Cụ thể, trong câu hỏi 20 điểm ở phần Về đích của Nguyễn Trọng Thành (học sinh Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng) có nội dung: “Thủy tinh lỏng được dùng để chế tạo keo dán thủy tinh, sứ và nhiều ứng dụng khác. Bạn hãy cho biết thủy tinh lỏng là dung dịch đậm đặc của hai hợp chất nào (nêu công thức phân tử)?”.

Ngay khi nghe câu hỏi, Trọng Thành nhanh chóng đưa ra câu trả lời là “Na2SiO3 và K2SiO3”, nhưng sau đó lại sửa thành “Natri Silicate và Kali Silicate”.

MC thông báo các thí sinh còn lại được giành quyền trả lời. Nguyễn Việt Thành (học sinh Trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội) bèn ấn chuông trả lời là “Na2SiO3 và K2SiO3”.

MC Ngọc Huy cho biết Trọng Thành cần đọc kỹ lại câu hỏi. “Trong câu hỏi chương trình nói rõ là nêu công thức phân tử. Tuy nhiên câu trả lời cuối cùng bạn đưa ra lại không phải là công thức phân tử”.

Ngay lập tức, Trọng Thành “phản bác”: “Nội dung “nêu công thức phân tử” được đặt trong dấu ngoặc nên em hiểu mình có thể nêu công thức phân tử hoặc không. Bởi vì câu hỏi chỉ yêu cầu nêu hai hợp chất nên em hoàn toàn có thể chỉ đọc tên chất”.

Sau ý kiến của Trọng Thành, để đảm bảo công bằng, MC đã hỏi ý kiến ban cố vấn về việc cho điểm câu trả lời nào. Quyết định của ban cố vấn sẽ là quyết định cuối cùng.

PGS.TS Trần Trung Ninh, thành viên ban cố vấn, cho rằng câu trả lời của Trọng Thành chính xác và được chấp nhận.

“Về ý nghĩa của các chất có thể đọc tên hoặc đọc công thức. Tuy nhiên khi nói về một chất, người ta thường dùng tên chất. Mở ngoặc đơn chỉ là một chú thích cho chi tiết thêm. Cho nên, chỉ đọc tên tôi nghĩ đã đầy đủ rồi”.

Quyết định cuối cùng của chương trình, điểm số thuộc về Trọng Thành.

namsinh1-1.jpg
Nguyễn Trọng Thành (học sinh Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng). Ảnh: Thạch Thảo

Ngoài ra, ở một câu hỏi khác chiếm 30 điểm tại phần Về đích của Nguyễn Minh Triết (học sinh Trường THPT Chuyên Quốc học, Thừa Thiên - Huế), chương trình đưa ra câu hỏi: “Trong bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du, nhà thơ Tố Hữu viết: “Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như?/Mai sau, dù có bao giờ…/Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay!”. “Câu thơ thuở trước” mà tác giả nói đến là hai câu thơ nào và trong bài thơ nào của Nguyễn Du?”.

Minh Triết không trả lời được câu hỏi này và các thí sinh khác được giành quyền trả lời.

Lê Xuân Mạnh (học sinh Trường THPT Hàm Rồng - Thanh Hóa) đã bấm chuông trả lời: “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/Người đời ai khóc Tố Như chăng?”. Câu thơ này nằm trong bài thơ “Độc Tiểu Thanh Ký”.

Đáp án được chương trình chấp nhận, bởi câu thơ chữ Hán nguyên tác của Nguyễn Du là “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.

Tuy nhiên sau khi công bố đáp án, ngay lập tức Trọng Thành có ý kiến rằng câu hỏi yêu cầu đọc câu thơ của Nguyễn Du, do đó phải đọc nguyên tác thay vì bản dịch vì có rất nhiều bản dịch khác nhau.

PGS.TS Hà Văn Minh, thành viên ban cố vấn, sau đó lý giải “Độc Tiểu Thanh ký” là bài thơ rất nổi tiếng, có trong chương trình phổ thông từ nhiều năm nay.

Phương án ban cố vấn đưa ra và đã duyệt là thí sinh có thể trả lời một trong hai cách: đọc nguyên văn bản phiên âm hoặc đọc trọn vẹn bản dịch nghĩa của câu thơ này. Do đó, đáp án của Xuân Mạnh được chấp nhận.