Hành trình kỳ lạ
Sau cuốc xe đường dài, ông Hồ Ngọc Long (62 tuổi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), cởi phăng chiếc áo đẫm mồ hôi, vắt lên chiếc ghế gỗ. Ông ngồi thụp xuống hiên nhà, với tay lấy bình trà đá tu ừng ực.
Biết chúng tôi đến hỏi thăm về người con trai út vừa từ Thái Lan trở về sau hành trình 18 ngày bơi xuồng cao su vượt biển sang Ấn Độ cưới vợ, ông chỉ tay xuống sau nhà nói: “Nó đó. Nó về mấy hôm rồi”.
Đó là người đàn ông thấp bé, gầy ốm, tóc nhuộm vàng. Anh có nụ cười thân thiện và cách nói chuyện nhẹ nhàng. Anh cho biết mình tên Hồ Hoàng Hưng, 37 tuổi.
Trước đó, tờ Bangkok Post đưa tin, ngày 23/3, Hải quân Thái Lan cứu hộ một người đàn ông Việt Nam chèo xuồng cao su với ý định sang Ấn Độ cưới vợ. Người đàn ông trên chính là anh Hồ Hoàng Hưng.
Anh Hưng quả quyết mình vượt biển là để sang Ấn Độ. Tại đây, sẽ có người hỗ trợ anh sang Anh quốc để cưới cô gái mà anh đã quen trước đó.
Hưng đi máy bay đến Bangkok (Thái Lan) vào ngày 2/3. Sau đó, anh bắt xe buýt từ thủ đô nước này đến Phuket. Tại đây, anh Hưng mua một chiếc xuồng cao su và khoảng 60 gói mỳ tôm cùng 6-7 bình nước lọc.
Ngày 5/3, anh Hưng bắt đầu hành trình vượt biển sau khi đã chất đầy hành lý gồm một ít quần áo, mì tôm, nước uống lên chiếc xuồng cao su nhỏ bé. Anh đẩy xuồng ra biển rồi cố chèo theo hướng mặt trời.
Ngày đầu tiên, anh cùng chiếc xuồng trôi từ đất liền ra một hòn đảo lạ giữa biển rồi mắc kẹt tại đây suốt 3 ngày liền. Anh cho rằng, xung quanh đảo có vùng nước xoáy nên dẫu cố chèo xuồng ra xa, anh vẫn bị dòng nước cuốn lại vị trí cũ.
Đến ngày thứ tư, anh cố bơi xuồng theo một hướng khác thì “sáng hôm sau, khi tỉnh dậy mới không còn nhìn thấy màu xanh thẫm của hòn đảo nữa”. Không bản đồ, không có kinh nghiệm đi biển, anh tự tìm hướng đi cho mình bằng cách “ban ngày bơi xuồng theo hướng mặt trời mọc, đêm bơi theo hướng mặt trăng”.
Liên tục phơi mình dưới cái nắng gay gắt khiến anh Hưng gầy sọp, đen nhẻm. Thậm chí, những phần cơ thể không có áo, quần che đều bị nắng, nước biển làm cho phồng rộp, nứt nẻ. Đến nay, các vết thương ấy vẫn chưa lành.
Anh kể: “Đi như thế, tôi không thấy sợ hay mệt gì cả. Khi đói, tôi lấy mì tôm ra ăn sống rồi uống nước vào. Suốt 18 ngày trên biển, tôi cứ ăn như thế. Trước đó, tôi đã tập ăn như vậy rồi nên khi ra biển thật thì không vấn đề gì”.
Anh cũng khẳng định những ngày vượt đại dương trên xuồng cao su, anh nhiều lần gặp sóng to, gió lớn thậm chí đối mặt với những cơn bão dữ giữa biển khơi. Tuy nhiên, anh và chiếc xuồng chưa bị sóng đánh lật, nhấn chìm lần nào.
Kết thúc bất ngờ
Ban đầu, anh Hưng dự tính sẽ bơi xuồng cao su vượt biển đến Ấn Độ trong vòng 20 ngày. Tuy nhiên, đến ngày thứ 18, anh quyết định kết thúc hành trình bởi nhận thấy không thể đến được nơi anh muốn.
Anh nói: “Sau khi đi mười mấy ngày, tôi kiểm tra lại thì thấy mì tôm, nước uống sắp cạn. Trong khi đó, tôi vẫn thấy cờ Thái Lan được treo trên những con tàu lớn. Tôi nghĩ, như vậy là mình chưa ra khỏi Thái Lan”.
“Với số thức ăn, nước uống còn lại, tôi nghĩ mình không đủ sức để vượt biển nên tìm cách xin các tàu cá nước bạn giúp đỡ. Tôi cố gắng xin sự hỗ trợ từ các tàu, thuyền đánh cá bằng cách nói: “Help me” (tạm dịch: Xin hãy giúp tôi)”, anh kể thêm.
Một số tàu, thuyền đánh cá khi nhận được tín hiệu nhờ hỗ trợ từ anh đã từ chối, không giúp đỡ. Những người trên thuyền đan 2 cánh tay vào nhau tạo thành hình chữ X ra hiệu không thể giúp.
Anh cho rằng, họ nghĩ anh là dân buôn lậu, chở hàng cấm hoặc vượt biên trái phép nên không dám giúp vì sợ bị liên lụy. Tuy nhiên, anh liên tục nói câu tiếng Anh: “Help me please”. Cuối cùng, anh được một tàu cá tiếp cận.
Tàu cá này trình báo việc mình phát hiện xuồng cao su của anh Hưng ngoài biển cho lực lượng Hải quân Thái Lan. “Khoảng 15 phút sau, tôi thấy tàu của Hải quân Thái Lan đến. Họ khám xét tôi. Khi nhận thấy tôi an toàn, họ đưa tôi vào đảo để hồi phục sức khỏe”, anh kể.
Sau đó, anh Hưng được đưa vào đất liền tại Thái Lan. Anh không nhớ mình đã được đưa đến địa điểm nào của nước này. Anh chỉ nhớ mình được chăm sóc sức khỏe rất tốt trong bệnh viện.
Tại đây, sau khi có đầy đủ giấy tờ, anh được một nhà hảo tâm tài trợ vé máy bay để bay từ Thái Lan về sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Về đến TP.HCM, anh Hưng bắt xe buýt rồi đi thêm một chặng xe ôm nữa để về nhà ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Ông Long cho biết, ông chưa từng nghe đến việc con trai mình kết hôn với cô gái nước ngoài. Việc con trai ông xuất ngoại, rồi bơi xuồng cao su vượt biển ông và gia đình cũng không hề hay biết. Chỉ khi báo chí đưa tin, ông mới hay và hoang mang cực độ.
“Hưng cứ đi đi về về. Nó nhiều lần đi nước ngoài rồi lại về nên chúng tôi cũng không biết nó đi đâu, làm gì. Khi được báo chí thông tin là nó đi xuồng hơi ra biển để sang Ấn Độ, gia đình tôi rất lo lắng. Nay nó lành lặn trở về, chúng tôi rất vui”, ông Long chia sẻ.
Cùng nhận định, ông Võ Thành Cư, Bí thư kiêm Trưởng ấp 1B, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An cho biết, anh Hưng là người địa phương. Tuy nhiên, anh này liên tục đi khỏi địa phương và xuất ngoại.
“Đặc biệt, anh Hưng có một số lời nói, hành động không được bình thường nhưng không hề có giấy tờ gì liên quan đến bệnh tâm thần. Những lúc có mặt, sinh sống tại địa phương, anh Hưng vẫn hòa đồng với mọi người. Việc anh này bơi xuồng cao su vượt biển cũng khiến tôi bất ngờ”, ông Cư nói.
Hà Nguyễn