Tỷ lệ bao phủ phát triển bền vững, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân
Đến nay, các tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó bầu chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Hệ thống tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT tiếp tục được mở rộng, bố trí các điểm thu, nhân viên thu đến từng thôn, bản, tổ dân phố.
Là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã bám sát thực tiễn theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động phối với các Bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời đưa ra những giải pháp đồng bộ, đúng hướng, quyết liệt. Kết quả, số người tham gia BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước, đặc biệt tỷ lệ người tham gia BHYT tăng trưởng bền vững trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn là thuận lợi. Cụ thể:
Năm 2008: Toàn quốc có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số.
Năm 2009: Sau khi Chỉ thị 38 được ban hành, toàn quốc có trên 50 triệu người tham gia BHYT (tăng trên 10 triệu người so với năm 2008), tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 58,2% dân số.
Năm 2023: có trên 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, thời điểm chưa có Chỉ thị số 38, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số, vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.
Đặc biệt, kết quả phát triển người tham gia BHYT hộ gia đình có sự tăng trưởng ấn tượng: từ 3,76 triệu người tham gia (năm 2009) tăng lên thành 24,89 triệu người (năm 2023), gấp 6,6 lần so với năm 2009.
Việc giữ vững tốc độ phát triển BHYT khẳng định sự kiên định, quyết liệt của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thực hiện hiệu quả lộ trình BHYT toàn dân. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị vừa thể hiện trách nhiệm của ngành trong đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân trong tình hình mới.
Công tác truyền thông, tư vấn chính sách BHYT đổi mới linh hoạt, sáng tạo
Tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta đã tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Điều này cho thấy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự nhận thức, hiểu biết của người dân, doanh nghiệp, người lao động… về ý nghĩa, giá trị, lợi ích của chính sách BHYT và nghĩa vụ tuân thủ pháp luật BHYT đã nâng cao rõ rệt.
Để tạo nên kết quả tích cực đó, công tác truyền thông, tư vấn BHYT đóng vai trò quan trọng, là cầu nối để lan tỏa chính sách BHYT đến với người dân. “Công tác truyền thông phải luôn đi trước một bước” là quan điểm nhất quán của toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam từ chỉ đạo, điều hành cho đến hành động.
Ngày 24/8/2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 96-NQ/BCS về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thông tin, truyền thông về chính sách pháp luật BHYT.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn phát huy thế mạnh của truyền thông số, truyền thông hiện đại, như: xây dựng, vận hành các kênh truyền thông mạng xã hội (fanpage, Zalo OA) của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; phát huy hiệu quả tư vấn, giải đáp thông tin cho Nhân dân qua hệ thống chăm sóc khách hàng, ứng dụng VssID- Bảo hiểm xã hội số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên các kênh hotline và cổng thông tin điện tử của ngành.
Trong đó, hệ thống chăm sóc khách hàng (call center), đảm bảo hoạt động 24/7, đã tiếp nhận hỗ trợ, tư vấn, giải đáp vấn đề có liên quan đến chế độ BHYT cho 18.851 lượt cuộc gọi; góp phần giúp ngành BHXH Việt Nam đẩy mạnh việc chuyển đổi từ hình thức giao dịch trực tiếp sang hình thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng ngân hàng 3.000 câu hỏi/trả lời với hơn 110.000 dữ liệu huấn luyện và sớm vận hành Hệ thống trả lời tự động với mục tiêu nâng cao khả năng hỗ trợ người dân và tổ chức khi tương tác với cơ quan BHXH.
Nỗ lực đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người thụ hưởng
Với quan điểm xuyên suốt "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn nỗ lực đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT. Số lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm. Cụ thể:
Năm 2009: có 88,64 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT với tổng chi khám chữa bệnh BHYT là 15.396 tỷ đồng.
Năm 2015: có 130,17 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT (tăng 46,8% so với năm 2009).
Năm 2020: có 167,34 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT (tăng 28,6% so với năm 2015).
Năm 2023: có 174 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT (tăng 4% so với năm 2020).
Từ năm 2009 đến năm 2023, bình quân lượt khám chữa bệnh BHYT mỗi năm là trên 141 triệu lượt/năm (tăng 59,5% so với năm 2009), với tổng chi phí khám chữa bệnh bình quân 66,2 nghìn tỷ đồng/năm (tăng 330% so với năm 2009).
Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội càng được phát huy, góp phần chăm sóc sức khỏe, ổn định đời sống người dân.
Thúy Ngà