Tại buổi gặp báo chí nhằm trao đổi về hỗ trợ của Mỹ dành cho Việt Nam trong việc sẵn sàng ứng phó bệnh đậu mùa khỉ, bác sĩ Eric Dziuban - Giám đốc Quốc gia, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (US CDC) tại Việt Nam chia sẻ, tính đến sáng 29/7, thế giới ghi nhận 21.148 ca bệnh đậu mùa khỉ tại 78 quốc gia.
“Con số này cho chúng ta biết sự lây nhanh chóng của virus đậu mùa khỉ, chỉ trong vòng 1 tuần số ca mắc đã tăng từ 16.000 lên đến hơn 21.000 ca”, bác sĩ Dziuban nói.
Bác sĩ Dziuban cũng thông tin thêm, châu Âu đang dẫn đầu về ca bệnh, sau đó là châu Mỹ. Mỹ đang dẫn đầu các nước về số ca hiện nay. Mặc dù lây lan nhanh nhưng số tử vong do đậu mùa khỉ hiện rất thấp, đến nay mới chỉ có 5 ca tử vong, ở khu vực châu Phi. Trong số 78 quốc gia ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ có đến 71 quốc gia lần đầu tiên ghi nhận và 7 quốc gia từng có ca mắc bệnh này.
Thông tin về triệu chứng đậu mùa khỉ, bác sĩ Dziuban cho rằng, đợt bùng phát này đậu mùa khỉ có những đặc điểm chưa có ở các ca trước đó. “Các triệu chứng đậu mùa khỉ gần giống đậu mùa- căn bệnh chúng ta đã thanh toán từ lâu. Mặc dù gần giống nhưng đậu mùa khỉ có nguy cơ tử vong thấp hơn nhiều”, bác sĩ Dziuban thông tin thêm.
Về lây truyền, chuyên gia thông tin, bệnh chủ yếu từ người sang người thông qua tiếp xúc, chạm vào đồ vật hoặc các dịch tiết tổn thương trên cơ thể người bệnh. Bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con, lây từ động vật sang người, không nhất thiết là khỉ. Về dự phòng, người dân tránh tiếp xúc gần, da kề da với người bệnh, thực hành tốt vệ sinh tay và tiêm vắc xin để phòng bệnh.
“Chúng ta chưa có phương pháp đặc trị đậu mùa khỉ nhưng có cách điều trị cho bệnh tương tự như đậu mùa. Một số quốc gia như Mỹ đã cho phép dùng phương pháp điều trị đậu mùa cho đậu mùa khỉ”. Cũng theo bác sĩ Dziuban, hầu hết những ca đậu mùa khỉ đều có triệu chứng nhẹ và đa số tự khỏi tuy nhiên có một số trường hợp nặng hoặc có nguy cơ cao tiến triển nặng.
Với đợt bùng phát đậu mùa khỉ năm 2022 này, điều khác biệt là bệnh được ghi nhận tại một số quốc gia chưa từng ghi nhận đậu mùa khỉ. Điểm khác nữa là không phải tất cả nhưng hầu hết ca bệnh là những người nam quan hệ đồng giới. Một vài điểm khác thuộc về biểu hiện lâm sàng. Cụ thể, trước đây các bệnh nhân phát ban ở toàn cơ thể nhưng đợt bùng phát lần này, các bệnh nhân có phát ban ở một số vùng như bộ phận sinh dục, sau đó lan ra cơ quan khác. Điều này làm cho bệnh dễ bị nhầm lẫn sang bệnh lây truyền qua đường tình dục.
“Đậu mùa khỉ không dễ lan, không lây truyền nhanh, rộng rãi như Covid-19. Đậu mùa khỉ có ít nguy cơ gây đại dịch hơn so với Covid-19”, Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam khẳng định.
Bác sĩ Dziuban cũng đưa ra thông tin về một số nhóm người có nguy cơ cao hơn mắc đậu mùa khỉ. “Nhóm nguy cơ cao nhất, phơi nhiễm với bệnh này là nhóm nam quan hệ đồng giới và nữ chuyển giới. Hầu hết các ca bệnh đều là người lớn, 95% ca bệnh đã ghi nhận thuộc nhóm có quan hệ đồng tính nam”, bác sĩ cho biết.
Tuy nhiên theo Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam, căn bệnh này không phải bệnh riêng trong nhóm cộng đồng nam quan hệ đồng giới. “Chúng ta cẩn trọng khi truyền thông nếu không sẽ tạo ra sự kỳ thị với một nhóm người”. Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam liên tục nhấn mạnh những người nhiễm không thuộc nhóm quần thể nào, tất cả mọi người đều có thể mắc căn bệnh này nếu không dự phòng tốt.
Về nguyên nhân đậu mùa khỉ lây lan nhanh, bác sĩ Dziuban cho rằng hiện chưa đánh giá được nguyên nhân chính xác bệnh đậu mùa khỉ lây lan nhanh trên thế giới. Có thể do chúng ta thanh toán được bệnh đậu mùa đã lâu vì vậy những người được tiêm vắc xin đậu mùa khỉ là vắc xin thế hệ cũ và nhóm dân cư mới sinh sau năm 1970 chưa được tiêm vắc xin này nên khiến căn bệnh này tăng trở lại.
“Chúng tôi chưa biết được nguyên nhân lây lan bệnh nhanh có liên quan đến thay đổi khí hậu, di chuyển dân cư hay không nhưng chúng ta đã làm việc chặt chẽ để ứng phó với căn bệnh này”, bác sĩ Dziuban nói. Đánh giá về nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, cũng theo bác sĩ Dziuban, nếu ở Việt Nam ghi nhận ca bệnh không phải là điều ngạc nhiên do nước ta đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên Việt Nam có lợi thế là 2 tháng để chuẩn bị do 2 tháng trước, thế giới ghi nhận ca bệnh trong khi chúng ta chưa có. Vì vậy đây là thời gian chúng ta lên các phương án đối phó với bệnh.
Từ 2 tháng trước, CDC Mỹ đã làm việc với Bộ Y tế Việt Nam để đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn liên quan đến theo dõi, xét nghiệm, dự phòng căn bệnh này. “Chúng tôi cũng đang làm việc với Bộ Y tế Việt Nam để có sinh phẩm xét nghiệm đậu mùa khỉ sớm nhất. Chúng tôi cũng phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới để nguồn sinh phẩm này nhiều hơn và để các nước khác được tiếp nhận nhiều hơn”, bác sĩ Dziuban nói thêm.