Đầu tiên là tỉ lệ màn hình 18:9
Tỉ lệ màn hình phổ biến từ trước đến nay của hầu hết các smartphone là 16:9. Đây là tỉ lệ chuẩn đối với các TV màn hình lớn và các bộ phim chiếu rạp, do đó các smartphone cũng được trang bị màn hình tỉ lệ như vậy để tiện cho việc xem phim. Tuy nhiên, trong năm 2017, nhiều smartphone cao cấp và cận cao cấp đã dần chuyển sang tỉ lệ 18:9.
Xu hướng này bắt đầu từ chiếc LG G6, sử dụng tỉ lệ 18:9 cho màn hình 5.7-inch độ phân giải 2880 x 1440. Phong cách thiết kế mà LG gọi là FullVision này đã góp phần làm cho chiếc G6 trông bé hơn một chút so với đàn anh LG V20, dù cả hai đều sở hữu màn hình 5.7-inch như nhau.
Chỉ vài tuần sau khi LG G6 ra mắt, hai ông lớn khác gia nhập đội quân 18:9 là Samsung Galaxy S8 và S8 Plus. Thực ra Galaxy S8 và S8 Plus có tỉ lệ màn hình là 18.5:9, và đây cũng chính là điểm nhấn mà Samsung dùng để quảng cáo cho hai chiếc flagship của mình. Màn hình vô cực (Infinity Display) trên S8 và S8 Plus giúp máy có viền rất mỏng trong khi diện tích màn hình tăng lên đôi chút.
Hiện trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều smartphone với tỉ lệ màn hình 18:9 (hoặc có thể nói là 2:1) như Samsung Galaxy Note 8, LG V30, OnePlus 5T và một số máy khác nữa.
Ngay cả Google cũng không đứng ngoài xu hướng và mang tỉ lệ màn hình này lên siêu phẩm Pixel 2 XL màn hình 6-inch của hãng. Apple thì chơi trội hơn, giới thiệu chiếc iPhone X gần như không viền, màn hình 5.8-inch với tỉ lệ dài hơn nữa là 19.5:9!
Tuy nhiên, màn hình 18:9 vẫn có những nhược điểm khi xem một số bộ phim và chương trình TV. Dù các nội dung dành cho tỉ lệ này ngày càng phổ biến, tỉ lệ chuẩn vẫn là 16:9, có nghĩa là khá nhiều nội dung hoặc sẽ phải kéo dãn ra cho vừa màn hình, hoặc sẽ có các viền đen nếu không muốn hình ảnh bị méo.
Tất nhiên, đối với người tiêu dùng thì đây cũng chỉ là vấn đề nhỏ mà thôi, và phần lớn người tiêu dùng khá hài lòng với tỉ lệ 18:9 này. Hi vọng chúng ta sẽ thấy tỉ lệ màn hình này nhiều hơn trên các smartphone tầm trung, và cả các smartphone bình dân nữa. Ai cũng thích màn hình lớn hơn, và nếu màn hình lớn hơn nhưng không làm điện thoại phình ra thì càng tốt!
Màn hình 120 Hz cho chất lượng đồ hoạ tốt hơn
Một cái tiến mới khác trên lĩnh vực smartphone trong năm 2017, cũng liên quan đến màn hình, nhưng ít phổ biến hơn rất nhiều so với tỉ lệ màn hình 18:9, là tần số làm tươi 120 Hz. Chiếc smartphone nổi tiếng nhất hỗ trợ tần số làm tươi này là Razer Phone ra mắt hồi đầu tháng 11. Một vài smartphone khác cũng hỗ trợ tần số làm tươi 120 Hz thay vì 60 Hz như thông thường là các mẫu Sharp Aquos.
Tại sao đây là một cải tiến đáng giá? Tần số làm tươi màn hình là mức độ màn hình có thể cập nhật một hình ảnh mỗi giây. Trên lý thuyết, nếu màn hình có tần số làm tươi càng cao thì hình ảnh càng mượt và rõ ràng, ngay cả khi bạn đang cuộn. Razer "tung hứng" tần số làm tươi cao với một công nghệ khác do hãng phát triển gọi là Ultra Motion - đồng bộ với GPU của điện thoại để thay đổi tần số làm tươi của màn hình dựa trên nhu cầu của ứng dụng đang chạy. Nhờ vậy Razer Phone có thể duy trì tần số làm tươi tối ưu nhất khi chơi game, mang lại hiệu ứng đồ hoạ mượt mà hơn nhiều trong khi màn hình ít bị hiện tượng "xé hình" hơn.
Trong năm 2018, chúng ta sẽ thấy nhiều smartphone hỗ trợ tốt hơn các trải nghiệm thực tế ảo và thực tại tăng cường. Chúng ta cũng sẽ thấy nhiều hơn các thiết bị VR độc lập được trang bị phần cứng điện thoại để chạy các game Android. Việc các màn hình này có tần số làm tươi cao hơn sẽ giúp các ứng dụng VR và AR trông đẹp mắt hơn, với độ trễ thấp hơn. Chiếc Razer Phone hỗ trợ tần số làm tươi cao hơn sẽ là phát súng mở màn cho nhiều smartphone chuyên game và VR với tần số làm tươi tương tự ra mắt vào năm sau.
eSim thay thế SIM truyền thống
Dù chiếc smartphone của bạn tiên tiến thế nào đi nữa, bạn vẫn cần một chiếc SIM truyền thống nếu muốn sử dụng để nghe - gọi - nhắn tin. Nếu bạn mua một chiếc smartphone bản unlock và muốn dùng nó với mạng di động tại nơi đang sinh sống, bạn vẫn cần gắn SIM của mạng tương ứng vào đó. Thế nhưng trong năm 2017, chúng ta đã thấy một phương pháp mới thay thế cho công nghệ đã cũ này trên một số dòng smartphone mới.
Google Pixel 2 và Pixel 2 XL là những chiếc điện thoại đầu tiên được trang bị công nghệ eSIM. Chúng có các SIM được nhúng sẵn trong máy và không thể tháo rời được. Công nghệ này tiên tiến ở chỗ bạn có thể chuyển nhà mạng chỉ bằng một ứng dụng cài trên máy chứ không cần phải tháo lắp SIM mới; nó không chỉ hữu ích khi bạn mua máy unlock hoặc tặng máy cũ cho người khác, mà còn giúp những người thường hay di chuyển nhiều giữa các quốc gia không cần phải mua thêm SIM để gọi và kết nối dữ liệu di động ở các nước mà họ tới.
Hiện tại, eSIM trên Pixel 2 và Pixel 2 XL chỉ hỗ trợ người dùng đăng ký Project Fi của Google. Tuy nhiên việc Google tích hợp eSIM vào chiếc flagship mới nhất của họ cho thấy hãng đang khuyến khích các nhà sản xuất lẫn các nhà mạng hỗ trợ eSIM trên các thiết bị khác trong tương lai. Năm 2018 được cho là sẽ xuất hiện nhiều smartphone hỗ trợ cả Nano SIM và eSIM, và hi vọng sau vài năm nữa, các nhà sản xuất điện thoại sẽ loại bỏ hoàn toàn chiếc SIM truyền thống.
Kết luận
2017 không phải là một năm với những cuộc cách mạng công nghệ, nhưng lại chứng kiến những tiến triển trong việc tạo ra các màn hình lớn hơn, tốt hơn, và những động thái đầu tiên trong việc loại bỏ các công nghệ smartphone truyền thống sắp lỗi thời. Hi vọng trong năm 2018 chúng ta sẽ được thấy thêm nhiều cải tiến hấp dẫn hơn nữa.
Theo GenK