Trung tâm Nam học – Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết mới tiếp nhận nam bệnh nhân quê Hải Phòng đến khám vì tinh hoàn sưng to và đau nhiều, chẩn đoán ung thư tinh hoàn.
Người đàn ông kể 2 tháng trước, tinh hoàn hai bên của ông bắt đầu sưng to. Khoảng 20 ngày trở lại đây, ông thấy tình trạng đau tức tăng dần nên đến phòng khám tư tại địa phương thăm khám và được chẩn đoán viêm tinh hoàn.
Ông được kê thuốc về uống nhưng chỉ đỡ đau một chút. Sau vài ngày, ông lại đến một bệnh viện khác, cũng được chẩn đoán viêm tinh hoàn, về nhà tiếp tục uống thuốc.
Đến khi không chịu được nữa, ông đến Bệnh viện Việt Đức khám và siêu âm thấy hình ảnh viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn thâm nhiễm lan tỏa. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân chụp MRI, phát hiện tinh hoàn trái biến đổi hình thái, kèm theo nhiều hạch bẹn hai bên.
Bệnh nhân có chỉ định nhập viện, mổ cắt da bìu trái, cắt tinh hoàn, mào tinh hoàn trái. Trong mổ phát hiện tổ chức da xung quanh tinh hoàn trái thâm nhiễm cứng chắc kèm ổ áp xe hóa.
Ung thư tinh hoàn là loại ung thư ít gặp ở nam giới, chiếm khoảng 1% tổng số ung thư ở nam. Tuy nhiên nó lại là một trong những bệnh ác tính nhất ảnh hưởng đến nam giới trong độ tuổi 15 đến 35.
Thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ tuổi đã mắc ung thư tinh hoàn. Hồi tháng 8, một bệnh nhân 33 tuổi đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) khám do đau, sưng bìu trái trong thời gian dài, chẩn đoán ung thư tinh hoàn trái Teranoma giai đoạn một.
Trước đó, vào tháng 5, một nam bệnh nhân 36 tuổi đi khám ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vì phát hiện khối cứng, sưng dần, đau tức vùng bẹn trái. Kết quả khám cho thấy vị trí khối sưng chính là tinh hoàn đã ung thư hoá, khối u đã di căn tới nhiều vị trí.
Các bước tự khám, sớm phát hiện dấu hiệu ung thư tinh hoàn
BS Nguyễn Duy Khoa - Khoa Nội Vú, Phụ khoa, Đầu cổ Theo yêu cầu Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - cho biết dấu hiệu hay gặp nhất và cũng là lý do đi khám bệnh nhiều nhất của ung thư tinh hoàn là bệnh nhân tự sờ thấy u tinh hoàn hoặc thấy một bên tinh hoàn to lên bất thường.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có những triệu chứng như: Đau âm ỉ vùng bẹn bìu hoặc vùng bụng dưới; Bìu cảm giác nặng, căng tức ở một bên bìu; Có thể nổi hạch vùng bẹn; Có thể đau bụng (do di căn hạch ổ bụng chèn ép hoặc đau do ung thư tinh hoàn ẩn phát triển trong ổ bụng); Có thể sờ thấy hạch cổ, đau ngực, khó thở… (do ung thư di căn).
Có nhiều yếu tố nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn, ngoài yếu tố gia đình, tiền sử từng mắc ung thư tinh hoàn hay vấn đề chủng tộc, yếu tố tinh hoàn ẩn cần đặc biệt chú ý.
Theo bác sĩ Khoa, bình thường tinh hoàn phát triển trong bụng thai nhi và đi xuống bìu trước khi sinh. Tuy nhiên, ở khoảng 3% bé trai, tinh hoàn không xuống bìu khi sinh, gọi là "tinh hoàn ẩn". Nếu không được phát hiện và phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu, nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn của người có tinh hoàn ẩn cao gấp 2,5-14 lần so với người bình thường.
Ung thư tinh hoàn là bệnh có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tính chung cho các giai đoạn có thể chữa khỏi cho 90% số người bệnh. Tỷ lệ sống 5 năm ở các bệnh nhân ung thư tinh hoàn là lớn hơn 95%. Bác sĩ Khoa cho hay có 3 bước quý ông tự thăm khám tinh hoàn:
Bước 1: Đứng trước gương. Nam giới sẽ tự kiểm tra da bìu để tìm dấu hiệu da bìu phù nề.
Bước 2: Dùng tay khám từng bên tinh hoàn. Dùng ngón trỏ và ngón giữa đặt dưới tinh hoàn, ngón cái để trên tinh hoàn. Lăn các ngón tay nhẹ nhàng để tìm các u cục bất thường.
Bước 3: Tìm mào tinh hoàn và kiểm tra, đó là phần mềm mại nằm phía sau tinh hoàn, đây là nơi giúp tinh trùng trưởng thành.