- ĐB Trần Quang Chiểu cho rằng, trên thế giới có trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ chỉ có Việt Nam là 2 bộ quản lý vốn ngân sách nhà nước, trong khi quy mô nền kinh tế và ngân sách không lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đầu tư công đã hết thời ‘ăn đong’
Thủ tướng: Không ôm đồm, tạo thuận lợi cho địa phương giải ngân vốn đầu tư công
Thảo luận tại hội trường về dự luật Đầu tư công (sửa đổi) chiều nay, ĐB Trần Quang Chiểu, ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách đề xuất tập trung quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) về một mối kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư.
Theo ông, việc sử dụng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển vừa qua chưa đạt được kỳ vọng, chưa tương xứng với số tiền bỏ ra. Trong đó nguyên nhân rất quan trọng là việc quản lý NSNN còn phân tán.
Do vậy, ĐB Chiểu đề nghị đưa nhiệm vụ quản lý chi đầu tư phát triển từ NSNN hay còn gọi là đầu tư công về một bộ quản lý.
ĐB Trần Quang Chiểu. Ảnh: Minh Thăng |
Ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách đưa ra 4 lý do cho đề nghị này, trong đó có việc để khắc phục tồn tại cố hữu hiện nay về quản lý NSNN.
“Hiện nay, ở nước ta NSNN do 2 cơ quan quản lý là Bộ KH-ĐT quản lý phân bổ, chi đầu tư còn Bộ Tài chính quản lý phân bổ chi thường xuyên. Việc này dẫn đến tình trạng nguồn lực phân tán, chồng chéo, thiếu thống nhất trong quản lý NSNN. Từ đó làm giảm hiệu quả chi NSNN, sử dụng NSNN phân tán, manh mún, xé lẻ, thiếu sự gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư”, ĐB Chiểu phân tích.
Ngoài ra, ông Chiểu cho rằng, để thực hiện nghị quyết số 18 TƯ 6 về tinh gọn bộ máy, không thể không thực hiện việc quản lý NSNN vào 1 đầu mối.
“Trên thế giới có trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ chỉ có Việt Nam là có 2 bộ quản lý vốn ngân sách nhà nước. Trong khi quy mô nền kinh tế cũng như quy mô ngân sách của chúng ta không lớn. Vì vậy không có lý do gì không tập trung về một mối. Việt Nam không thể một mình một kiểu”, ĐB tỉnh Nam Định nhấn mạnh.
Theo ông, việc tập trung một bộ quản lý NSNN chi cho cả đầu tư và thường xuyên là yêu cầu khách quan, đã khách quan thì tất yếu sẽ đến và đến sớm bao nhiêu tốt cho đất nước bấy nhiêu.
“Vừa qua, khi sửa đổi luật Quản lý nợ công, QH đã làm được một việc quan trọng là tập trung một đầu mối thống nhất quản lý đối với nợ công thì tại sao lần này không mạnh dạn tiến thêm một bước nữa để có sự quản lý thống nhất đối với toàn bộ lĩnh vực đầu tư công nói riêng và quản lý NSNN nói chung”, ĐB Chiểu nói.
Không nên duy trì mãi cái gọi là đặc thù
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng đây cũng là dự án luật có đời sống ngắn nhất vì vừa mới áp dụng 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung, chưa bao quát hết các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Vì vậy lần sửa đổi này cần đánh giá toàn diện, sâu sắc, đầy đủ các vấn đề thực tiễn đặt ra, khắc phục hạn chế về thể chế chính sách để tạo khung khổ pháp lý ổn định, có sức sống lâu bền, tránh tình trạng vừa ban hành đã sửa đổi.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai |
“Cần nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm quốc tế, chúng ta không nên duy trì mãi cái gọi là đặc thù, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay”, ĐB Mai lưu ý.
Theo bà, cần đổi mới cách thức lựa chọn dự án đầu tư theo kết quả đầu ra, xác định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức với hiệu quả đầu tư của các dự án.
“Dự thảo luật còn thiếu vắng các tiêu chí lựa chọn dự án, chưa gắn việc phân bổ nguồn lực với hiệu quả đầu ra, đồng thời chưa quy định về trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân với hiệu quả dự án, nhất là trong trường hợp đầu tư không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí”, ĐB Mai chỉ rõ.
Bà cũng nêu thực tế thời gian qua thiếu vắng quy định về thẩm quyền nên trong quá trình tổ chức thực hiện phát sinh nhiều tranh luận, ý kiến, cách hiểu khác nhau.
Nghiêm túc tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của ĐB
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) chỉ rõ cái gốc của hạn chế trong đầu tư công hiện nay là vấn đề phân bổ ngân sách của TƯ cho các địa phương bị chậm.
“Tôi đồng tình với quan điểm của ban soạn thảo, đó là sửa đổi quy định về thủ tục phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm theo hướng dẫn đẩy mạng phân cấp, tăng cường hậu kiểm”, ông Phương nói.
Theo ông nên phân cấp cho chính quyền địa phương, đi theo đó là phân quyền. Chính quyền địa phương sẽ thảo luận, quyết định chọn vào dự án nào theo hướng tiêu chí mà TƯ phân bổ.
Vấn đề trách nhiệm từ tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm, các cơ quan chuyên môn của Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, uốn nắn, chấn chỉnh, phát hiện…
“Lần này nếu sửa đổi theo tinh thần phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương, tiền kiểm trở thành hậu kiểm thì không còn chuyện dự án kéo dài đội vốn như thời gian qua”, ông Phương nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Minh Thăng |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sau 3 năm thực hiện luật Đầu tư công, đã có bước chuyển biến căn bản trong tái cơ cấu đầu tư công, khắc phục phân tán, dàn trải, nhất là nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn có những vướng mắc, yếu kém trong thực hiện, có những vướng mắc về quy định pháp luật.
Để khắc phục những yếu kém, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết để siết chặt kỷ luật đầu tư và sửa 1 nghị định liên quan đến đầu tư công.
"Sau cuộc họp này, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ KH-ĐT làm việc với các cơ quan liên quan, nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của ĐB, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật để trình QH xem xét", Phó Thủ tướng nói.
Nhập Bộ KH-ĐT, Tài chính: Đề xuất không hoàn toàn chính xác
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ý kiến nên nhập Bộ KH-ĐT và Tài chính không hoàn toàn chính xác.
Không 'ôm' doanh nghiệp, sáp nhập còn 15 bộ nhẹ tênh
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Mão đề nghị nghiên cứu sáp nhập một số bộ có nhiệm vụ, chức năng tương đồng, giảm từ 18 xuống còn 15 bộ.
‘6-8 bộ, hàng chục tỉnh có thể sáp nhập với nhau’
ĐB Phạm Văn Hoà, Đồng Tháp cho rằng, hiện nay có khoảng 6-8 bộ và nhiều tỉnh có thể sáp nhập với nhau.
Thu Hằng