Đám cưới chung của 3 anh em Đức Hải (SN 1995), Trang Mi (SN 1998) và Diệu Linh (SN 2000) diễn ra từ ngày 15/10/2022, tại phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, ngày 19/7 vừa qua, Trang Mi mới chia sẻ lên mạng xã hội và bất ngờ nhận được sự chú ý của nhiều người.
Trao đổi với VietNamNet, Trang Mi cho biết, anh trai cô đã thực hiện các thủ tục dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu… từ năm 2021 nhưng do dịch Covid-19 nên chưa tổ chức tiệc cưới.
Tiếp bước anh trai cả, 2 cô em gái Trang Mi và Diệu Linh cũng được nhà trai tới xin dâu và tổ chức lễ cưới bên phía nhà trai. Tuy nhiên, bên nhà gái cũng vì lí do dịch bệnh nên chưa làm tiệc mừng đãi khách. “Khi hết dịch, bố mẹ em quyết định tổ chức đám cưới chung cho cả 3 anh em trong một ngày”, Trang Mi nói.
Trước đây mọi người chỉ biết tới đám cưới chung của 2 anh/chị em trong một gia đình chứ chưa thấy đám cưới nào của cả 3 anh em. Vì thế, việc tổ chức đám cưới cho 3 con cùng lúc là bài toán khó cho đại gia đình Trang Mi.
“Chưa ai làm như thế này nên bố mẹ em rất lo lắng. Lần đầu tiên có đám cưới đặc biệt của các con nên bố mẹ em cũng muốn làm thật ấn tượng và chỉn chu. Rất may tất cả mọi người đều ủng hộ và đám cưới diễn ra thuận lợi”, Mi nói thêm.
“Trước đó các con tôi đều đã được tổ chức hôn lễ bên nhà thông gia rồi. Còn phía nhà chúng tôi nếu tổ chức 3 lần và mời mọi người tới nhiều lần thì ngại. Vì thế chúng tôi quyết định tổ chức chung một lần và làm lớn luôn cho các con”, bà Trần Thị Hoa chia sẻ.
Từ khi có ý tưởng cho tới khi đám cưới diễn ra là khoảng thời gian dài đại gia đình bà Hoa cùng nhau chuẩn bị kỹ lưỡng từng công đoạn.
Bà Hoa chia sẻ: “Để tổ chức hôn lễ cho các con, chúng tôi cũng giống như bao gia đình khác phải lo lắng rất nhiều việc từ bàn ghế, phông bạt, loa đài, âm thanh, ánh sáng… Quan trọng nhất là khách mời và khâu tiếp đón, đãi khách. Rất may gia đình tôi đông người, mỗi người một nhiệm vụ nên đã hoàn thành”.
Gia đình bà Hoa chia thời gian tìm hiểu và lần lượt làm việc với từng đơn vị để chuẩn bị rạp cưới, hoa cưới, lên ý tưởng sân khấu 3D, nấu cỗ… Từ việc làm hợp đồng tới việc phân công người phụ trách nghiệm thu đều được giao rõ ràng, kín kẽ để đảm bảo đám cưới diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Vì “siêu đám cưới” như thế này mà chỉ giao cho một đơn vị tổ chức sự kiện sẽ không thể đảm nhận hết được.
Sau 2 tuần thi công, một chiếc rạp cưới "siêu to khổng lồ" được dựng lên trên 2 sân bóng cạnh nhau với diện tích khoảng 3.000m2. Thời tiết hôm đó nắng nóng nên có hàng trăm chiếc quạt hơi nước được huy động hoạt động hết công suất.
Phía trên sân khấu rộng hàng trăm mét vuông, có 3 chiếc màn hình LED kích thước lớn chiếu hình ảnh của 3 cặp đôi. Gia đình bà Hoa mời 3 người dẫn chương trình để dẫn chuyện riêng cho từng cặp dâu rể.
Con trai cả và 2 con rể của bà Hoa đều là công an đang công tác tại một đơn vị trên địa bàn tỉnh. “Không có ai mai mối cho ai cả, khi chúng em yêu nhau mới biết là mọi người cùng cơ quan”, Trang Mi chia sẻ.
Trong suốt thời gian dịch bệnh, con trai và 2 con rể của bà Hoa phải thực hiện nhiệm vụ không được về nhà. Vì thế, đám cưới diễn ra khi hết dịch, đơn vị của các anh cũng tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ tiếp đón khách.
Khoảng 2.000 khách mời là bạn bè của bố mẹ và 3 anh chị em Trang Mi được mời dự hôn lễ và ăn tiệc luôn trong một giờ.
“Chúng tôi rất mừng là khách mời đến đông đủ. Mọi người bất ngờ vì chưa thấy đám cưới to như vậy bao giờ. Ai cũng chúc mừng đại hỷ của gia đình và tò mò xem đám cưới của 3 anh em tổ chức như thế nào. Để tổ chức được một đám cưới như vậy không phải là dễ. Khi tổ chức hôn lễ xong, ai cũng cảm thấy rất hoan hỉ”, Mi nói.
Sau đám cưới, 3 anh em Mi đều có nhà riêng sống gần bố mẹ. Mỗi năm đại gia đình vẫn tổ chức đi du lịch và nhiều hoạt động vui chơi ăn uống cùng nhau.
Gia đình bà Hoa có 5 người con, hiện đã có 3 con lập gia đình và sống gần bố mẹ.
Ảnh: Nhân vật cung cấp