Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế chiều 18/9 cho biết dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại Hà Giang, Điện Biên, đã có 3 ca tử vong.
Trong công văn khẩn chiều 18/9 gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế 63 địa phương và y tế các bộ, ngành, Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho toàn bộ nhân viên y tế (công lập và tư nhân) tham gia công tác khám, chữa bệnh. Điều này nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm.
Cùng đó, rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong; bảo đảm phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.
Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ bạch hầu ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn, lấy mẫu ngay để làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn; triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn.
Ngoài việc tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết, Bộ Y tế yêu cầu với các ca bệnh khó, ca bệnh nặng, cần hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên trước khi chuyển tuyến.
Theo Sở Y tế Hà Giang, đến ngày 16/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang điều trị cho 12 ca nghi ngờ mắc bạch hầu, Bệnh viện Đa khoa Khu vực huyện Mèo Vạc điều trị 32 người và 2 người tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực huyện Yên Minh. Trước đó, 37 bệnh nhân đã ra viện, đang được nhân viên y tế cơ sở tiếp tục theo dõi trong 14 ngày kể từ khi xuất viện. Gần 11.000 người ở 2 huyện Yên Minh và Mèo Vạc được sử dụng kháng sinh dự phòng.
Theo ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó đoàn công tác của Bộ Y tế tại Hà Giang về dịch bệnh bạch hầu, hầu như các vụ dịch bạch hầu đều không xác định được nguồn lây vì người lành mang trùng không có biểu hiện rõ ràng.
Tại Điện Biên, từ tháng 5 đến nay tỉnh này ghi nhận 6 ca bạch hầu dương tính, 1 ca tử vong. Các trường hợp cũng đều không rõ nguồn lây.
Nguồn tin của VietNamNet cho biết từ cuối tháng 8 đến nay, một số trường hợp dương tính với bạch hầu tại Hà Giang, Thái Nguyên được chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) điều trị.
Dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu.
Trong 3 ca mắc bạch hầu đang điều trị tại Điện Biên có 1 ca đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin. Ngoài ra, hai ca bệnh dương tính khác cũng vừa được chuyển từ Thái Nguyên xuống Hà Nội điều trị.