17.000 vụ cháy, 433 mạng người và 7.000 tỉ đồng đã tan thành tro bụi trong 5 năm qua. Nỗi đau 3 cảnh sát PCCC hy sinh khi lao vào biển lửa trong quán karaoke ở Hà Nội cứu hơn 20 người chưa nguôi thì vụ cháy kinh hoàng tiếp tục cướp đi 32 mạng người ở karaoke An Phú (Bình Dương). Những “hồi chuông” xé lòng đó đã đủ để cảnh tỉnh?
Quy định PCCC áp dụng với những cơ sở nhiều nguy cơ như karaoke là hết sức nghiêm ngặt. Cảnh sát PCCC và những cơ quan quản lý cũng khẳng định thường xuyên kiểm tra nhắc nhở. Nhưng 6 năm trước, vụ cháy kinh hoàng trong quán karaoke ở Hà Nội cướp đi 13 mạng người. Còn tại karaoke An Phú, cho đến thời điểm này, theo địa phương, cơ sở đáp ứng tất cả các quy định PCCC hiện hành.
Tuy nhiên, sau những hoảng hốt ban đầu và “giật mình” kiểm tra rà soát lại thì chỉ trong một đêm 7, rạng sáng 8/9, Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện 50 cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm PCCC. Tại TP.HCM, các đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều sai sót, vi phạm PCCC và cũng đã xử lý hơn 90 cơ sở. Trong khi đó, thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an Hà Nội, hiện thành phố có 58% cơ sở không đạt yêu cầu về công tác an toàn PCCC.
Riêng tại Bình Dương, công an tỉnh Bình Dương đã kiểm tra trên 40 cơ sở karaoke, quán bar quy mô lớn, phát hiện, xử lý 24 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn PCCC - CNCH. Trong đó, 21 cơ sở bị xử phạt hành chính với số tiền hơn 250 triệu đồng, 3 cơ sở bị tạm đình chỉ vì chưa đảm bảo an toàn”.
Người ta đang tự hỏi, nếu vụ cháy kinh khủng trên không xảy ra thì liệu có phát hiện nhiều cơ sở vi phạm như thế? Rồi sau những đợt tổng kiểm như vậy, hậu kiểm sẽ ra sao?. Ngay tại nơi xảy ra thảm họa đấy, chiều nay 12/9, Công an TP Thuận An- Bình Dương cho hay, trước khi xảy ra vụ cháy quán karaoke làm chết 32 người, ngành chức năng địa phương đã kiểm tra, nhắc nhở khi phát hiện hệ thống điện có vấn đề nhưng chủ cơ sở bỏ ngoài tai. Chẳng lẽ họ bỏ ngoài tai rồi cơ quan chức năng cũng đành chịu sao?
Trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy sáng 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Chú ý các cơ sở tập trung đông người, các nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ, nhất là các khu chung cư cao tầng; xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đưa vào hoạt động không bảo đảm các điều kiện an toàn. Với nhiệm vụ trên, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ, nghiêm minh, không lợi ích nhóm, không vụ lợi; làm rõ trách nhiệm những người liên quan.
Thật ra quy định PCCC và luật lệ liên quan đã đủ để ngăn giặc lửa hoành hành nhưng thực thi ra sao, thực hiện thế nào và thực tế đã diễn biến những gì để hàng trăm người bị thiêu cháy trong 5 năm qua có lẽ cần phải nghiêm túc nhìn lại.
Bảo rằng đã làm hết trách nhiệm hay luôn kiểm tra, nghiệm thu hệ thống PCCC, luôn xử phạt nhắc nhở thì tại sao lại có những vụ cháy kinh hoàng cướp đi nhiều mạng người như ở karaoke An Phú. Cho rằng, chỉ có chủ những cơ sở kinh doanh cẩu thả và hám lợi dẫn đến lơ là PCCC rồi hậu quả khủng khiếp xảy ra liệu đã đủ lấp đầy những lổ hổng chết người chưa hẳn đã từ một phía?
“Tôi lưu ý là nhiều vụ gây chết nhiều người xảy ra tại cơ sở kinh doanh karaoke; tại Hà Nội, nhiều vụ cháy quán karaoke xảy ra tại quận Cầu Giấy. Chúng ta phải suy nghĩ về các số liệu, mất mát nói trên, về những địa bàn, khu vực, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy để tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm, tìm ra biện pháp phòng ngừa, xử lý.
Khi các vụ cháy xảy ra nhiều lần trên một địa bàn, một lĩnh vực thì phải kiểm điểm, xác định tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm kỷ luật trước Đảng, Nhà nước” - lời Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Có lẽ đó là điều không chỉ cảnh báo những cá nhân thiếu ý thức hay lơ là trách nhiệm dẫn đến những thảm họa khôn lường mà các cơ quan quản lý, liên quan đến PCCC phải nhìn ra để nhận thấy những thiếu sót của mình. Nếu vẫn cứ đổ lỗi do ABC gì đấy hay lại xuề xòa đối phó cho qua những sóng gió lúc này thì chắc chắn hỏa hoạn kinh hoàng sẽ còn tái diễn.
Hà Phan