Nghiên cứu được công bố trên The Lancet Public Health cho thấy các dấu hiệu cảnh báo có thể đã bị bỏ sót ở 1/6 trường hợp tử vong do đau tim ở Anh.
Đau tim là trường hợp cấp cứu y tế cần phản ứng nhanh chóng để hạn chế mức độ tổn thương gây ra cho cơ tim. Thật không may, một số cơn đau tim có các triệu chứng khó phát hiện hơn và do đó có thể bị bỏ sót.
Nhóm tác giả đã xem xét dữ liệu của hơn 400.000 người Anh từ năm 2006 đến 2010 từng trải qua cơn đau tim với 136.000 ca tử vong.
Hồ sơ bao gồm dữ liệu của các bệnh nhân chết vì đau tim được nhập viện trong 4 tuần trước đó hay không và nếu có, liệu các dấu hiệu đau tim có phải là nguyên nhân chính dẫn đến nhập viện.
Trong số 136.000 bệnh nhân chết vì đau tim, khoảng một nửa số ca tử vong mà không nhập viện trong 4 tuần trước đó. Ngoài ra, hơn 21.000 số ca đã nhập viện trong 4 tuần trước khi tử vong nhưng không ghi nhận triệu chứng đau tim trong hồ sơ.
Các tác giả kết luận, có một số triệu chứng nhất định, như ngất xỉu, khó thở và đau ngực, xuất hiện 1 tháng trước khi tử vong ở một số bệnh nhân.
Họ cũng phát hiện những bệnh nhân ghi nhận đau tim là nguyên nhân thứ phát có nguy cơ tử vong cao gấp 2-3 lần so với những người được xác định đau tim là tình trạng chính.
Tiến sĩ Perviz Asaria, Trường Y tế công cộng tại Imperial (Anh), cho biết: "Các bác sĩ rất giỏi trong việc điều trị các cơn đau tim khi đó là nguyên nhân chính khiến người bệnh nhập viện. Nhưng chúng tôi không điều trị tốt các cơn đau tim thứ phát hoặc không nhận ra các dấu hiệu nhỏ cảnh báo nguy cơ tử vong vì nhồi máu cơ tim trong tương lai gần”.
"Thật không may có nhiều ca tử vong do đau tim xảy ra ở những người mà cơn đau tim không được ghi nhận là nguyên nhân chính khiến họ phải nhập viện”.
Đồng tác giả, Giáo sư Majid Ezzati, bổ sung: "Chúng tôi vẫn chưa thể nói tại sao những dấu hiệu này lại bị bỏ sót, đó là lý do phải tiến hành nghiên cứu chi tiết hơn để đưa ra các khuyến nghị thay đổi".
Cách ngăn ngừa cơn đau tim
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, có ba bước chính bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa cơn đau tim, đột quỵ. Trong đó, thay đổi lối sống là cách hiệu quả nhất, cụ thể là: Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng; không hút thuốc; giữ huyết áp ở mức khỏe mạnh.
Chế độ ăn uống lành mạnh có nghĩa là tránh thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa, vì chúng làm tăng mức cholesterol LDL trong máu. Đó là các loại bánh ngọt, đồ chiên rán, xúc xích, thịt mỡ, bơ, kem, phô mai…