Theo trang quân sự Army Recognition, Triều Tiên hôm 18/12 đã tiến hành vụ thử tên lửa liên lục địa (ICBM) Hwasong-18 tại khu vực phía đông thủ đô Bình Nhưỡng. Hwasong-18 trong quá trình thử nghiệm đã đạt độ cao 6.518km, bay xa 1.002km, và đánh trúng mục tiêu đã định nằm ở vùng biển trống.
Các chuyên gia quân sự nhận định rằng, với việc thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo vừa qua, Triều Tiên hiện sở hữu ba loại khí tài tầm xa gồm Hwasong-14, Hwasong-15 và Hwasong-18 có thể tấn công vào lãnh thổ Mỹ.
Hwasong-14
Hwasong-14, hay còn có tên khác là KN-20, là tên lửa đạn đạo liên lục địa được Triều Tiên phát triển trong thập niên 2010 và chính thức được quân đội nước này đưa vào trang bị từ năm 2017. Trong một cuộc thử nghiệm được Bình Nhưỡng thực hiện cùng năm, Hwasong-14 đã đạt độ cao 3.724km, bay xa 998km trước khi rơi xuống vùng biển phía đông nước này.
Các chuyên gia quân sự của Army Recognition nhận định, trong trường hợp được phóng theo quỹ đạo tối ưu thì tầm bắn của Hwasong-14 có thể đạt đến 10.000km. Tức những khu vực nằm ở miền trung và duyên hải phía tây nước Mỹ đều nằm trong tầm bắn của loại vũ khí này.
Hwasong-15
Hwasong-15, hay còn có tên khác là KN-22, là ICBM được Triều Tiên phát triển ở thời điểm trước năm 2017. Theo nhận định từ trang web Missilethreat.csis.org, loại tên lửa này là vũ khí “kế thừa các ưu điểm từ thiết kế của những loại tên lửa trước đó là Hwasong-12 và Hwasong-14”.
Trong vụ phóng thử được Triều Tiên tổ chức hôm 24/3/2022, Hwasong-15 đã bay trong 71 phút, đạt độ cao 6.000km, bay xa 1.080km trước khi rơi xuống biển.
Theo dữ liệu được Missilethreat.csis.org công bố, Hwasong-15 khi được phóng với quỹ đạo tối ưu có thể đạt tầm bắn lên tới 13.000km, đủ bao trùm toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ.
Hwasong-18
Ở vụ phóng diễn ra hôm 18/12, Hwasong-18 đã đạt độ cao 6.518km, bay xa 1.002km trước khi đánh trúng mục tiêu. Trong trường hợp được phóng theo quỹ đạo tối ưu thì tầm bắn của Hwasong-18 có thể đạt đến 15.000km.
Theo nhận định từ Army Recognition, sự phát triển nhanh chóng về lĩnh vực ICBM của Triều Tiên trong những năm qua đã khiến nhiều chuyên gia quân sự lo ngại về khả năng đánh chặn của Mỹ. Dù Washington trong nhiều thập niên gần đây đã đổ tiền vào việc phát triển những hệ thống phòng không tiên tiến, nhưng tính hiệu quả của chúng khi đánh chặn các ICBM như dòng Hwasong của Triều Tiên không hẳn là tuyệt đối.
Lý do khiến các hệ thống phòng không của Mỹ gặp khó khăn trong việc đánh chặn các ICBM dòng Hwasong tới từ nhiều yếu tố như quỹ đạo bay, tốc độ cũng như tải trọng của tên lửa. Ngoài ra, những hệ thống mồi nhử (nếu có) lắp trên ICBM cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ đánh chặn của các hệ thống phòng không.
Dù vậy, hệ thống tên lửa phòng không Patriot khi tham gia thực chiến ở châu Âu những tháng gần đây trong một số trường hợp đã bắn hạ được ICBM. Điều này cho thấy, quân đội Mỹ vẫn sở hữu một số hệ thống có thể đánh chặn các tên lửa đang nhắm tới lãnh thổ nước này.