Những cô gái PR – Ba thế hệ, 2 thập kỷ nghề và nhiều niềm tin phía trước
Cuốn sách Những cô gái PR – Ba thế hệ, 2 thập kỷ nghề và nhiều niềm tin phía trước của các tác giả Lê Mai Anh, Nguyễn Mai Phương và Hà Kiều Anh.
Ý tưởng để Những cô gái PR ra đời từ buổi hẹn cafe tình cờ. Cuốn sách là những trải nghiệm của ba cô gái cùng hoạt động trong ngành PR ở 3 giai đoạn khác nhau của sự nghiệp: Một cô gái trẻ mới vào ngành; Một người ở những gạch nối của sự nghiệp khi chuẩn bị bước qua “5 năm lần thứ nhất”; Một người ở vị trí quản lý và điều hành doanh nghiệp với 18 năm kinh nghiệm.
Hà Kiều Anh - cô gái theo ngành PR chính hiệu với câu chuyện thay đổi bản thân ấn tượng và quyết tâm theo đuổi ngành học nhiều thử thách. Những trải nghiệm của Kiều Anh trên ghế nhà trường và ngày đầu đi làm rất điển hình cho thế hệ gen Z - dám thể hiện, dám làm, không ngại sai lầm và hoàn thiện bản thân.
Nguyễn Mai Phương - một cô gái tự ví mình như “những gạch nối” trong quá trình học tập và theo đuổi ngành PR. Là 9X đời đầu với 6 năm kinh nghiệm, kinh qua những môi trường làm việc khác nhau và trở thành freelance (người làm việc tự do) trong ngành, Mai Phương kể các câu chuyện với tinh thần luôn tiến về phía trước.
Lê Mai Anh với 18 năm hoạt động trong ngành, bên cạnh những đóng góp cho ngành truyền thông, PR trong nước, chị còn được biết đến là một giảng viên duyên dáng, một cây bút chăm chỉ, đã viết 2 cuốn sách trong vòng 3 năm và là nguồn cảm hứng cho việc ra đời tác phẩm này.
Thông qua những câu chuyện và trải nghiệm nghề nghiệp, hy vọng độc giả sẽ cảm nhận được niềm đam mê và hạnh phúc trong sự nghiệp của các cô gái, hiểu thêm về ngành Truyền thông - Quan hệ công chúng. Đó thực sự là một công việc sôi động, giàu cảm xúc, trải nghiệm và không thiếu sự kỷ luật, chuyên tâm.
Cuốn sách Những cô gái PR sẽ gợi mở cho những ai quan tâm, có thêm sự tìm hiểu nhất định và nguồn cảm hứng để bước vào nghề nghiệp này.
Nhật ký cô giáo - Học kỳ Tết
Nhật ký cô giáo - Học kỳ Tết của tác giả Hồ Yên Thục ghi chép lại những câu chuyện hằng ngày đi làm của một giảng viên đại học tư thục ở TP.HCM.
Đời sống đại học được tác giả ghi chép lại kỹ lưỡng với hai nhân vật chính ở trường vẫn là người dạy - người học. Trong mối quan hệ thầy trò gắn bó, họ cùng nhau vượt qua giới hạn bản thân, bình đẳng về tư duy, cùng nhau phát triển. Khi học và làm cùng nhau hướng đến mục tiêu chung, người dạy và người học nhìn nhận được bản thân, từ đó học cách chấp nhận và yêu mến chính mình, rồi học cách tôn trọng và yêu mến người khác.
Thông qua Nhật ký cô giáo - Học kỳ Tết, cô giáo trẻ Yên Thục muốn gửi gắm tâm tư đến bạn đọc: “Đại học là một nơi thú vị, đáng để trải nghiệm trong cuộc đời. Bốn năm thanh xuân này giống như ở trọ một nơi lạ trong một góc thành phố lạ, nó đáng mong chờ nhưng không hứa hẹn chỉ có niềm vui, sẽ có người thấy thích, có người không”.
Chỉ cách người một nhịp đập con tim
Chỉ cách người một nhịp đập con tim của tác giả Isabelle Müller, dịch giả Trương Thùy An, hiệu đính Trương Hồng Quang. Tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của mỗi "dấu ấn": mỗi tế bào của chúng ta đều có một ký ức (trước khi chúng ta được sinh ra = ký ức của người khác hoặc/và của chính chúng ta nếu chọn sự tái sinh của chính mình; sau khi chúng ta chết = khi rời khỏi vỏ bọc con người, “tinh hoa” của chúng ta mang dấu ấn năng lượng của chúng ta). Dấu ấn năng lượng là một loại ký ức trước khi sinh, tạo nên nền tảng của sự sống vĩnh viễn.
Với những trải nghiệm bạn tạo ra trong cuộc sống, bạn củng cố bản chất của mình, sau đó bạn lại chia nhỏ nó bằng những trải nghiệm khác và củng cố nó một lần nữa. Bằng cách này, bạn liên tục tạo ra một cấu trúc mới bên trong chính mình. Suy nghĩ và hành động theo cách này khiến tất cả đều có thể thực hiện được và cho độc giả ý tưởng về cảm giác vĩnh cửu như thế nào.
Nó cũng giải thích dễ dàng tại sao một số người có thể nhớ được những điều mà bản thân họ chưa từng trải qua hoặc tại sao các thiên tài lại được truyền cảm hứng...