Vào tối nay (20/1), chủ nhân của giải thưởng chính VinFuture đã được xác định. Đó là 3 nhà khoa học nghiên cứu ra vắc xin Covid-19 công nghệ mRNA gồm Tiến sĩ Karikó, Giáo sư Weissman và Giáo sư Pieter R. Cullis.
Sự kiện Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất được phát trực tiếp trên các kênh truyền thông lớn của Việt Nam và thế giới với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ ban ngành trong nước, Đại sứ nhiều quốc gia; các doanh nhân hàng đầu và đặc biệt là các nhà khoa học nổi tiếng thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: "Hai năm qua, nhất là trong thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh, cả nhân loại đã đặt niềm tin, hy vọng và trông chờ vào các nhà khoa học để tìm ra vaccine, thuốc chữa, phòng chống dịch COVID-19. Vaccine được ví như là lá chắn thép của nhân loại để vượt qua đại dịch COVID-19. Cả thế giới biết ơn, ngưỡng mộ các nhà khoa học - những người đã thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Chúng ta có mặt ở đây hôm nay bình yên, an toàn cũng chính nhờ các nhà khoa học, nhờ có vaccine...Hôm nay, chúng ta tôn vinh những công trình đoạt giải thưởng là tôn vinh những giá trị khoa học đóng góp cho nhân loại, tôn vinh những nhà khoa học đã ngày đêm nghiên cứu bằng trí tuệ vượt trội, trái tim nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho loài người".
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải VinFuture cho ba nhà khoa học nghiên cứu ra vắc xin Covid-19 công nghệ mRNA. |
Giáo sư Drew Weissman là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y, Đại học Pennsylvania (UPenn, Mỹ). Trong sự nghiệp của mình, Giáo sư Weissman đã dành hơn 15 năm nghiên cứu về RNA nhằm sản xuất vắc xin với một niềm tin lớn vào khả năng chữa bệnh dường như vô tận của mRNA tùy chỉnh.
Giáo sư Drew Weissman. |
Tiến sĩ Katalin Karikó sinh năm 1955 trong một gia đình làm nghề bán thịt ở Kisújszállás, một thị trấn cách Budapest (Hungary) 150 km về phía đông. Tình yêu toán học và khoa học của bà bắt nguồn từ chính những bài giảng của các giáo viên tại ngôi trường địa phương mà bà theo học.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Karikó đăng ký vào Đại học Szeged. Bà theo học chuyên ngành hóa sinh và hoàn thành khóa học tương đương trình độ Thạc sĩ vào năm 1978.
GS Katalin Karikó. |
Karikó nhận học bổng Tiến sĩ khi làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Sinh học Szeged (BRC) của Học viện Khoa học Hungary. Bà nhận bằng Tiến sĩ năm 1982 tại Đại học Szeged.
Karikó bắt đầu làm việc tại Đại học Pennsylvania, thành phố Philadelphia năm 1989, tập trung nghiên cứu về ứng dụng trị bệnh của mRNA được phiên mã trong ống nghiệm.
Tiến sĩ Katalin Kariko và Giáo sư Drew Weissman đã phát triển công nghệ mRNA biến đổi nucleoside và các cải tiến khác liên quan đến vắc xin mRNA. Đây là công nghệ mà Pfizer-BioNTech và Moderna đã sử dụng trong quá trình phát triển vắc xin của họ.
Nghiên cứu mang tính đột phá trong việc sửa đổi mRNA giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào. Hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể có khả năng nhận ra sự hiện diện đột ngột của RNA ngoại lai và phản ứng như thể đó là một cuộc tấn công của virus thực sự.
Nghiên cứu năm 2004-2005 của Tiến sĩ Kariko và các cộng sự đảm bảo rằng RNA đi vào tế bào và hoạt động đúng chức năng mà không gây ra các phản ứng cytokine, không gây độc tính hoặc các tác dụng phụ.
Với Giáo sư Pieter R. Cullis, ông là Giám đốc Viện Khoa học Sự sống tại Đại học British Columbia (UBC). Ông đồng thời là Giáo sư tại Khoa Hóa sinh và Sinh học Phân tử và Trưởng nhóm Nghiên cứu NanoMedicines, UBC.
Giáo sư Cullis và các đồng nghiệp đã đạt được những tiến bộ mang tính nền tảng trong việc tạo ra và đưa hệ thống các hạt nano lipid (LNP) vào tĩnh mạch dưới hình thức các loại thuốc dạng phân tử nhỏ và thuốc đại phân tử như RNA can thiệp nhỏ (siRNA).
GS Pieter R. Cullis. |
Cullis là người đưa công nghệ hạt nano lipid từ lý thuyết trở thành hiện thực. Ông cũng đóng vai trò trung tâm trong việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thuốc phi lợi nhuận (nay là Admare BioInnovations) và các tổ chức phi lợi nhuận khác như Mạng lưới đổi mới NanoMedicines.
Sau đó, trong nhiều năm, ông còn thành lập một số công ty để thương mại hóa những phát triển mới trong công thức LNP, cho phép phát triển vaccine BioNTech/Pfizer.
Thành tựu nghiên cứu của Cullis đã đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp trị liệu gen sử dụng công nghệ LNP, với các đại diện tiêu biểu như: Moderna, CureVac, BioNTech và Intellia.
Giáo sư Pieter R. Cullis đã được trao Giải thưởng Chính VinFuture vì thành tựu đột phá trong việc phát triển các hạt nano lipid cần thiết để bao bọc và bảo vệ mRNA hoạt động. Điều này đã mở ra một ngành khoa học mới và các phương pháp mới trong sản xuất vắc-xin mRNA COVID-19 giúp cải thiện cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người.
Kỹ thuật do Giáo sư Cullis tiên phong tạo ra đã được sử dụng thành công để phát triển hệ thống phân phối LNP cho vắc xin mRNA, bao gồm cả những kỹ thuật đang được sử dụng để ứng phó với đại dịch Covid-19.
Công trình nghiên cứu của 3 nhà khoa học nêu trên mang tính đột phá trong việc sửa đổi mRNA giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào.
Hiệu quả của công trình nghiên cứu khoa học này đã được chứng minh khi người dân của hơn 150 quốc gia được hưởng lợi nhờ vắc xin Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA do 3 nhà khoa học này phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế |
Tại Việt Nam, phát triển khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, là một đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội. “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” . Nhà nước đang đẩy mạnh thiết kế cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa đường lối của Đảng, thúc đẩy huy động nguồn lực đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp, xã hội và nhân dân vào cuộc, đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành mục tiêu, động lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước hùng cường và thịnh vượng; xác định mỗi người dân là chủ thể, là người thực hiện và thụ hưởng chính sách đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ của đất nước. Đồng thời, việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn là chủ trương lớn để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
|
Trọng Đạt
Người Việt giỏi toán: Lợi thế để phát triển công nghệ AI
Với những lợi thế nhất định về xã hội và con người, Việt Nam có cơ hội để thu hẹp khoảng cách về công nghệ AI với thế giới.