Thà nhận rủi ro chứ ngại thay đổi
“Năng lực sản xuất rau quả hàng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn; năng lực sơ chế rau quả khoảng 30%”, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) mở đầu diễn đàn thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả.
Theo ông, việc ùn tắc ở cửa khẩu thời gian qua và đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Câu chuyện về chi phí đường bộ, chi phí bảo quản đã được phản ánh rất nhiều. Do đó, khâu chế biến, thiết lập chuỗi liên kết, xuất khẩu chính ngạch là rất quan trọng.
Cụ thể hơn về năng lực sản xuất của từng mặt hàng, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sản lượng rau của Việt Nam khoảng 10 triệu tấn/năm. Trong đó, sản lượng quý I tập trung vào tháng 1, chiếm hơn 60% tổng sản lượng.
Một số chủ hàng ngại thay đổi nên vẫn chấp nhận rủi ro đưa hàng đi đường bộ xuất khẩu sang Trung Quốc (ảnh: Kiên Trung) |
Theo tính toán, nếu mỗi người dân tiêu thụ khoảng 10kg rau/tháng, sản lượng rau thừa trong quý I/2022 khoảng 2,5 triệu tấn. Số lượng này sẽ đưa vào chế biến. Riêng Tây Nguyên là khu vực thừa nhiều nhất, với hơn 900.000 tấn.
Về cây ăn quả, thanh long cho sản lượng cao nhất (1,4 triệu tấn/năm). Sau đó là chuối hơn 1 triệu tấn, xoài hơn 800.000 tấn, sầu riêng khoảng 600.000 tấn.
Trong 3 tháng đầu năm, thanh long, mít, bưởi, chuối, xoài,... là những loại cây ăn quả chịu áp lực tiêu thụ lớn nhất. Ông Tùng nhận định, sau thanh long, mít có thể sẽ cần hỗ trợ tiêu thụ.
Để tránh rơi vào tình trạng “chữa cháy” như thời gian qua, ông Tùng cho rằng phải dự báo sản lượng, truy xuất nguồn gốc, có kế hoạch tiêu thụ, kết nối doanh nghiệp liên kết sản xuất và đẩy mạnh công nghệ chế biến, nhất là chế biến sâu.
Đề cập tới vấn đề xuất khẩu nông sản, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lưu ý, dù đi đường bộ, đường biển hay đường sắt, các mặt hàng của Việt Nam đều phải đáp ứng được những yêu cầu từ phía Trung Quốc về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc.
Theo ông Hải, để có thể chuyển đổi xuất khẩu từ đường bộ sang đường biển một cách hiệu quả, cả nông dân và doanh nghiệp đều phải thay đổi tư duy sản xuất và bán hàng. Bên cạnh đó phải thay đổi khách hàng, thiết lập lại mạng lưới bán hàng.
“Thực tế có nhiều doanh nghiệp đã khai thác tốt đường biển, nhưng một số chủ hàng ngại thay đổi nên vẫn chấp nhận rủi ro đưa hàng đi đường bộ”, ông nói.
Cần cuộc cách mạng trong chế biến, xuất khẩu
Để phát triển bền vững chuỗi giá trị rau quả, tránh việc thi thoảng phải xử lý khủng hoảng “dư thừa, giá giảm, các DN cho rằng cần có một cuộc cách mạng chuyển đổi trong chế biến và xuất khẩu nông sản. Bởi hiện nay, khâu nào cũng có vấn đề, trong đó yếu nhất là logistics, chế biến.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, chuẩn hóa là con đường duy nhất để đương đầu với những khó khăn, ngặt nghèo hiện tại. Những doanh nghiệp có kinh nghiệm trên thương trường hãy giữ kết nối, chia sẻ kinh nghiệm để đưa rau, quả Việt Nam tới xa hơn trên trường thế giới.
Năng lực sản xuất rau quả, trái cây lớn, nếu không thay đổi tư duy tiêu thụ thì khủng hoảng thừa sẽ tái diễn (ảnh: BH) |
Ông Toản chỉ rõ 6 vấn đề chính cần thay đổi trong chuỗi ngành hàng rau quả.
Thứ nhất, thay đổi cách tiếp cận liên quan đến chế biến nông sản bởi tính chất mùa vụ. Điều này đặt ra các phương thức liên quan tới quản trị vùng trồng cũng như yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Mỗi trái cây cần có một "giấy khai sinh" cụ thể, chi tiết, đầy đủ, minh bạch.
Thứ hai, quản trị chất lượng từ gốc là yếu tố then chốt. Nếu làm được, hàng hóa bị ùn tắc trong xuất khẩu có thể lập tức đưa trở lại nhà máy chế biến.
Thứ ba, kết nối tiêu thụ nông sản bằng nhiều con đường, tiến tới tạo lập ra một hệ sinh thái tiêu thụ nông sản, ngay từ khi bắt đầu vụ gieo trồng. Trước mỗi mùa vụ, các hiệp hội ngành hàng, nhà sản xuất, đơn vị logistics,... phải ngồi lại, đưa chiến lược rõ ràng dựa trên nền tảng số.
Thứ tư, cải tổ thể chế liên quan tới chế biến. Bộ NN-PTNT đã xây dựng đề án chế biến gồm 13 lĩnh vực, cũng như đề án riêng cho rau, củ quả; công khai tới các DN.
Thứ năm, liên kết chặt chẽ các đơn vị trong chuỗi giá trị, từ người nông dân, chính quyền địa phương.
Thứ sáu, làm thương hiệu nông sản từ gốc, có như vậy mới bền vững và ngày một lớn mạnh, đồng thời hưởng lợi từ một loạt các FTAs thế hệ mới.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, muốn xây dựng chuỗi bền vững trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các thành phần từ doanh nghiệp, HTX,... để gia tăng giá trị cho các sản phẩm.
Bên cạnh việc xây dựng chuỗi xuất khẩu, các địa phương, vùng nguyên liệu cần hết sức quan tâm đến xây dựng chuỗi liên kết để đưa sản phẩm của mình vào các nhà máy chế biến.
Để làm được điều này, trước tiên cần chuyển biến về mặt tư duy, nhận thức trong chế biến các mặt hàng nông lâm sản. Bộ sẽ nghiên cứu để ban hành những chính sách đích đáng, giúp công tác tiêu thụ thuận lợi nhất, ông cho hay.
Tâm An
Tắc trên biên giới dồn về trong nước: Đón năm mới bằng 'giải cứu'
Các “đại gia” trong ngành chế biến hứa sẽ thu mua các loại trái cây tươi khi xe container trên cửa khẩu quay đầu về, còn hệ thống siêu thị sẵn sàng thu mua giúp bà con nông dân để đưa nông sản vào siêu thị bán không lợi nhuận.