Người phụ nữ đặc biệt này là chị Hoàng Thị Kiều, sinh năm 1978, quê Thái Nguyên. Năm 2003, cô gái 25 tuổi thấy cơ thể dần thay đổi, cảm giác đau đầu và mệt mỏi nhiều. Đi khám, chị nhận kết quả xét nghiệm: hồng cầu giảm, bạch cầu và tiểu cầu tăng cao, siêu âm phát hiện lách to.

Cô gái trẻ sững sờ khi biết mình bị bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt, căn bệnh được nhiều người gọi là “máu trắng”.

Nữ sinh viên năm cuối hoang mang bởi kỳ thi tốt nghiệp đã gần kề. Không muốn bố mẹ phải lo nghĩ, chị âm thầm giấu bố mẹ vào điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội). Duy nhất người em gái và bạn thân biết bệnh tình của chị.

Sau gần 1 tháng nằm viện, các chỉ số xét nghiệm ổn hơn, chị Kiều và em gái lại tự xoay sở, vay mượn bạn bè để trả viện phí. Ngày chị ra viện cũng là ngày trường tổ chức thi tốt nghiệp.

6 năm sau khi liên tục đi khám theo đúng lịch hẹn và tuân thủ mọi tư vấn của bác sĩ, chị bắt đầu được điều trị bằng thuốc nhắm đích. Từ năm 2016, tức là 13 năm sau khi biết mình mắc bệnh, chị chuyển sang uống thuốc nhắm đích thế hệ 2.

Năm 2020, chị nhận kết quả chỉ số xét nghiệm gene bệnh BCR-ABL về âm tính, nghĩa là cơ thể đáp ứng thuốc tốt, điều trị ổn định. Hạnh phúc vỡ òa với người phụ nữ 42 tuổi, dù chặng đường tiếp theo của chị vẫn gắn liền với thuốc. Nhưng được sống như một người bình thường có đủ sức khỏe dù mắc căn bệnh nguy hiểm với chị vẫn là điều quá đáng quý.

20 năm điều trị bệnh cũng là chặng đường chứng kiến ý chí không khuất phục của chị Kiều. Sau 6 năm điều trị, chị quyết định theo học trung cấp dược, có thêm kiến thức để chăm sóc sức khỏe cho chính mình và người xung quanh. Vừa học, vừa làm, sau khi tốt nghiệp, đi làm tại một công ty dược.

Với kiến thức được học và kinh nghiệm từ thực tế, người phụ nữ mang trong mình bệnh "máu trắng" dồn tâm huyết mở hiệu thuốc kinh doanh độc lập, bắt đầu khởi nghiệp. 10 năm sau đó, chị tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Năm 2021, ở tuổi 43, chị bước chân vào giảng đường đại học với quyết tâm có được tấm bằng dược sĩ đại học.

ungthumau.jpg
20 năm điều trị ung thư máu, chị Kiều gần hoàn thành 3 chương trình học, khởi nghiệp thành công. Ảnh: BVCC

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho hay cơ sở này đang quản lý, theo dõi và điều trị ngoại trú cho khoảng 1.500 bệnh nhân ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt. Mỗi năm, viện tiếp nhận thêm khoảng 100 bệnh nhân mới chẩn đoán.

Nguyên nhân gây bệnh Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt là do bất thường di truyền chuyển đoạn giữa nhiễm sắc thể số 9 và nhiễm sắc thể số 22. "Đây là một trong những bệnh ung thư có khả năng điều trị rất hiệu quả", bác sĩ Hà Thanh nói.

Trước đây, giai đoạn mạn tính của bệnh thường kéo dài 3-5 năm, sau đó chuyển thành Lơ-xê-mi cấp (ung thư máu cấp tính), tiên lượng xấu, thời gian sống thêm thường không quá 1 năm. Hiện nay, với việc ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài và điều trị nhắm đích bằng các thuốc TKI, tiên lượng người bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt được cải thiện mạnh mẽ.

"Điều trị nhắm đích có thể coi là bước đột phát trong điều trị một số thể bệnh ung thư máu, thuốc nhắm đích sẽ tấn công trực tiếp và sửa chữa các đột biến di truyền nhiễm sắc thể gây bệnh, giúp người bệnh không phải truyền hóa chất và có cuộc sống gần như người bình thường”, bác sĩ Thanh chia sẻ.

Triệu chứng ban đầu của ung thư máu mạn tính

Giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể mệt mỏi, gầy sút cân, mất ngủ, ra nhiều mồ hôi trộm… Có trường hợp không có triệu chứng, chỉ vô tình được phát hiện khi đi khám về bệnh khác hoặc khám sức khỏe định kỳ.

Ở giai đoạn bệnh tiến triển hoặc giai đoạn muộn, triệu chứng của bệnh thường biểu hiện rõ hơn như thiếu máu, gan lách to, hạch to, thậm chí cả biểu hiện của tắc mạch máu do bạch cầu tăng cao hay tình trạng nhiễm trùng tái diễn do suy giảm miễn dịch.