Loét miệng không phải lúc nào cũng là do nhiệt
Chị Nguyễn Thị H. (trú tại Ninh Bình) chia sẻ chị phát hiện ung thư lưỡi từ tháng 11/2022. Đến nay, chị đã cắt 2/3 lưỡi và đang tiếp tục điều trị. Dấu hiệu ban đầu của chị chỉ là các vết loét ở lưỡi. Chị nghĩ đó là nhiệt miệng nên mua kem trị nhiệt miệng và ngâm nha đam nhưng không đỡ.
Hơn 2 tháng sau, vết loét loang rộng hơn và đau ở mang tai. Chị H. lên Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội khám. Kết quả sinh thiết cho thấy chị bị ung thư lưỡi. Sau đó, chị chuyển về Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) điều trị tiếp. Điều chị H. bất ngờ là bệnh nhân ung thư lưỡi hầu như là nam giới, đều hút thuốc lá, uống rượu. Bản thân chị không có các thói quen đó.
Trường hợp của ông L.T.D (56 tuổi, Thanh Hóa) đi khám vì có cục cứng rắn màu trắng ở lưỡi. Kết quả inh thiết cho thấy ông mắc ung thư lưỡi giai đoạn 3. Theo người nhà, từ hơn 6 tháng trước ông D. đã có hiện tượng như xương cá đâm ở lưỡi. Sau đó, lưỡi xuất hiện nốt phồng, xơ hóa, cứng và to dần. Ông D. bất ngờ vì bác sĩ nói đó là dấu hiệu của ung thư. Bệnh nhân này có tiền sử hút thuốc lá hơn 20 năm, một tuần uống khoảng 3 bữa rượu.
Cách đây 3 tháng, anh N.Q.H. (39 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) thấy xuất hiện vết gồ nhỏ ở lưỡi. Nghĩ rằng nhiệt miệng, anh mua nước muối sinh lý về súc miệng và bôi thuốc. Tuy nhiên, vết loét tiếp tục sưng to nhưng bệnh nhân vẫn chủ quan nghĩ rằng sẽ khỏi. Đến khi vết loét to bằng đầu ngón tay, đau nhức nhai nuốt khó khăn anh mới đi kiểm tra. Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị mắc ung thư biểu mô vảy sừng hóa xâm nhập, tổn thương xung quanh.
Dấu hiệu ung thư lưỡi
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hằng, Phòng quan hệ quốc tế và Nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, các dấu hiệu ung thư lưỡi cần lưu ý:
- Bề mặt lưỡi có các mảng đỏ hoặc trắng lâu ngày không biến mất, vết viêm loét hoặc u lâu ngày không hết.
- Bệnh nhân thấy đau khi nuốt, cảm giác tê đau hoặc bỏng rát trên lưỡi.
- Cử động của lưỡi gặp khó khan, có hạch ở cổ. Một số trường hợp có dấu hiệu chảy máu lưỡi không rõ nguyên nhân và đau ở tai.
Nguyên nhân chính xác gây ra hầu hết các loại ung thư vùng đầu cổ vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên, nhiều yếu tố nguy cơ đã được xác định như hút thuốc. Người thường xuyên uống nhiều rượu và bị nhiễm virus HPV.
Tại khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), các bác sĩ cũng ghi nhận đa số bệnh nhân ung thư lưỡi đến khám và phát hiện khi các tổn thương đã lan rộng, phẫu thuật triệt căn. Bệnh nhân cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi, tùy vị trí và kích thước khối u. Ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, ở giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp điều trị thêm xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống. Trong một số trường hợp ở giai đoạn muộn khi có chảy máu nhiều tại u phải phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài để cầm máu.
Sau đó, người bệnh được điều trị thêm hóa chất hoặc xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại. Xạ trị có vai trò điều trị triệt căn hoặc bổ trợ trong điều trị bệnh ung thư lưỡi. Nhưng phương pháp này gây ra một số tác dụng phụ như khô miệng, viêm miệng, xạm da, cháy da, loét da, khít hàm. Nhiều bệnh nhân phải hóa trị trước phẫu thuật khi giai đoạn muộn.
Bác sĩ khuyến cáo khi thấy dấu hiệu bất thường để chẩn đoán, phát hiện bệnh và kết hợp nhiều phương pháp điều trị nhằm nâng cao hiệu quả.
Nữ bệnh nhân 36 tuổi sốc vì mắc loại ung thư giống mẹ
Cô gái 28 tuổi 3 lần thoát cửa tử