Tôi năm nay 29 tuổi, tạng người béo từ nhỏ. Hiện tôi cao 171cm nặng 84kg. Gần đây, một người quen của tôi bị đột quỵ vì thừa cân. Vì sao người béo phì lại dễ bị đột quỵ và người có cân nặng bao nhiêu thì có nguy cơ? Nhờ bác sĩ tư vấn, cảm ơn bác sĩ. (Minh Tuấn - Hà Nội)
Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) trả lời:
Để xác định mức thừa cân béo phì, bạn có thể dựa vào chỉ số BMI. Nếu chỉ số này bằng hay lớn hơn 25, bạn đã bị thừa cân. Nếu chỉ số BMI dao động từ 25-29 thì bạn đang bị tiền béo phì và BMI trên 30 bị xem là béo phì.
Đột quỵ được xem là "cái chết bất thình lình". Béo phì có mối liên hệ chặt chẽ với nguy cơ mắc bệnh đột quỵ. Người béo phì thường mắc các yếu tố nguy cơ khác như cao huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ trong máu, đồng thời có xu hướng hút thuốc, uống rượu nhiều hơn, đây đều là những yếu tố gây đột quỵ.
Cũng giống như hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi, thừa cân có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Do chất béo dư thừa trong cơ thể, tình trạng viêm có thể xảy ra, gây ra lưu lượng máu kém và tắc nghẽn mạch máu - hai nguyên nhân chính gây đột quỵ.
Nghiên cứu cho thấy, người béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh đột quỵ cao hơn so với những người có cân nặng bình thường. Các nghiên cứu đã chỉ ra, béo phì có thể tăng nguy cơ mắc đột quỵ đến 64%, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi.
Cơ chế chính giải thích mối quan hệ giữa béo phì và đột quỵ là do sự tích tụ mỡ trong cơ thể, đặc biệt là mỡ bụng.
Thứ nhất, tăng áp lực trong động mạch: Mỡ bụng có thể gây ra áp lực lên các động mạch, làm tăng nguy cơ bị động mạch vành và đột quỵ.
Thứ hai, tăng insulin trong máu: Mỡ bụng tích tụ cũng có thể làm tăng sự đáp ứng insulin của cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch.
Thứ ba, gây viêm: Mỡ bụng có thể dẫn tới viêm nhiễm trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Ngoài ra, béo phì cũng có thể góp phần tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác như bệnh mạch vành và suy tim.
Cách tốt nhất để ngăn chặn các biến chứng béo phì cần tránh tăng cân ngay từ ban đầu. Trường hợp bạn đang thừa cân, béo phì cần giảm cân càng sớm càng tốt.
Các biện pháp thay đổi lối sống giúp giảm cân như: Uống đủ nước vì nước giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, tăng cường các hoạt động của cơ thể và giảm cảm giác thèm ăn. Bạn có thể uống nước mọi lúc và nên uống nước lọc, nước trái cây.
Hằng ngày, bạn tuyệt đối không bỏ bữa sáng, đảm bảo đủ lượng đạm. Bởi vì đạm giúp bạn giảm cảm giác thèm ăn, cơ bắp phục hồi nhanh chóng. Khi chế biến, ưu tiên hấp và luộc. Ăn rau củ quả trước bữa ăn, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc. Việc ngủ đủ giấc sẽ giúp phục hồi chức năng của cơ thể, đốt cháy chất béo. Phó giáo sư Tuấn cho rằng giảm cân không hề khó, chỉ cần vượt qua được chữ "lười" là bạn đã thành công 50%.
Trong trường hợp áp dụng mọi biện pháp nội khoa không hiệu quả, người béo phì có thể giảm cân bằng phương pháp ngoại khoa. Phẫu thuật thu nhỏ dạ dày có tác dụng làm giảm cân và điều trị các bệnh liên quan.