Cần nhìn nhận 1 điều rằng trong thời gian gần đây, nền công nghiệp game mobile Việt Nam đang trên  đà phát triển vượt bậc. Và với triết lý mới nổi: “Ai cũng có thể làm game” thì ngày càng có nhiều và nhiều sản phẩm hơn nữa của các bạn trẻ hay các nhóm bạn trẻ từ mọi nơi trên khắp đất nước. 
Nguyên nhân làm game của các bạn cũng rất đa dạng. Có người bị ảnh hưởng bởi làn sóng do hiệu ứng Flappy Bird mang về Việt Nam, cũng có người muốn khẳng định trình độ bản thân mình nhưng dù có nói gì đi nữa thì tất cả đều mang chung 1 mục đích là góp phần đưa tên tuổi Việt Nam ngày càng có mặt trên nhiều bảng xếp hạng, xác nhận sự phát triển của game nước nhà với bạn bè thế giới.
Tuy nhiên để làm được điều nói trên thì cũng có rất nhiều cách làm. Rất nhiều nhà phát triển Việt Nam đã sáng tạo ra được tựa game riêng của chính mình như G4Ustudio với 2 cái tên Pizza Catcher và Speed Ranger,… Trong khi đó 1 bộ phận lớn khác lại chọn cách làm lại, port lại những tựa game vốn dĩ đã khá nổi tiếng trên thế giới. Và đây chính là tiền đề cho sự ra đời của 2048: Power of Two.
 

 
Nếu bạn là người khó tính thì chắc hẳn sẽ coi đây chỉ là tác phẩm sao chép không hơn không kém nhưng nếu là người có niềm tin vững vàng vào sự phát triển của ngành công nghiệp game nước nhà, bạn sẽ thấy rằng đây là một bản port rất đáng khen ngợi từ tựa game gốc 2048 do Gabriele Cirulli – một lập trình viên 19 tuổi người Italy sáng tạo (bạn có thể trải nghiệmtại đây). Bên cạnh đó, đây còn là dấu hiệu cũng như 1 hướng đi mới dành cho những nhà phát triển Việt Nam. 
 

 
Tuy nhiên, ngoài 2048: Power of Two, cũng tồn tại khá nhiều cái tên khác cùng là bản port sang nền di động như Doge2048, Tetris, 2048 phiên bản 3D, 2048 Flappy Bird, 2468 Pro Box, 4096 – Mix twos,... Vậy tại sao 2048: Power of Two lại nhận được khá nhiều lời khen trong làng game Việt?
 
Gameplay – vấn đề không cần phải bàn
 
Có lẽ chúng ta đều công nhận rằng với những tựa game là bản clone, nhất là của những game nổi tiếng thì chắc chắn gameplay là vấn đề ít phải lo lắng nhất. Nếu như bạn đã từng chơi 2048, hoặc 1 cái tên cực đáng chú ý gần đây trong làng di động là Threes thì sẽ đều ấn tượng với phong cách chơi giết thời gian theo kiểu “hack não” này.
Những gì bạn cần phải làm là lướt màn hình nhằm hợp những con số trong những ô giống nhau thành con số mới có giá trị bằng tổng của chúng. Điều đáng chú ý là khi bạn di chuyển, không chỉ mỗi con số bạn muốn mà tất cả các con số có mặt trên màn hình cũng sẽ đều di chuyển theo hướng đó, vậy nên cẩn thận quan sát là yếu tố quan trọng nếu muốn “phá đảo” tựa game. Bạn sẽ giành chiến thắng nếu tạo được những con số có giá trị 256, 512, 1024, 2048,… và thua khi không thể di chuyển nữa.
 
Đồ họa và bố cục sắp xếp hợp lý, dễ nhìn, dễ tiếp cận
 
Khi gameplay đã được đảm bảo thì yếu tố để bạn để mắt đến tựa game chính là nền tảng đồ họa của nó. Được làm ra từ 1 lập trình viên Việt Nam và lại còn là 1 nữ lập trình viên nên không có gì khó hiểu khi 2048: Power of Two sẽ rất dễ dàng tiếp cận thị hiếu game thủ nước nhà. Ngoài ra với tông màu tươi sáng, dễ thương, không gây rối mắt, chắc chắn trò chơi sẽ khiến bạn “chơi” không biết mệt mỏi.
 
Chạy tốt trên hệ điều hành cũ
 
Với yêu cầu phần cứng cực giản dị cũng như đòi hỏi Android 2.2 trở lên, 2048: Power of Two có thể chạy 1 cách mượt mà trên những chiếc điện thoại đời trước nên mọi game thủ, nhất là game thủ Việt đều có thể trải nghiệm trò chơi này. 
 
Bạn có thể tải game tại đây
 
Theo Tri Thức Trẻ