“Tiệm tỏ tình”
Năm ngoái, cả Nguyễn Lê Nguyên Thảo, Doãn Thị Hằng, Bùi Như Ý (cùng SN 2001), sống tại TP.HCM đều có những tổn thương.
Thời điểm ấy, Nguyên Thảo bị bạo hành trong tình yêu, Như Ý vừa mới thất tình, gặp khủng hoảng trong công việc. Còn Doãn Hằng vừa rời giảng đường, cũng gặp nhiều khó khăn trong công việc. Cô gái phải chuyển về quê sinh sống.
Suốt thời gian này, Nguyên Thảo nỗ lực tìm cách chữa lành bản thân. Khi vượt qua nỗi đau, cô gái trẻ mong muốn lan tỏa năng lượng tích cực, chữa lành đến những người cùng cảnh ngộ.
Một ngày, Thảo nảy ra ý tưởng xây dựng dịch vụ giúp người khác bày tỏ tâm tư, tình cảm bằng những lá thư, đoạn radio cảm xúc. Nguyên Thảo đem ý tưởng trên bàn với Doãn Hằng, Như Ý và được 2 cô bạn thân đồng ý.
Sau thời gian dài họp bàn, ngày 25/7/2022, "Tiệm tỏ tình" ra đời, tại TP.HCM. Mục đích của tiệm là trở thành trung gian, giúp người gặp khó khăn trong việc bày tỏ tâm tư, tình cảm với người mình yêu thương bằng những lá thư hay đoạn radio cảm xúc.
Nguyên Thảo chia sẻ: “Chúng tôi nhận viết thư, làm radio dựa trên câu chuyện thật của người có nhu cầu. Khách chỉ việc chia sẻ câu chuyện của mình, chúng tôi sẽ dựa vào câu chuyện ấy để viết nên một bức thư tâm huyết, chuyển thể thành giọng nói ngọt ngào.
Với cách làm này, chân thành là của bạn, tình cảm cũng là của bạn. Chúng tôi chỉ thay bạn trang trí, gói ghém nó thành những món quà nhỏ xinh. Mỗi cảm xúc trong lòng bạn đều có thể trở thành một tác phẩm đẹp. Chúng tôi sẽ giúp những chênh vênh trong lòng bạn trở nên có âm thanh và hình dáng”.
Những ngày đầu phát triển dịch vụ, 3 cô gái trẻ nhận về những ánh mắt hoài nghi. Những người xung quanh nghĩ Nguyên Thảo, Doãn Hằng, Như Ý đùa cho vui nên nhắn tin trêu, đòi tỏ tình với 3 cô chủ tiệm.
Tuy vậy, các cô gái trẻ vẫn kiên định với ý tưởng độc đáo của mình. Cuối cùng, tiệm nhận những đơn đặt hàng đầu tiên.
Như Ý chia sẻ: “Tiệm là nơi viết thư tình cho người cần. Nhưng chữ tình của tiệm không chỉ là tình yêu đôi lứa. Chữ tình ở đây có thể là lời tỏ tình của người đang yêu, nỗi nhớ thương người cũ, lời yêu thương mình tự gửi cho chính mình…
Thậm chí khó hơn, đó là những tâm sự, tình cảm khó nói của chúng ta dành cho cha mẹ, người thân... Chỉ cần là tình cảm thì dù ở bất cứ dạng thức nào, tiệm cũng trân trọng và giúp khách hàng của mình nói ra”.
“Nói để chữa lành, viết để xoa dịu những vết thương”
Mỗi khi có khách hàng liên hệ, Nguyên Thảo, Doãn Hằng, Như Ý sẽ lắng nghe câu chuyện của họ. Sau đó, tùy theo yêu cầu của khách, các cô gái sẽ sáng tác, chuyển thể câu chuyện ấy thành những lá thư, đoạn radio ngọt ngào.
Bằng cách này, 3 cô chủ mong ước các dịch vụ của mình trở thành một hoạt động chữa lành. Bởi, không chỉ lắng nghe, chia sẻ các cô gái còn giúp khách hàng gửi tiếng lòng của mình đến những người họ yêu thương.
Doãn Hằng chia sẻ: “Đôi lúc lắng nghe câu chuyện của khách hàng, chúng tôi thấy được bản thân mình trong đó. Vì tuổi đời khá trẻ, thi thoảng chúng tôi cũng gặp những “ca khó”.
Đó là khi tình cảm, câu chuyện của khách vượt tầm trải nghiệm của chúng tôi. Nhưng những lúc như vậy, chúng tôi đều cố gắng lắng nghe, nỗ lực truyền tải cảm xúc của khách đến người thương của họ một cách tốt nhất có thể”.
Vừa qua, tiệm thực hiện hoạt động Thùng tiêu cực và Thùng chữa lành với mong ước có thể chữa lành những tâm hồn đang chịu tổn thương. Thùng tiêu cực là nơi mọi người viết ra, để lại những nỗi buồn của mình.
Sau khi viết ra nỗi buồn, khách hàng sẽ nhận về một viên kẹo kèm theo lời an ủi được chủ tiệm viết tay bằng nét chữ xinh xắn. Với hoạt động này, các cô gái mong muốn những người để lại nỗi buồn sẽ nhận được niềm vui và sự vỗ về trong những ngày bất ổn.
Còn rất mới nhưng "Tiệm tỏ tình" đã có vị trí trong lòng nhiều đối tượng khách hàng. Ba cô chủ tiệm cũng nhớ những lần được lắng nghe, chia sẻ, truyền tải tâm tư tình cảm của những vị khách hàng đặc biệt.
Đó là lần tiệm lắng nghe, chia sẻ, vỗ về một người phụ nữ tìm đến với những tổn thương chồng chất. Lần khác, ba cô gái nhận lá thư tỏ tình chất chứa tình cảm đẹp nhưng day dứt của một bạn nữ gửi cho người yêu đồng giới của mình.
Hay lần Như Ý nắn nót từng nét bút, hoàn thành lá thư tay để đáp ứng nhu cầu của người khách đặc biệt. Ba cô chủ cũng nhớ những lần thức trắng đêm suy tư để biến tình cảm, chữ viết của khách thành những thông điệp khiến cảm xúc, trái tim người nhận phải lay động.
Nguyên Thảo nói: “Chúng tôi là những người có đam mê với viết lách và làm radio. Nhưng chúng tôi không muốn câu chữ, giọng nói chỉ nằm trên giấy bút, phát trên chiếc loa cũ kỹ.
Chúng tôi muốn văn chương và tiếng nói len lỏi vào từng vết nứt của tâm hồn, để từng chút một xoa dịu, chữa lành những tổn thương”.
Ảnh nhân vật cung cấp