Gần đây, video về một sự kiện hẹn hò, xem mặt tập thể ở tỉnh Giang Tây diễn ra vào đầu tháng 1/2023, được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Nội dung xoay quanh cuộc tranh giành giữa những ứng cử viên nam để lấy được vợ, SCMP đưa tin.
Đoạn clip cho thấy hơn 20 người đàn ông xếp hàng để được làm quen, lấy số liên lạc, quét mã QR trên WeChat của một cô gái với hy vọng có được cơ hội hẹn hò.
Những sự kiện tương tự diễn ra khá nhiều tại Trung Quốc, làm nổi bật sự mất cân bằng giới tính ở đất nước tỷ dân và những khó khăn mà phái mạnh đang gặp phải khi tìm kiếm một mối quan hệ lãng mạn.
“Tôi thấy thật xấu hổ. Tôi thà độc thân cả đời hơn”, người quay cảnh này nói.
Trên tường của căn phòng diễn ra buổi xem mặt, rất nhiều mẩu giấy liệt kê thông tin cá nhân của những người tham gia, bao gồm tuổi, chiều cao, cân nặng, trình độ học vấn, nghề nghiệp và chi tiết gia đình, cũng như tiêu chuẩn họ đặt ra cho các đối tác tiềm năng.
Một cô gái 28 tuổi đang làm giáo viên mẫu giáo đã ghi trong sơ yếu lý lịch của mình rằng cô hy vọng chồng tương lai sẽ cao trên 1,7m và ít nhất phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
“Anh ấy tự kinh doanh cũng tốt, nhưng sẽ tuyệt hơn nếu đối phương có công việc ổn định. Người đó cũng phải hướng ngoại với tinh thần dám nghĩ dám làm”, yêu cầu của đàng gái dành cho các ứng cử viên được ghi rõ.
Video về sự kiện hẹn hò giấu mặt đã nhanh chóng trở thành tâm điểm và thu hút 48 triệu lượt xem chỉ riêng trên Weibo cùng hàng chục nghìn bình luận.
“Tôi không nói nên lời với tỷ lệ 20 nam/1 nữ này”, một người dùng nói.
Trong khi tình trạng thiếu phụ nữ diễn ra ở làng quê, thì ngược lại, các thành phố lớn lại thừa phụ nữ, những cô gái thành công trong sự nghiệp, có cuộc sống tự do, thoải mái và tuyên bố từ chối những cuộc hôn nhân "chất lượng thấp".
Những cô gái này bị gọi là “phụ nữ ế chồng”, ám chỉ quan niệm cho rằng cuộc đời của cô gái sẽ kết thúc nếu không lập gia đình ở độ tuổi nhất định - từ 25 tuổi ở nông thôn và 30 tuổi tại thành thị.
Trung Quốc có 722 triệu nam giới và 690 triệu nữ giới, chênh lệch nhau khoảng 32 triệu người. Phần lớn tập trung ở nhóm sinh ra trong thời kỳ chính sách một con từ năm 1980-2015.
Vấn đề càng rõ nét hơn ở các vùng sâu, vùng xa, nơi tư tưởng thích con trai hơn con gái đã ăn sâu vào tiềm thức và nhiều phụ nữ rời bỏ quê hương để lên thành phố làm việc.
Kết quả là tiền sính lễ đã tăng vọt trong một thập kỷ qua trên khắp Trung Quốc.
Gia đình nhà trai phải trả cho cha mẹ của đàng gái một khoản tiền cưới vợ, được xem như bồi thường cho công ơn nuôi dưỡng và để thuyết phục người nhà ủng hộ cuộc hôn nhân.
Theo Zing