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ nếu năng lực cơ bản, đặc biệt là các môn Toán, Lý, Hoá thấp, ở môi trường đại học khó đạt được chuẩn đầu ra.
Mặt khác, bằng mọi cách tuyển thí sinh vào nhưng các sinh viên không ra trường được cũng có lỗi với chính thí sinh, như vậy thà không tuyển các em.
15 điểm nên là mức sàn của cao đẳng
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho hay vào đại học có thể dễ dàng, nhưng ra khỏi đại học nên khó khăn.
Vì vậy, ông “bình thản” việc học bạ mỗi môn 5 điểm cũng trúng tuyển nhưng đó phải là điểm số thực chất. Theo ông, quan trọng là kiến thức và kỹ năng của người học đại học. Nhiều sinh viên có điểm đầu vào thấp, nhưng quá trình học hành luôn cố gắng nên điểm những môn chính yếu khi ra trường khá cao.
Ông Sơn cho rằng vấn đề lo lắng là hiện mức 5 điểm ấy có thực chất không, bởi đang có tình trạng nâng điểm của các trường THPT để thí sinh đỗ tốt nghiệp. Cho nên, có những thí sinh thi tốt nghiệp được 2 - 3 điểm nhưng điểm học bạ 6.0 đến 7.0 điểm.
Thậm chí, có rất nhiều học sinh “không học hành gì” mà toàn đạt điểm 9, 10, vẫn đứng xếp hạng 10 trong lớp. Tình trạng này khiến học sinh ảo tưởng sức mạnh bản thân, không thấy được thất bại của mình.
“Trước đây, điểm số học sinh khá thực chất. Học sinh rất phấn đấu học tập nhưng điểm tổng kết năm khoảng 6,4 đến 7. Toàn trường phổ thông chỉ 1-2 em có điểm tổng kết trên 8 và được khen thưởng giỏi toàn diện.
Học sinh nhận danh hiệu này thấy cũng xứng đáng, thầy cô khen cũng vui vẻ. Còn hiện nay, điểm học bạ đang “trên trời” và việc này xảy ra từ khi xét tốt nghiệp có thành phần điểm học bạ, cũng như các trường đại học đổ xô xét tuyển đại học bằng học bạ”- ông Sơn nói.
TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP. HCM, cũng nhìn nhận mức điểm chuẩn học bạ 15, tức trung bình mỗi môn 5 điểm hơi thấp, dù ở phổ thông 5 điểm là đạt yêu cầu. Theo ông Lý, đa số các trường công lập xét tuyển học bạ đều đưa mức điểm sàn 18, tức mỗi môn 6 điểm.
Cho nên, quan điểm “điểm chuẩn càng thấp, càng nhiều thí sinh trúng tuyển”, sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của trường, ngành. Dần dần các trường sẽ mất những thí sinh có điểm cao, có tố chất học đại học, vì các em sẽ nghĩ rằng: “Mình 20 điểm cũng học cùng ngành với thí sinh 15 điểm”, các em sẽ không học hoặc từ bỏ, từ chối nhập học.
Tuy nhiên theo ông Lý, cũng cần hiểu cái khó của những trường đại học tư tuyển sinh rất khó khăn. Các trường hạ điểm chuẩn để học sinh có cơ hội vào học đại học, có điều kiện trau dồi học hành và nghĩ rằng sẽ dùng “phép màu” để nâng cao chất lượng trong quá trình học.
Nhưng điểm đầu vào thấp quá sẽ ảnh hưởng tới trình độ bậc đại học. Do vậy sẽ hợp lý hơn nếu học bạ 15 điểm là điểm sàn của hệ cao đẳng.
>>> Mời quý phụ huynh,học sinh xem lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chi tiết<<<