Thông tin trên được bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM chia sẻ.
Cụ thể, trong tuần đầu tiên, Tổng đài 115 tiếp nhận 3 ca cấp cứu trầm cảm, 4 cuộc gọi xin tư vấn về sức khỏe tâm thần. Từ ngày 4/8 đến nay, Tổng đài tiếp nhận thêm 7 trường hợp cấp cứu, đa phần có tình trạng kích động và 11 cuộc gọi xin tư vấn về sức khỏe tâm thần. Các cuộc gọi này được chuyển sang tổng đài Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.
Trong tuần đầu tiên, có 2 trường hợp cấp cứu tâm thần nhưng bệnh nhân tử vong. Một bệnh nhân khác có các biểu hiện kích động và nói rằng mình bị ám hại, có hành vi tấn công người thân. Gia đình liên hệ Trung tâm 115.
Khi nhóm cấp cứu đến, bệnh nhân kích động, la hét. Tuy nhiền, trường hợp này được xử trí thành công, an toàn cho bệnh nhân và gia đình. Hầu hết bệnh nhân còn lại được chuyển sang bệnh viện chuyên khoa, sau đó ổn định và điều trị ngoại trú.
Bác sĩ Long cho biết, Trung tâm 115 đã cử nhóm bác sĩ đi đào tạo về tâm thần; tập huấn cho toàn mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện với 39 trạm vệ tinh; hoàn thiện quy trình phối hợp và học hỏi kinh nghiệm với các chuyên gia Australia về cấp cứu tâm thần.
Trung tâm 115 đề xuất cơ quan chức năng cần có sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng chức năng (công an, chính quyền địa phương…) để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế đối với những tình huống tâm thần kích động.
Bên cạnh đó, cần có hành lang pháp lý để lực lượng 115 thực hiện can thiệp trên đối tượng có hành vi nguy cơ, chưa xác định rõ về tâm thần. Đồng thời, cần quan tâm phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần: cộng đồng, y tế cơ sở, bệnh viện và bệnh viện chuyên sâu.
Hoạt động cấp cứu trầm cảm được phần lớn người dân TP.HCM ủng hộ, thí điểm từ cuối tháng 7/2022. Mô hình là sự phối hợp chặt chẽ giữa Bệnh viện Tâm thần và Trung tâm Cấp cứu 115 qua 2 số tổng đài 115 và 19001267.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, hoạt động này nhằm kịp thời tiếp cận người bệnh để chăm sóc, điều trị chuyên khoa kịp thời những trường hợp có biểu hiện trầm cảm nặng.
Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần khá phổ biến, biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến trung bình. Đáng ngại nhất là trầm cảm thể nặng vì hầu hết người mắc bệnh thường sẽ tìm đến cái chết, cần kịp thời phát hiện các dấu hiệu tự sát và gọi đội cấp cứu đến hỗ trợ.
Hoạt động cấp cứu trầm cảm cũng nằm trong lộ trình chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần hậu Covid-19 cho người dân TP.HCM. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, tỷ lệ người dân mắc chứng lo âu và trầm cảm đã tăng lên 25%.
Theo Sở Y tế TP.HCM, cấp cứu trầm cảm bước đầu đã ghi nhận kết quả, mang lại hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe tinh thần sau đại dịch Covid-19.